Thực tập trải nghiệm – Một góc nhìn khác – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thực tập trải nghiệm – Một góc nhìn khác

Khi sinh viên đi thực tập hay làm việc trong những môi trường khác nhau (công ty học thuật, văn phòng du học, công ly du lịch hoặc khách sạn…) đương nhiên sẽ có những trải nghiệm khác nhau và cũng sẽ được trải nghiệm xử lý những tình huống, những vấn đề rất khác nhau.

Đối với mình, quãng thời gian hơn hai tháng thực tập đã đem đến cho mình không chỉ là những kinh nghiệm trong công việc thực tế mà nó còn đọng lại những cảm xúc rất đặc biệt. Đó không chỉ là nơi học tập và tích luỹ kinh nghiệm mà còn là một địa điểm rất đỗi nhẹ nhàng, du dương. Lí do vì sao ư? Mình sẽ nói sau nhé. Hôm nay mình sẽ chia sẻ đôi điều về cảm nghĩ của mình sau khi thực tập tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhé.

Chào mừng các bạn đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Là sinh viên năm cuối mới đi thực tập thì chắc chắn là có phần chậm chạp hơn so với các bạn đồng trang lứa. Mình đã tiếp nhận thực tập cùng đợt với các em khoá dưới với một tâm thế ban đầu là thực tập cho nhanh còn ra trường. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần làm tại đây, mình đã hoàn toàn gắn bó và được đắm chìm vào không gian cùng bầu không khí dễ mến của các em cùng đoàn và các chị hướng dẫn thực tập của Phòng Giáo dục.

Nói tóm tắt về kì thực tập mình vừa trải qua, có một số bạn cảm thấy thực tập tại Bảo tàng có phần nhàm chán, nhiều kiến thức về văn hoá nhưng mình không thấy vậy. Tại đây, mọi người đều rất hoà đồng và thân thiện. Các chị trong Phòng Giáo dục đều rất dễ thương, sẵn sàng chia sẻ về đời sống, kiến thức cho các bạn sinh viên. Ngay cả các bác nhân viên làm việc trong đó cũng rất hài hước và dễ mến. Tuy nhiên, thời gian đầu trước khi đi thực tập, mình đã nghe ‘review’ của khoá trước là trong các chị quản lý nhóm thì có một chị hơi “ghê gớm”, nghiên khắc hơn những người khác. Mình đã cầu trời khấn phật để có thể không ở trong nhóm chị ấy vì một lí do đơn giản: “sợ chị mắng”. Nhưng số phận đã an bài, mình được xếp vào nhóm của chị, lại còn là nhóm trưởng nữa. Mặc dù mình đã có khá nhiều kinh nghiệm làm đội trưởng, nhóm trưởng nhưng lần này không hiểu sao mình lại cảm thấy có chút hơi sợ. Sợ bởi đây là một môi trường mới, chưa có thời gian tiếp xúc nhiều nên chưa hiểu rõ. Sợ nữa là bởi nghe “review” nên có hơi chùn bước vì sợ mắc lỗi. Nhưng sau vài buổi làm việc và tiếp xúc với chị, mình hoàn toàn thấy rằng chị không đáng sợ nhưng những gì mình đã nghĩ. Đối với mình, chị khá thân thiết, chu đáo, rất chăm lo cho sinh viên thực tập. Và mình thấy chị không khó tính chút nào, có chăng chỉ hơi kỹ tính và cầu toàn một chút thôi. Mình rất quý mến chị.

“Chị chị em em” cùng cả đoàn thực tập

Tại môi trường thực tập này, các bạn sinh viên còn được trải nghiệm làm du khách tham quan. Đây chính là lúc bản thân mình được hoà nhập vào cuộc sống đơn giản nhất, yên bình nhất. Tại đây, khu nhà của các dân tộc ít người được trưng bày ngoài trời, nơi du khách sẽ có cơ hội tìm hiểu lối sống của nhiều dân tộc anh em. Thông qua những kiến thức có được ở khu trưng bày trong nhà, mình ra từng căn nhà dân tộc để hiểu hơn những phong tục tập quán. Một cuộc sống không xô bồ, không vội vàng, thật nhẹ nhàng và thư giãn biết bao!

Cùng em gái đi tìm hiều kiến trúc nhà đơn sơ của các dân tộc

Nhiều bạn thực tập khá sợ buổi “đánh giá thực tập cuối kì” bởi trong buổi đánh giá đó phải kiểm tra những kiến thức có được sau 2 tháng thực tập tại đây thông qua hình thức thuyết minh. Đối với mình thì nó không quá khó khăn bởi những kiến thức đó đã dần dần thấm vào một cách tự nhiên, như kể một câu chuyện cho một người bạn vậy.

 Ngoài những công việc thường nhật của thực tập, mình rất may mắn vì có cơ hội tham gia chương trình Tết thiếu nhi 1/6. Thông qua chương trình, bản thân mình cũng trau dồi được khá nhiều kinh nghiệm, thỏa mãn đam mê đồ handmade của bản thân với các hoạt động nặn tò he, tết lá dừa hay in tranh đông hồ. Mình rất vinh dự khi được các chị tin tưởng và chọn để quay video hướng dẫn tết lá dừa cho các bạn khác.

Hình ảnh mình trong video hướng dẫn tết lá dừa của Bảo tàng

Sau khi được học nặn tò he

Sản phẩm của nghệ nhân (bên trái)

Sản phẩm của mình (bên phải)

Vậy nên các bạn à, nếu có dịp hãy đến đây tham quan và trải nghiệm nhé. Thực tập cũng được, làm khách tham quan cũng được, chỉ cần có cơ hội để trải nghiệm thì ngại gì không thử, nhỉ?

Bạch Thanh Mai – QH2016