Trải nghiệm tuổi trẻ: Đi thực tế tại Mù Cang Chải – Yên Bái
Trở về sau một chuyến đi thực tế dài 3 ngày 2 đêm, chúng tôi – hai sinh viên năm cuối Khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa Pháp, ai cũng mệt mỏi nhưng trong lòng mỗi người đều mang một cảm xúc khó tả, luyến lưu sau một chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa tại Mù Cang Chải-Yên Bái.
Xin được phép chia sẻ với Thầy, Cô cùng các bạn về chuyến đi, về hoạt động hợp tác, về những trải nghiệm bổ ích của chuyến thực tế này của chúng tôi:
Huyện Mù Cang Chải thuộc tỉnh Yên Bái, nằm ở phía bắc giáp huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, phía nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía đông giáp huyện Văn Chấn. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ – là một trong tứ đại Đèo của Tây Bắc. Huyện có 1 thị trấn là thị trấn Mù Cang Chải, và 13 xã. Điểm đến của chúng tôi trong khuôn khổ hợp tác với Hiệp hội Val-de-Marne là thị trấn Mù Cang Chải.
Trong khuôn khổ hợp tác với Hiệp hội Val-de-Marne, Khoa Ngôn Ngữ và Văn hóa Pháp đồng tổ chức các cuộc thi (nhìn về Yên Bái, nhìn về Đống Đa), trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó, các hoạt động cho sinh viên đi thực tế tại Yên Bái, các hoạt động vui chơi và các lớp học tình nguyện về tiếng Pháp cơ bản và giao tiếp tiếng Pháp cho người dân Yên Bái…
Một cơ duyên đã đưa chúng tôi đến với một vùng đất khá xa Hà Nội, đến với những con người rất tình cảm của Mù Cang Chải. Ngay sau khi đọc thông tin tìm sinh viên tình nguyện của cô Đặng Thị Thanh Thúy đăng lên nhóm Facebook QH2014 – nhóm chia sẻ và trao đổi thông tin dành cho toàn bộ sinh viên khóa QH2014 khoa Pháp, linh cảm thôi thúc tôi ngay lập tức đăng ký tham gia, một phần vì tôi yêu núi rừng, yêu thiên nhiên, một phần vì tôi muốn được gặp gỡ những người dân bản địa chất phác ở đó, và tôi rủ bạn cùng lớp của mình – Hoàng Thúy Diệu cùng đăng kí. Sau đó, chúng tôi mới biết là cũng có rất nhiều bạn có cùng nguyện vọng và cũng đã đăng kí. Tuy nhiên, chúng tôi đã được lựa chọn vì là hai người đầu tiên đăng kí tham gia chương trình. Chúng tôi đã rất phấn khích và tất nhiên, có một chút lo lắng cho chuyến đi này vì đây là lần đầu tiên cả hai phải chủ động di chuyển từ Hà Nội đến điểm hẹn tại Mù Cang Chải.
Trong khuôn khổ của đợt tình nguyện này của chúng tôi tại Mù Cang Chải, các hoạt động chính là dạy tiếng Pháp cơ bản (chào hỏi, giao tiếp…) cho người dân bản địa. Người học chủ yếu là các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Chị Marjorie Xuan quốc tịch Pháp, đại diện của tổ chức Val de Marme và hai chúng tôi đảm nhận việc dạy học và tổ chức một số các trò chơi văn hoá cho các lớp học này vào cuối tuần.
Theo lịch trình, với quãng đường Hà Nội – Mù Cang Chải dài hơn 350km nên chúng tôi đã khởi hành sớm từ Hà Nội vào sáng thứ Bảy và thứ Hai lại từ Mù Cang Chải quay về Hà Nội. Chúng tôi đã chọn chuyến xe Hải Phượng tuyến Mỹ Đình – Bến xe Nước Mát khởi hành lúc 7h kém 5 phút. Do lần đầu đi chưa có kinh nghiệm nên dù đã tham khảo rất nhiều nhưng mọi thứ không như dự tính, chúng tôi phải đi 3 chuyến xe mới tới được Mù Cang Chải : Từ Mỹ Đình lên đến bến xe Nước Mát bắt xe tới Nghĩa Lộ, rồi đi tiếp xe Thái Nguyên-Lai Châu. Thời gian di chuyển khá lâu làm chúng tôi thấm mệt nhưng bù lại cảnh ven đường đẹp say lòng người, cả cung đường với cảnh sắc đa dạng dần dần được thu vào tầm mắt của chúng tôi, làm chúng tôi quên đi thời gian.
Sau gần 10 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến nơi lúc 16h30. Dù đã uống thuốc chống say xe nhưng hai đứa con gái chúng tôi lần đầu đi xa cũng đã thấm mệt. Xe đỗ tại tổ 4 thị trấn Mù Cang Chải, tôi gọi chị Marjorie ra đón. Chúng tôi ôm hôn chào nhau. Thật ấm áp! Chị ấy cùng chị Thảo (bạn đồng hành cùng chị, công tác ở Sở Ngoại Vụ Yên bái) đã đưa chúng tôi về khách sạn Suối Mơ gần đó nghỉ ngơi. Hẹn 18h30 đi ăn. Về khách sạn chúng tôi nghỉ ngơi, tắm rửa, chuẩn bị tinh thần cho hoạt động dạy học vào 19h30. Lớp học cách khách sạn chúng tôi ở khoảng 2km, bốn chị em đi bộ : Tôi, Diệu, chị Marjorie Xuân và chị Thảo. Bốn chị em cứ vừa đi vừa trò chuyện, vừa dùng tiếng Pháp, vừa dùng tiếng Anh vì chị Thảo chỉ nói được tiếng Anh.
Lúc đầu vào lớp, chúng tôi khá bất ngờ vì các em học sinh đến khá đông và trên khuôn mặt tỏ rõ vẻ hào hứng. Các em ngồi cạnh nhau trên nền Nhà văn hóa bản Thái được trải chiếu đơn sơ, bất chấp trời lạnh giá. Chúng tôi dạy theo bài soạn của chị Marjorie bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh, tổ chức trò chơi và các hoạt động cho các em vừa học vừa chơi để tạo một không khí vui vẻ, hào hứng trong giờ học. Các em tiếp thu rất nhanh, có những bạn rất hăng hái, có những bạn thì lại khá rụt rè nhưng đều rất đáng yêu. Các em được chia nhóm để chơi trò chơi và cuối giờ, nhóm nào chiến thắng sẽ được chỉ định nhóm thua hát một bài hát, không khí thực sự rất vui vẻ và vượt qua cả mong đợi của chúng tôi.
Sáng Chủ nhật không có hoạt động, chúng tôi rảnh nên sau khi thức dậy chúng tôi tản bộ thăm phố xá, làng bản, con người nơi đây. Cảnh thật đẹp, thật yên bình, không khí vô cùng trong lành và người dân rất mộc mạc, chất phác. Một trong những điều đáng nhớ là chúng tôi được quan sát những hoạt động thường ngày khi ra chợ kiếm sống của người dân tộc Mông, chúng tôi cũng đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh thú vị của họ.
Buổi chiều Chủ nhật (ngày 21/1) chúng tôi tổ chức hoạt động vui chơi cho các em cùng chị Marjorie Xuan, tổ chứcc một số trò chơi của Pháp như: Mille Bornes, Cluedo… Các em học sinh rất rất vui và tham gia các trò chơi rất nhiệt tình. Các em rất nhanh nhạy tiếp thu luật chơi và cách chơi, thể hiện sự thông minh và nhanh trí vô cùng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, vui tươi và đầy hào hứng, chúng tôi cảm thấy yêu nghề giáo hơn tự bao giờ…
Một trong những điều quan trọng và bổ ích nhất từ chuyến đi này là chúng tôi được trau dồi khả năng thực hành tiếng Pháp với chị Marjorie. Tiếng Pháp ngoài đời và tiếng Pháp chỉ nghe trên đài trong các giờ học thật sự là khác nhau, đó là lý do chúng tôi nhận ra mình cần tiếp xúc nhiều hơn nữa, trau dồi nhiều hơn nữa để cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp của mình. Chị Marjorie rất nhiệt tình và chu đáo, chỉ ra cho chúng tôi những từ mới, những cụm từ hay dùng thường ngày của người Pháp, cách nói tiếng Pháp nghe sao thật tự nhiên,… Những kinh nghiệm của chuyến đi này thật đáng giá biết bao.
Sáng hôm sau, thứ Hai ngày 22/1/2018, chúng tôi bắt chuyến xe khởi hành từ Mù Cang Chải lúc 7h sáng để trở lại Hà Nội. Cảm xúc đọng lại trong lòng chỉ là hai từ LƯU LUYẾN : Lưu luyến cảnh vật nơi đây, lưu luyến con người nơi đây, lưu luyến các em nhỏ nghịch ngợm mà đáng yêu, ngoan ngoãn, lưu luyến những câu chuyện nhỏ thú vị trong các bữa ăn cùng chị Marjorie. Trở về Hà Nội, chúng tôi biết sẽ có rất nhiều thứ để kể lại cho bạn bè, gia đình về chuyến đi đầy ý nghĩa và đáng nhớ này.
Những chuyến đi xa đến những nơi lạ lẫm luôn khiến con người ta chần chừ, lo lắng và xen lẫn cảm giác mong đợi, hồi hộp. Trước khi đi thì muôn vàn nỗi lo, lo lạc đường, lo hành lí, lo khẩu vị ăn uống, lo vì không quen nơi ở,… nhưng khi đã đặt chân tới điểm đến và sẵn sàng tạo ra những câu chuyện ý nghĩa ở đó rồi thì chúng ta sẽ thấy không có lí do nào để sợ hãi hay chần chừ trước những chuyến đi xa và những hoạt động tình nguyện cả.
Đúng như câu nói của người Pháp, « Những chuyến đi tạo nên tuổi trẻ » (Les voyages forment la jeunesse), tuổi trẻ của chúng tôi ý nghĩa hơn nhờ có những trải nghiệm ở Mù Cang Chải. Chúng tôi đã đúng khi dám đi xa, dám học hỏi và chúng tôi đã sẵn sàng cho các cuộc hành trình mới.
Hà Nội, 23/1/2018
Vi Thị Thanh Dinh và Hoàng Thúy Diệu, Lớp 14F3 Sư Phạm, Khoa NN&VH Pháp