Trải nghiệm học vượt tại ULIS: Đừng giới hạn khả năng ngay từ lúc bắt đầu – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Trải nghiệm học vượt tại ULIS: Đừng giới hạn khả năng ngay từ lúc bắt đầu

Trong đợt tốt nghiệp năm nay của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đáng chú ý có nhiều gương mặt ra trường sớm. Chỉ mất 3 năm, các bạn đã sở hữu tấm bằng đại học chính quy và có thể tập trung học lên hoặc đi làm sớm hơn các bạn khác một năm.

Lê Thị Bảo Nhung, cựu sinh viên chuyên ngành Sư phạm Pháp cũng là một trong số đó. Ấn tượng hơn, cô bạn đến từ xứ sở hoa phượng đỏ còn có thành tích học tập rất xuất sắc. Với điểm trung bình chung là 3,62/4,0 và điểm rèn luyện 91, Nhung là một trong 5 sinh viên ULIS xuất sắc được Giám đốc ĐHQGHN khen thưởng trong lễ trao bằng tốt nghiệp khóa QH.2014.F1.

Lê Thị Bảo Nhung

PV: Chào Nhung. Em có thể chia sẻ một chút thông tin về bản thân cho mọi người cùng biết được không?

Bảo Nhung: Em là Lê Thị Bảo Nhung, hiện tại đã là cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp khóa QH.2014.F1 của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội. Em rất tự hào giới thiệu bản thân được sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải Phòng, là cựu học sinh khối Song Ngữ của mái trường THPT Chuyên Trần Phú.

Đến thời điểm hiện tại, em đã trải qua gần 16 năm gắn bó với tiếng Pháp, vậy nên nhớ lại và nói về lý do đến với ngôn ngữ này thực sự là một điều không dễ với em. Nhưng rất rõ ràng là tiếng Pháp đã mang đến cho em rất nhiều điều tuyệt vời, trong đó có cơ duyên đến với ULIS, đến với Khoa Pháp.

PV: Chị nghĩ tốt nghiệp sớm một năm là thành tích rất đáng nể. Em có dự định này khi mới bắt đầu vào đại học không?

Bảo Nhung: Em chưa bao giờ có dự định gì quá rõ ràng cho một thời gian dài, bởi vì em cho rằng cứ phấn đấu hết mình rồi điều gì cần phải đến sẽ đến. Em chỉ có mục tiêu là sẽ hoàn thành những năm Đại học một cách tốt nhất có thể, và em học tập một cách có trách nhiệm để đạt được mục tiêu đó.

PV: Nhưng mà quá trình học chắc em phải vất vả lắm. Em có thể chia sẻ trải nghiệm học vượt của mình được không?

Bảo Nhung: Vất vả thì cũng không hẳn. Nhà trường và Khoa chấp nhận cho chúng em học vượt thì chắc chắn đã có sự nghiên cứu rất kỹ lưỡng để bọn em không bị quá sức. Học vượt thực ra là bọn em học chuyên ngành trước các bạn cùng lứa thôi, và chúng em cũng coi những môn học đó là hết sức bình thường và học tập một cách nghiêm túc. Nếu để bản thân sợ hãi và tự giới hạn khả năng của mình lại ngay từ lúc bắt đầu, thì tất cả mọi thứ sẽ đều trở nên khó khăn và ngược lại.

PV: Bí quyết của em để mà không những học giỏi mà còn học vượt, lại có thời gian ngoại khóa/nghiên cứu để đạt được điểm rèn luyện cao?

Bảo Nhung: Thực ra em không hoạt động ngoại khóa nhiều như các bạn. Trong năm đại học cuối cùng thì em có tranh thủ làm một nghiên cứu khoa học chung với một người bạn của em, vì cả em và bạn đều cùng ngành, đều có hứng thú với vấn đề nghiên cứu đó ạ. Sau đó thì nhờ có sự giúp đỡ của thầy giáo hướng dẫn, các thầy cô trong Khoa và cả các thầy cô ở Trường mà nghiên cứu khoa học của bọn em vừa có tính chất là thi, vừa có tính chất là một cơ hội để bọn em học hỏi và trau dồi thêm kiến thức. Em cũng từng được trao giải Ba cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ và tham gia trại hè AMICIF tổ chức ở Pháp.

Bí quyết của em là niềm yêu thích với công việc mà mình làm. Niềm yêu thích đó sẽ là động lực cho mình, cũng là yếu tố tạo nên tinh thần trách nhiệm của mình với công việc đó. Mà tinh thần trách nhiệm là cốt lõi để tạo nên sự thành công trong tất cả mọi việc.

 

Hoạt động ngoại khóa ở trường

Tham gia trại hè AMICIF tổ chức ở Pháp

Nhận giải Ba cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ

PV: Nhìn lại 3 năm học ở ULIS, em có cảm xúc gì muốn chia sẻ?

Bảo Nhung: Em cũng đã từng chia sẻ với các bạn của mình là tiếng Pháp và 3 năm học ở ULIS đã cho em rất nhiều thứ. Những thứ đó không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là những kinh nghiệm sống và làm việc, là những cách suy nghĩ để khôn lớn và trưởng thành. Nhiều hơn thế nữa là những mối quan hệ “để đời”, những trải nghiệm, những hành trình, những cơ hội.

Nếu đã được quay ngược lại thời gian thì có thể em sẽ không chọn tiếng Pháp, cũng không chọn ULIS nữa mà lựa chọn con đường mới để xem bản thân thực sự còn khả năng và thuộc về lĩnh vực nào khác không. Nếu có cơ hội làm lại, tại sao lại không thử thách bản thân với những con đường khác ? Bởi vì em mới chỉ 21 tuổi, những gì em đạt được cũng chưa chắc đảm bảo rằng hướng đi này sẽ chỉ mang lại cho em thuận lợi suốt đời. Biết đâu em vẫn còn khả năng nào đó tiềm ẩn thì sao?

Nhung và các bạn tại lễ tốt nghiệp

PV: Trước khi chia tay, Nhung có thể chia sẻ đôi chút dự định tương lai của mình được không?

Bảo Nhung: Như đã chia sẻ, em chưa bao giờ có dự định dài hơi nào. Em chỉ tự xác định với bản thân rằng sẽ luôn luôn phải cố gắng hết mình, làm việc gì dù thích hay không cũng phải có trách nhiệm. Những điều đó sẽ giúp em tiếp tục bước đi trên con đường bản thân đã chọn.

Theo Bản tin ĐHQGHN