Trao đổi với đại diện Đại học Carleton (Hoa Kỳ) về hợp tác trong đào tạo một số môn học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trao đổi với đại diện Đại học Carleton (Hoa Kỳ) về hợp tác trong đào tạo một số môn học

Ngày 30/11/2023, nhận lời mời của Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGN, PGS.TS. Athur McKeown từ Đại học Carleton, Hoa Kỳ, đã đến làm việc với Nhà trường về một số hoạt động chuyên môn, giảng dạy và trao đổi học tập giữa sinh viên của trường và Đại học Carleton.

Trong buổi đề xuất hợp tác có sự tham gia của đại diện Ban Giám hiệu, PHT. Hà Lê Kim Anh và một số lãnh đạo các Bộ môn phụ trách môn học như: Trưởng BM Giáo dục Khai phóng TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng BM NN &VH Đông Nam Á ThS. Nguyễn Vân Chi, Trưởng BM NN&VH Việt Nam TS. Trần Hữu Trí, đại diện khoa NN&VH Các nước nói tiếng Anh TS. Phùng Hà Thanh cùng các giảng viên giảng dạy môn Trí tuệ Cảm xúc và Giao tiếp Xã hội: cô Nguyễn Thị Hợp, cô Nguyễn Thị Linh Yên, cô Nguyễn Thị Thu Dung. Về phía khách mời trường Đại học Y Hà Nội có TS. Phạm Thị Thu Hường, phụ trách bộ môn Điều dưỡng sức khỏe Tâm thần, Khoa Điều dưỡng – Hộ sinh.

PGS.TS. Arthur McKeown hiện là Giám đốc Chương trình Phật học tại Ấn Độ và Phó Giáo sư ngành Châu Á học. Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Dartmouth và Tiến sĩ tại Đại học Harvard, hiện đang công tác tại trường Đại học Carleton (từ năm 2016). Theo như lời giới thiệu của PGS. TS Athur, trường Đại học Carleton (tên tiếng Anh: Carleton College) cũng là một trường Đại học Giáo dục Khai phóng tư nhân phi lợi nhuận tọa lạc tại Northfield, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ. Carleton là trường Đại học tốt thứ 52 tại Mỹ, theo Bảng xếp hạng Đại học năm 2019 của Forbes. Nếu tính riêng trong số các trường giáo dục khai phóng thì Carleton là trường tốt thứ 20 (theo Forbes) và thứ 9 (theo US News & World Report).

Sau phần giới thiệu, PHT Hà Lê Kim Anh phát biểu chào mừng PGS đến với ULIS và cảm ơn sự thịnh tình của ông trong đề xuất hợp tác và chia sẻ các cơ hội làm việc giữa hai bên. Tiếp theo TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng đã giới thiệu về hành trình xây dựng các môn học mới ở Trường trong đó nhấn mạnh sự kế thừa và phát triển các môn học mới hiện đang giảng dạy của Bộ môn Giáo dục Khai phóng như Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp, Trí tuệ Cảm xúc và Giao tiếp Xã hội, Thiết kế cuộc đời, Tư duy hình ảnh…cũng như sự ra đời của COP (Community of Practice) Giáo dục Khai phóng là nơi nuôi dưỡng phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo về chuyên môn của giảng viên. Điểm tạo ra sức hút lâu bền cho một cơ sở giáo dục là một chương trình đào tạo (CTĐT) cập nhật, đa dạng, có tính ứng dụng cao. Đưa vào CTĐT các học phần mới và làm mới các học phần cũ theo hướng tăng trải nghiệm, gắn liền thực tiễn cuộc sống, đảm bảo trang bị những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21 cho người học là một nhiệm vụ quan trọng trong Đề án Đổi mới hoạt động giảng dạy bậc Đại học giai đoạn 2019-2025.

Từ năm 2018, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác giáo dục song phương Việt Nam – Ailen (VIBE) do Đại sứ quán Ailen tài trợ, ĐHQGHN đã phối hợp với Học viện Sáng tạo, Đại học Dulbin, Ailen tổ chức Chương trình “Nâng cao năng lực cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý của Đại học Quốc gia Hà Nội theo phương pháp tiếp cận tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (tư duy hướng đến hiệu quả) nhằm thúc đẩy và tăng cường các kỹ năng trong thế kỷ 21 và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sinh viên”. Đối tượng tham gia chương trình là các cán bộ giảng dạy và quản lý tại ĐHQGHN – những người có ảnh hưởng quan trọng và có khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên, ươm tạo và lan tỏa tư duy đổi mới, sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong hoạt động giảng dạy và đào tạo tại ĐHQGHN. Tính đến 05/11/2019, đã có 4 khóa VIBE được triển khai. Đối với ĐHNN – ĐHQGHN, tính đến nay đã có tổng cộng 40 giảng viên tham gia khóa VIBE. Từ đây, họ trở thành những “hạt nhân”, xây dựng những khóa tập huấn để lan tỏa tinh thần của VIBE tới các cán bộ giảng viên khác của ĐHNN.

Ngày 21/02/2020 đến 23/02/2020, ĐHNN – ĐHQGHN đã phối hợp cùng Hội đồng Anh (British Council) tổ chức khóa tập huấn điều phối viên chương trình Công dân tích cực – Doanh nghiệp xã hội (ACSE). Đã có 35 cán bộ, giảng viên ĐHNN tham gia, bổ sung đáng kể vào lực lượng giảng viên nguồn và sát cánh cùng các thành viên khóa học VIBE triển khai những nội dung nhằm nâng cao tinh thần đổi mới cho cán bộ toàn Trường.

Với mục tiêu thay đổi nhận thức về đổi mới hoạt động giảng dạy, tăng cường sự kết nối, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa giảng viên, giáo viên trong toàn Trường, cung cấp thêm các công cụ và kỹ năng đổi mới hoạt động giảng dạy cho giảng viên, tháng 7/2020, Trường ĐHNN đã tổ chức khóa tập huấn“Nhà giáo dục truyền cảm hứng” với 15 lớp dành cho 452 giảng viên và giáo viên của Trường.

Hành trình Thầy cô ULIS tìm hiểu và phát triển Mindfulness và lồng ghép các hoạt động thực hành trong môn học Trí tuệ cảm xúc và Giao tiếp Xã hội được gieo hạt mầm đầu tiên từ cô Hồ Gia Anh Lê, giảng viên trường Đại học Quốc gia Singapore và sự đồng hành cùng tổ chức Doanh nghiệp xã hội AN BAN của cô Lê Thị Mỹ Hằng, Mindfuless Trainer, điều phối Wakeup School tại Việt Nam triển khai tập huấn các buổi đầu tiên trong cộng đồng GV nhóm nhỏ. Thầy cô cùng nhau thực hành Thiền, chia sẻ kiến thức, chiêm nghiệm các hoạt động. Sau đó các giảng viên của Bộ môn và COP Giáo dục Khai phóng có 2 lần cùng xây dựng nội dung môn học và chạy thử 3 lần cho các đối tượng: Sinh viên Đại sứ, giảng viên ULIS và giảng viên đến từ nhiều trường của ĐHQGHN. Từ đó có nhiều hoạt động lan tỏa diễn ra như khóa học Mindfulness và ứng dụng Mindfulness trong giáo dục được tổ chức trực tuyến từ 25/04/2020 đến 18/08/2020, với sự tham gia của 30 giảng viên đến từ các đơn vị đào tạo nhằm giúp giảng viên nhận thức về sự cân bằng trong cuộc sống, trân trọng những giá trị mà cuộc sống mang lại, để từ đó, truyền tải những giá trị nhân văn cho người học.  Hoạt động Calm Café diễn ra định kì tại ULIS hàng tháng dành cho cộng đồng GV ở HN cùng thiền và thực hành với nhau cách gia tăng về hạnh phúc và chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Trong lĩnh vực nghiên cứu đất nước, văn hóa Châu Á, hiện nay Trường cũng gửi 03 Thầy cô được đào tạo nghiên cứu sinh ở lĩnh vực này nhằm phát triển mạnh mẽ các hướng nghiên cứu giảng dạy tại Trường. Đại diện cho các Thầy cô đang theo học tại Viện Trần Nhân Tông, cô Nguyễn Thị Hợp chia sẻ. Hiện nay Viện Trần Nhân Tông có chương trình đào tạo TS và các chương trình bồi dưỡng kiến thức Phật học. Chương trình tập trung học tư tưởng, trí tuệ kết tinh của Phật giáo và các cách tiếp cận, áp dụng giáo lý Phật giáo vào cuộc sống. Cô cũng tin tưởng rằng buổi gặp mặt ngày hôm nay là cơ hội để xây dựng một mạng lưới rộng hơn giữa các trường/viện: kết nối và xây dựng cộng đồng tạo giá trị cùng nhau.

Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Thầy Trần Hữu Trí cũng đang là giảng viên phụ trách trực tiếp môn học hấp dẫn sinh viên là “Tìm hiểu Cộng đồng châu Á” đã giới thiệu công tác giảng dạy và hoạt động chuyên môn của Thầy trò xoay quanh các hướng học tập nghiên cứu về châu Á. Thầy mong muốn đề xuất PGS. TS Arthur McKeown có thể sắp xếp là giảng viên thỉnh giảng cho môn học cũng như tổ chức chương trình  Exchange Program, tạo môi trường giao lưu kết nối sinh viên của hai trường Đại học chia sẻ về kiến thức và cách tìm hiểu học tập, trải nghiệm về đất nước, văn hóa cộng đồng châu Á. Từ đó cùng kiến tạo cơ hội học tập, rèn luyện kĩ năng, cũng như cách thức xây dựng trí tuệ cảm xúc cho các em thông qua hoạt động trao đổi giao lưu trao đổi trong các môn học.

Đại diện Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Các nước nói tiếng Anh, cô Phùng Hà Thanh chia sẻ về một hoạt động nổi bật của Khoa là hiện nay khoa được Trường giao trọng trách mở chương trình đào tạo mới cho SV chính quy “Văn hóa và Truyền thông xuyên quốc gia cho SV chính quy. Công tác mở ngành học mới có nhiều điểm nổi bật và chương trình bắt đầu giảng dạy khóa đầu tiên trong năm học này cũng mở ra nhiều cơ hội để SV giao lưu tìm hiểu văn hóa các nước. Với định hướng nghiên cứu giải thực dân, các giảng viên đã và đang tạo ra những tri thức hữu ích, hi vọng có cơ hội mời PGS hợp tác trao đổi trong đào tạo và nghiên cứu.

Về phía trường Đại học Carleton, PGS.TS Athur McKeown chia sẻ về các cơ hội trao đổi giữa sinh viên hai trường. Sinh viên của Đại hoc Carleton học môn Phật học ở Ấn Độ 3 tháng thì có 3 tuần tự học sau đó sẽ có thể sang ULIS trao đổi và giao lưu văn hóa, học hỏi nghiên cứu văn hóa tại Việt Nam. Đối với công tác chuyên môn, trong lĩnh vực Châu Á học hiện đang giảng dạy tại ULIS, PGS có thể chia sẻ cho sinh viên, giảng viên về các hướng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu với tư cách là diễn giả, chia sẻ kinh nghiệm lồng ghép các phương pháp trị liệu tâm lí, Thiền vào các bài giảng giúp sinh viên, giảng viên giải quyết các vấn đề đang gặp phải.

Về cơ hội hợp tác giữa giảng viên hai trường, TS Phạm Thị Thu Hường, phụ trách bộ môn Điều dưỡng sức khỏe Tâm thần, Khoa Điều dưỡng – Hộ sinh, Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh cơ hội xây dựng các chương trình Exchange Program cho sinh viên các trường Đại học. Trong khoa cô làm việc có nhiều sinh viên tình nguyện ở Úc sang bệnh viện làm việc để học hỏi, nghiên cứu thêm các loại bệnh và thực tế cuộc sống của các bệnh nhân ở Việt Nam. Trong thời gian dài đó, giảng viên trường Đại học Y như cô rất vất vả thiết kế chương trình trải nghiệm cho các bạn nước ngoài tại VN và muốn kết hợp với ULIS để tổ chức các khóa học về tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa cho các bạn.

Buổi làm việc diễn ra trong buổi sáng và hai bên cũng đã thống nhất các hoạt động quan trọng sẽ cùng nhau phối hợp trong thời gian tới. Kết quả trao đổi tập trung ở các điểm:

  1. Xây dựng kết hoạch trao đổi giao lưu SV hai bên trường tại ULIS với các môn học
  2. Một số môn học có thể mời PGS.TS. Athur McKeown là GV thỉnh giảng hoặc diễn giả trao đổi về nghiên cứu tìm hiểu châu Á
  3. Đề xuất kết hợp với trường ĐH Y để đào tạo trao đổi văn hóa với SV nước ngoài và một số tập huấn cho cán bộ, bác sĩ, SV trường.

Thay mặt Ban Giám hiệu nhà Trường, PHT Hà Lê Kim Anh đã tặng món quà kỉ niệm mang dấu ấn của Ulis và mong muốn PGS.TS. Athur McKeown sẽ sắp xếp nhiều cơ hội hợp tác, là cây cầu nối trao đổi hoạt động chuyên môn giữa sinh viên, giảng viên giữa hai trường. Chương trình đề xuất hợp tác kết thúc với nhiều nụ cười và bức ảnh lưu niệm đánh dấu dấu ấn kết nối lần đầu tiên cho nhiều hoạt động trao đổi sắp tới.

Thu Dung