ULIS và những chuyến đò tri thức đến Lạng Sơn và Thanh Hóa
Bắt đầu từ tháng 10/2018, “chiến dịch” nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại Lạng Sơn và Thanh Hóa với tầm nhìn rất nhân văn đã được các thầy cô và các em sinh viên ULIS tích cực triển khai để đạt được kết quả cao nhất.
Là một trường đại học chuyên về đào tạo ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chủ trương đóng góp hết mình vì nền giáo dục Việt Nam. Xuyên suốt chiều dài hơn 60 năm lịch sử thành lập cho đến nay, Nhà trường đã đào tạo cho xã hội bao thế hệ cử nhân ngoại ngữ, những con người đã và đang ngày ngày làm việc, cống hiến cho một đất nước ngày càng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đào tạo, công tác bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ và giảng viên cũng được Nhà trường triển khai thường xuyên. Công tác xây dựng giáo trình, sách giáo khoa; nghiên cứu ra các định dạng đề thi Đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh và rất nhiều công trình khác đều là những sản phẩm nghiên cứu mang tính ứng dụng mà Nhà trường đã xây dựng đóng góp cho xã hội. Dẫu vậy, Nhà trường vẫn mong mỏi đóng góp nhiều hơn nữa trong các hoạt động phục vụ xã hội, vì cộng đồng.
Trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay, khi mà thế giới ngày càng xích lại, xu hướng hội nhập quốc tế ngày một gia tăng thì nguồn nhân lực có trình độ cao về ngoại ngữ lại càng quan trọng. Trên quan điểm đó, các địa phương cũng ngày càng chú trọng trong công tác đào tạo tiếng Anh ở bậc THPT. Nắm bắt nhu cầu xã hội, Nhà trường đã lên kế hoạch phối hợp với địa phương để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Tháng 10/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ đã có những buổi làm việc đầu tiên với Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn và Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa để đi đến ký kết hai chương trình hợp tác chuyển giao tri thức cho địa phương (Gọi tắt là Chương trình Lạng Sơn và Chương trình Thanh Hóa). Hai chương trình này nhằm bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh thí điểm theo mô hình mới do ULIS thiết kế và hỗ trợ cho sinh viên THPT mà trước tiên tập trung vào các học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hoạt động được triển khai tại 10 trường THPT ở Lạng Sơn (Hoàng Văn Thụ, Lộc Bình, Tân Thành, Tú Đoạn, Vân Nham, Na Dương, Việt Bắc, Hữu Lũng, Cao Lộc, Dân tộc nội trú Lạng Sơn) và 4 trường ở Thanh Hóa (Hậu Lộc 1, Hậu Lộc 2, Hậu Lộc 3, Hậu Lộc 4). Đây đều là các trường có những đặc thù khó khăn về đào tạo ngoại ngữ (hạn chế về trình độ học sinh, cơ sở vật chất,…).
Những buổi làm việc ban đầu đã đem lại kết quả tích cực
Sau đó, Nhà trường đã ngay lập tức thành lập Ban chỉ đạo Đề án Địa phương do Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh làm Trưởng ban để tổ chức triển khai hai chương trình này. Nhà trường đã tuyển lựa các cán bộ và giảng viên trình độ chuyên môn cao với lòng yêu nghề, tinh thần nhiệt tình mong mỏi “truyền lửa” để tham gia chương trình. Đã có 9 nhóm nhân lực được thành lập gồm Ban Chỉ đạo có 4 thành viên trong Ban Giám hiệu, Ban Tổ chức triển khai và các nhóm chuyên biệt như: nhóm thiết kế chương trình và tài liệu, nhóm khảo thí và khảo sát, nhóm giảng viên tập huấn, nhóm các giảng viên thực địa, nhóm chuyên gia CNTT-TT, nhóm sinh viên thực tập, nhóm hậu cần, để đảm bảo công tác triển khai diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Nhóm thực địa gồm có 15 giảng viên được giao nhiệm vụ tới các trường để tìm hiểu và nắm bắt tình hình thực tế ở các trường, nghiên cứu phương thức bồi dưỡng giáo viên và dạy ngoại ngữ cho học sinh theo cách phù hợp nhất, tạo ra mạng lưới kết nối với các giáo viên địa phương, hỗ trợ việc dạy và học ngoại ngữ ở đơn vị được phân công. Mỗi giảng viên đều có 3 sinh viên đi kèm để hỗ trợ các hoạt động khảo sát, tìm hiểu, bồi dưỡng và giao lưu với giáo viên, học sinh.
Ngày 12/11/2018, Nhà trường đã tổ chức buổi tập huấn đầu tiên cho các thầy cô tham gia hoạt động thực địa. Trong buổi tập huấn, các giảng viên đã được cung cấp những kiến thức giá trị để triển khai công tác tại địa phương như: cách lựa chọn tài liệu nghiên cứu, những công cụ để giúp tự xây dựng bài kiểm tra, định dạng đề thi THPT quốc gia những năm gần đây, kết quả khảo sát có được tại 14 trường, kế hoạch tổ chức thi thử, các kênh liên lạc trực tuyến,… Mỗi thầy cô cũng đều được chuẩn bị một bộ tài liệu để triển khai công tác khi về trường làm việc.
“Công việc của các thầy cô cũng giống như là đi thắp những que diêm, góp phần làm thay đổi dù là nhỏ nhất cách nhìn về ngoại ngữ của các em học sinh, giúp các em có thái độ học tập tích cực hơn nữa, để các em hiểu được rằng dù sống ở đâu mình vẫn cần có hiểu biết nhất định về ngoại ngữ, phần nào tác động tốt đến cuộc đời các em sau này.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định.
“Vai trò của nhóm giảng viên thực địa là vô cùng quan trọng. Sự thành công của Đề án phụ thuộc rất lớn vào những thầy cô trực tiếp về các trường THPT, làm việc tại trường THPT.” – PGS. TS. Nguyễn Lân Trung chia sẻ thêm.
Tập huấn cho nhóm thực địa
Sau khi kết thúc tập huấn, Nhà trường đã tổ chức gặp mặt sinh viên tham gia chương trình để chia sẻ kế hoạch, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các em.
“Tham gia các chương trình này, các em chính là những Đại sứ ULIS, những gương mặt đại diện cho hình ảnh của trường. Đây là cơ hội để các em trải nghiệm thực tế, giúp các đàn em có thêm niềm yêu thích ngoại ngữ, giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ ở các trường THPT mà có thể là trường cũ của mình. Các em hãy là chính mình, đến với các em học sinh từ sự chân thành, giúp các em hiểu rằng dù các em lựa chọn làm gì ở đâu trong tương lai, sớm hay muộn, trực tiếp hay gián tiếp đều cần đến ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh. Hãy dần dần khiến các em có cái nhìn yêu thích hơn với ngoại ngữ, có cái nhìn nhân văn hơn nữa với công việc của các thầy cô. Đồng thời, các em hãy tạo dựng một hình ảnh về sinh viên Ngoại ngữ siêng năng, năng động và tri thức.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh.
Những nụ cười hồn nhiên và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ ULIS
Sáng sớm ngày 13/11/2018, đoàn cán bộ, giảng viên và sinh viên đã xuất quân đi khảo sát, nghiên cứu thực địa từ sân A1-A2. Các hoạt động của đoàn thực địa bao gồm: bồi dưỡng cho giáo viên phương pháp giảng dạy và ôn luyện môn tiếng Anh, tập huấn sử dụng tài liệu ôn tập cho giáo viên, tổ chức các hoạt động trên lớp và ngoại khóa nhằm khơi gợi đam mê học tiếng Anh cho học sinh,…
Đoàn thực địa đợt 1 lên đường vào lúc 6h sáng
Hoạt động thực địa đợt 1
Đến ngày 21/11/2018, Nhà trường đã tổ chức buổi sơ kết công tác thực địa nằm trong Chương trình Lạng Sơn và Chương trình Thanh Hóa đợt 1. “Các em sinh viên ULIS hãy tiếp tục duy trì mạng lưới chia sẻ và hỗ trợ với trường THPT. Hãy giúp các em học sinh có thay đổi nhận thức về tiếng Anh, khiến các em thích hơn, vui hơn khi học tiếng Anh. Học ngoại ngữ là sống cuộc đời phong phú hơn. Trong cuộc đời ít có các hoạt động như thế này, bởi vậy dù có khó khăn nhất định, mong các em hãy cố gắng. Cuộc đời sẽ vui và ý nghĩa hơn khi có vài ngày khó khăn.” – Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh chia sẻ tại buổi sơ kết.
Trong khuôn khổ Đề án, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng cho 90 giáo viên Lạng Sơn (9/12) và 27 giáo viên Thanh Hóa (16/12). Đến ngày 28/12/2018, Nhà trường đã tổ chức buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức cho các giảng viên nhằm chuẩn bị cho công tác thực địa đợt 2. Hoạt động nhằm chia sẻ cho các thầy cô ULIS về những thông tin, kiến thức và bộ tài liệu Nhà trường đã xây dựng để các thầy cô nắm bắt nội dung, tập huấn nâng cao kỹ năng nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác thực địa đợt 2. Trong buổi tập huấn, các giảng viên đã được chia sẻ các thông tin về quy chế của kỳ thi THPT quốc gia 2019 và những đổi mới đáng chú ý.
Bồi dưỡng cho giáo viên Lạng Sơn và Thanh Hóa
Ngày 16/1/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức buổi gặp mặt các giảng viên và sinh viên tham gia Đề án Địa phương để nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ tại địa phương) nhằm tổng kết công việc đã hoàn thành trong đợt 1 thực hiện Đề án và chuẩn bị cho đợt thực địa lần 2. Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cũng chia sẻ rằng: “Các giảng viên, giáo viên và các em sinh viên tham gia vào Đề án cần giữ mối liên hệ và liên kết chặt chẽ hơn với các giáo viên và học sinh ở địa phương nhằm hỗ trợ, tư vấn, gợi ý để họ có sự chuẩn bị tốt hơn cho giờ lên lớp cũng như chuẩn bị tốt hơn cho kì thi THPT năm nay. Hơn hết, một mạng lưới ‘net-working’ giữa các bên cần được thành lập và mở rộng”.
Hoạt động thực địa đợt 2
Ngày 26/1, Nhà trường đã tổ chức thi thử đợt đầu tiên theo đúng quy chế thi THPTQG với những quy định nghiêm ngặt về công tác sao in đề, coi thi tại 14 điểm trường. Tổng cộng đã có 138 phòng thi tại Lạng Sơn, 72 phòng thi tại Thanh Hóa được bố trí tổ chức thi. Kỳ thi đã diễn ra thành công với hơn 4.841 thí sinh dự thi.
Công tác tổ chức thi nghiêm ngặt theo đúng quy chế thi THPT quốc gia
Đến ngày 29/1/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức buổi sơ kết đợt thực địa 2 tại Lạng Sơn, Thanh Hóa và chuẩn bị cho những hoạt động triển khai sắp tới của Đề án Địa phương. Chia sẻ tại buổi sơ kết, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh kỳ vọng Đề án ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở địa phương còn giúp trường xây dựng nên mô hình bồi dưỡng giáo viên mới để hỗ trợ đội ngũ giáo viên THPT ở vùng khó khăn và thiết kế bộ tài liệu hệ thống học liệu cho học sinh các trường ôn luyện THPT quốc gia môn Ngoại ngữ dự kiến 1.000 trang. Đồng thời, Đề án cũng là cơ hội giúp giảng viên Nhà trường tôi luyện chuyên môn, giúp sinh viên trải nghiệm thực tế, giúp cán bộ cán bộ nâng cao kinh nghiệm tổ chức, quảng bá hình ảnh ULIS và trên hết vẫn là phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng.
Theo kế hoạch, Nhà trường sẽ tổ chức chấm đợt thi thử và dự kiến có kết quả trước 20/2. Tài liệu hướng dẫn chấm (giấy và video số hóa) sẽ được chuyển tới các giáo viên địa phương. Kết quả phân tích điểm thi cũng sẽ được Nhà trường thực hiện và gửi tới Sở, các trường để các đơn vị nắm bắt tình hình và tổ chức triển khai ôn luyện hiệu quả.
Trong tháng 3/2019, Nhà trường sẽ xây dựng đề thi, sao in và phối hợp với các Sở, các trường để tổ chức kỳ thi thử đợt 2. Kỳ thi này do Sở GD&ĐT địa phương đảm nhiệm tổ chức và do các trường tự sắp xếp lịch phù hợp. Ngày 27/4 sẽ diễn ra đợt thi thử thứ 3 với sự tham gia của Trường Đại học Ngoại ngữ trong công tác tổ chức và coi thi.
Từ 20-21/4, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tập huấn tập trung cho giáo viên (28 giáo viên Thanh Hóa và 87 giáo viên Lạng Sơn) lần thứ 2. Sẽ có 2 diễn giả là Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh và một chuyên gia luyện thi trình bày về các nội dung liên quan đến khai thác tài liệu và ôn luyện cho học sinh. Từ ngày 22-27/4, đoàn giảng viên và sinh viên ULIS tiếp tục tham gia chương trình thực địa đợt 3. Trong thời gian này, đoàn tập trung ôn luyện và chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPTQG 2019.
Như vậy, từ tháng 10/2018 đến nay, những chuyến đò tri thức (kiến thức, kỹ năng dạy và học tiếng Anh) đã được các thầy cô và sinh viên ULIS ngày ngày chở đến và cập bến Lạng Sơn, Thanh Hóa. Các thông tin tri thức này không mang nặng tính lý thuyết mà được chuyển tài theo một phương pháp mới theo hướng trải nghiệm thực tế, qua những hoạt động phát triển kiến thức và kỹ năng thú vị. Được đóng góp cho Đề án mang đậm tính nhân văn, các thầy cô đều cảm thấy rất vui.
“Em được phân công đến Trường THPT Tú Đoạn, ngôi trường học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Mình rất ấn tượng về tình người, sự nhiệt tình của các thầy cô và học sinh nơi đây. Cùng các em sinh viên tổ chức hoạt động ngoại khóa tiếng Anh và chơi trò chơi nhân kỷ niệm 20/11 là một kỷ niệm rất ý nghĩa trong cuộc đời làm nghề giáo của em. Em thực sự tự hào khi đã mang thêm niềm vui và sự hào hứng học ngoại ngữ cho các em học sinh vùng sâu vùng xa”, cô Nguyễn Thu Hiền xúc động cho biết trong một buổi sơ kết.
Mong muốn của Nhà trường khi triển khai Đề án là đem lại những nụ cười như thế này khi dạy và học tiếng Anh
Trong thời gian tới, những “người lái đò” hay những “người truyền lửa” ULIS sẽ tiếp tục truyền cảm hứng dạy và học tiếng Anh cho các giáo viên và học sinh ở Lạng Sơn và Thanh Hóa. Giống như câu “Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm một cuộc đời”, ngoại ngữ khiến cuộc đời chúng ta phong phú hơn. Các thầy cô và sinh viên ULIS nhất định có thể truyền đạt được điều này tới các em học sinh ở Lạng Sơn và Thanh Hóa.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media