Tọa đàm: Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng chuyên môn ở Trường Đại học Ngoại ngữ? – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Tọa đàm: Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng chuyên môn ở Trường Đại học Ngoại ngữ?

Ngày 15/12/2021 đã diễn ra tọa đàm: “Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng chuyên môn ở Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN?”.

Tọa đàm được tổ chức để tạo diễn đàn cho các cộng đồng chuyên môn (COP) chia sẻ về mục tiêu, kế hoạch hoạt động, sản phẩm, đề xuất… của các COP ở ULIS và từ đó đưa ra định hướng phát triển bền vững của các cộng đồng này trong thời gian tới. 

Tham dự tọa đàm có Ban Giám hiệu; Nhóm trưởng và thành viên các COP; Lãnh đạo các đơn vị trong toàn Trường; khách mời và các đại biểu quan tâm. 

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết: “Trong suốt chiều dài lịch sử 66 năm thành lập và phát triển, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội luôn khao khát xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, đây là vấn đề được Nhà trường quan tâm và chú ý. Tuy nhiên, việc xây dựng những nhóm, cộng đồng chuyên môn vẫn chưa được như kỳ vọng. Số lượng các nghiên cứu khoa học có nhiều tín hiệu phát triển tích cực về chất và lượng nhưng vẫn còn khiêm tốn. Đa số đội ngũ cán bộ còn rất trẻ mà việc nghiên cứu khoa học lại cần một độ chín nhất định và cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. Bởi vậy, Nhà trường đã có những ý tưởng về việc tạo ra các diễn đàn mới, quy tụ được nhiều người và xoá đi những ranh giới nhất định về việc nghiên cứu khoa học. Đó chính là khởi nguồn cho việc ra đời của 16 COP với sự đa dạng về lĩnh vực hoạt động, chuyên ngành của các thành viên,… như hiện nay. Và hiện tại, vấn đề được đặt ra là: “Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng chuyên môn ở Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN?”. Tọa đàm ngày hôm nay được tổ chức chính xác là để giải đáp thắc mắc đó.”

Nội dung chính của buổi tọa đàm là phần chia sẻ và trao đổi của Trưởng nhóm các cộng đồng chuyên môn.

Là một trong những Trưởng nhóm nhiều năm công tác nhất trong ngành giáo dục, PGS. TS Nguyễn Lân Trung đã đại diện Cộng đồng chuyên môn Xây dựng công nghệ giáo dục ngoại ngữ phát biểu: “Sự ra đời của các COP tạo thêm một hướng đi thiết thực cho hoạt động khoa học của Nhà trường. Nghiên cứu khoa học từ trước đến nay thường bị mang ý nghĩa chữ nghĩa, hàn lâm. Tuy nhiên 16 COP hiện nay với sự đa dạng, phù hợp với sự phát triển của xã hội đã khẳng định vị thế, tầm quan trọng của mình, hứa hẹn một khởi đầu tốt đẹp và sự phát triển hơn nữa trong tương lai. Cộng đồng chuyên môn Xây dựng công nghệ giáo dục ngoại ngữ được thành lập với 15 thành viên cũng đã bắt đầu những kế hoạch, phân công công việc với mong muốn mang được những quy trình cụ thể, áp dụng vào từng khu vực của việc giảng dạy ngoại ngữ.”

Trong khi đó, ThS. Nguyễn Thị Lan Hường, Trưởng nhóm Cộng đồng Đổi mới giảng dạy bằng công nghệ chia sẻ: “Mục tiêu chiến lược lâu dài của COP là nghiên cứu lý luận và ứng dụng những phần mềm thiết bị giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ. Hiện tại, Cộng đồng Đổi mới giảng dạy bằng công nghệ có 16 thành viên, hoạt động chính là phục vụ cộng đồng trên nhiều lĩnh vực: chia sẻ, bồi dưỡng, nâng cao về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho các thành viên của COP; lan tỏa, phổ biến các ứng dụng công nghệ thông tin, các kinh nghiệm giảng dạy cho các đối tượng trong và ngoài trường thông qua các tọa đàm, tập huấn, khóa học,…; thực hiện các nghiên cứu về ứng dụng thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ. Đồng thời, COP cũng sẽ kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở các cấp, các giảng viên, giáo viên quan tâm đến công nghệ thông tin. Cộng đồng chuyên môn cũng đang xây dựng những dự án, hoạt động, sự kiện rõ ràng trong năm 2022 tới. Tuy nhiên, có 3 khó khăn chính mà COP đang gặp phải: thành viên COP đồng thời kiêm nhiệm nhiều chức vụ, trọng trách khác nhau; các thành viên hiện nay chưa có nhiều đại diện cấp phổ thông; giáo viên không có nhiều thời gian tham gia các khoá học mới. Cộng đồng Đổi mới giảng dạy bằng công nghệ hy vọng sẽ nhận được nhiều ủng hộ hơn từ Nhà trường và các phòng ban trong tương lai.”

TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng, Trưởng nhóm Cộng đồng chuyên môn Giáo dục khai phóng cho biết: “Mục tiêu lâu dài của nhóm là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cả giảng viên và sinh viên. Và COP nhận định sự cần thiết hơn bao giờ hết trong giai đoạn này là đưa giáo dục về sức khỏe tinh thần vào chương trình học của sinh viên. Cộng đồng chuyên môn Giáo dục khai phóng đã có nhiều hoạt động trong thời gian qua như: xây dựng và nghiệm thu đề cương 2 môn học mới; tổ chức Khóa Trí tuệ cảm xúc cho giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội cùng 5 lớp Đại sứ ULIS; tổ chức 8 toạ đàm, 1 workshop… Trong tương lai, COP cũng có kế hoạch tổ chức webinar để quảng bá cho môn học. Hiện tại, Cộng đồng chuyên môn Giáo dục khai phóng đã có những dự định chi tiết cho những hoạt động trong năm 2022 sắp tới. COP tin tưởng rằng hướng đi chăm sóc sức khỏe tinh thần sẽ có thể giúp đỡ các thầy cô giáo, các bạn sinh viên cảm thấy hạnh phúc, bình an hơn.”

Sau đó, buổi chia sẻ tiếp tục nhận được rất nhiều những ý kiến đóng góp, những câu hỏi thảo luận và sự nhiệt tình tham gia của các vị khách mời. 

Sau khi nghe những chia sẻ của các Trưởng nhóm Cộng đồng chuyên môn, đại diện lãnh đạo các phòng ban cũng đã có những giải đáp kịp thời, đồng thời chia sẻ những dự định trong tương lai trong việc giúp đỡ, ủng hộ các COP tiếp tục phát triển. 

TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Trưởng Phòng KHCN cho biết: “Phòng sẵn sàng trở thành người đồng hành cùng các COP trong quá trình hoạt động và phát triển thông qua 3 phương thức sau: tư vấn các thầy cô trong việc thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ chung trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ cộng đồng; hỗ trợ các thầy cô thực hiện các kế hoạch hành động, dự án, đề án, nghiên cứu của COP; định hướng các hoạt động phát triển cho các COP mới.”

ThS. Lê Thị Khánh Trang, Trưởng Phòng KHTC chia sẻ: “Phòng Kế hoạch – Tài chính đã có những hướng dẫn và cụ thể rất chi tiết tới các COP. Hy vọng rằng ngay sau buổi tọa đàm, các Cộng đồng chuyên môn sẽ lập kế hoạch để Phòng có thể hỗ trợ các COP trong giải quyết thủ tục về tài chính.”

Trước khi kết thúc tọa đàm, các đại biểu đã được nghe 3 bài phát biểu kết luận và truyền cảm hứng từ Ban Giám hiệu.

Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh chia sẻ: “Việc xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh từ lâu đã là một trong những chủ trương hàng đầu của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Hy vọng các COP có thể không ngừng lớn mạnh, trong tương lai vẫn sẽ là những nhóm phát triển mang lại những thành quả, giá trị to lớn cho Trường Đại học Ngoại ngữ.”

Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cũng cho biết: “Các phòng ban của Nhà trường trong thời gian qua đã tổ chức phối hợp với nhau để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy cô trong quá trình nghiên cứu khoa học. Trong tương lai, mong rằng các Cộng đồng chuyên môn vẫn sẽ luôn luôn đoàn kết, hỗ trợ, cùng tiến bước hơn nữa trên chặng đường phát triển sắp tới.” 

Bế mạc tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khẳng định: “Tuy rằng, nhiều sự kiện, hoạt động vẫn còn ở thì tương lai, nhưng một số thành tựu cho đến thời điểm hiện tại các COP đạt được vẫn vô cùng ấn tượng và nhiều cảm xúc. Nhà trường cam kết rằng sẽ không đặt ra chỉ tiêu cho các Cộng đồng chuyên môn trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn gửi gắm hy vọng rằng trong tương lai các COP có thể xây dựng được các mục tiêu cụ thể về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất/thái độ.”

Tọa đàm: “Hướng đi nào cho sự phát triển bền vững của các cộng đồng chuyên môn ở Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN?” khép lại hứa hẹn vào sự phát triển mạnh của các cộng đồng chuyên môn trong năm 2022 sắp tới. 

Các hình ảnh khác:

N.A