Thầy cô “lên đồng” không bằng học sinh hóa thân – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thầy cô “lên đồng” không bằng học sinh hóa thân

Nói về những sáng tạo dạy học ở trường phổ thông, hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh hào hứng: “Thầy cô dù lên đồng hay đến mấy cũng không thể bằng sự hoá thân của chính học sinh”.

Tối 30/3, đêm “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” do Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội) tổ chức đã diễn ra sôi nổi.

Sự hoá thân đó chính là thành quả của phương pháp “Trả tác phẩm cho học sinh” do TS. Nguyễn Quang Trung, nguyên Tổ trưởng tổ Xã hội của trường khởi xướng và áp dụng 17 năm nay.

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân
Tác phẩm “Chí Phèo” của lớp 11I

Bước vào thế giới của ca dao, cổ tích, truyền thuyết, truyện ngắn, tiểu thuyết…, học sinh được sống cùng trái tim và buồn vui với nỗi niềm của các nhân vật.

Hơn 20h, ánh đèn sân khấu vụt tắt. Cô “vợ nhặt” bước ra trong chiếc áo nâu, váy đụp. Thị sấn sổ vào anh cu Tràng chỉ bởi một câu hò tầm phơ tầm phào.

Không chút gượng gạo, nhân vật Thị khi cười tít mắt chao chát, chỏng lỏn, lúc lại “lột xác” rón rén, e thẹn vì nghe thấy tiếng trêu của lũ trẻ con: “Chông vợ hài”.

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân
Tác phẩm “Vợ nhặt” của lớp 10A4

Xuất hiện ngay bên cạnh, anh cu Tràng diễn xuất cũng rất chân thực, tự nhiên. Khác với khuôn mặt mỏi mệt, đăm chiêu của Tràng ở đầu tác phẩm, nhân vật thoắt trông có vẻ gì hớn hở khác thường. Tràng tủm tỉm cười nụ một mình, hai mắt sáng lên lấp lánh khiến cả hội trường phải hò reo trước những diễn biến tâm lý linh hoạt của các nhân vật.

Đặc biệt, trên sân khấu, trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” tưởng chừng khó đóng nhưng những chi tiết trào phúng trong màn hài kịch đã thuyết phục hoàn toàn khán giả.

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân
Tác phẩm“Hạnh phúc của một tang gia” của lớp 11N

Mỗi nhân vật trong đoạn trích đều mang một sự “bối rối sung sướng” riêng, làm nổi bật lên đám tang hạnh phúc. Chẳng hạn, cụ cố Hồng với đôi mắt mơ màng nghĩ đến lúc mặc đồ xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc, vừa khóc mếu. Hay cô Tuyết sung sướng vì được mặc bộ y phục Ngây thơ, vẻ mặt buồn rất đúng mốt…

Các tác phẩm được chọn biểu diễn trên sân khấu đều nằm trong chương trình THPT như “Chí Phèo”, “Rừng xà nu”, “Vợ chồng A Phủ”, “Mỵ Châu Trọng Thuỷ”, “Hạnh phúc của một tang gia”...

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của lớp11M

Dưới sự sáng tạo không ngừng của tuổi trẻ, các tác phẩm văn học bỗng chốc trở nên chân thực, gần gũi. Học trò như quấn quyện vào thế giới của tác phẩm và sống với đúng cuộc đời của nhân vật.

Nhờ vậy, các em được làm chủ tác phẩm và cảm nhận theo những cách rất riêng thay vì thụ động lắng nghe, ghi chép và trở thành chiếc lọ chứa đầy tư tưởng của giáo viên.

Trên sân khấu, trong hình hài của những cô cậu học trò, linh hồn muôn thuở của Mỵ Châu, Trọng Thủy, của Chí, của Nở… lần lượt tìm về.

Sự nhập tâm vào nhân vật khiến nhiều “diễn viên” dù tác phẩm đã kết thúc vẫn chưa “thoát” khỏi cuộc đời nhân vât. Không giấu nổi sự hạnh phúc, nhiều em mắt hoe đỏ, ngân ngấn nước.

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân

Dưới ánh đèn sân khấu, khán giả thấy được những tác phẩm văn học thật khác trên trang sách: chân thực, đời thường và giàu cảm xúc hơn.

TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, để có được những đêm diễn như thế, cô trò đã phải luyện tập cả tháng trời.

“Việc học qua sân khấu hoá những tác phẩm là hình thức học lay động nhất. Giờ văn của thầy cô có thể giảng xúc động mấy đi chăng nữa cũng không thể bằng những xúc cảm của các con khi hóa thân trên sân khấu. Nhiều tiết mục thậm chí đã lấy được nước mắt của khán giả”, thầy Minh nói.

Thầy cô 'lên đồng' không bằng học sinh hóa thân
Tác phẩm “Rừng xà nu” của tập thể 11K

Còn theo cô giáo Cao Thị Thúy Hòa (tổ phó bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ), việc để học sinh tự học, tự sống với tác phẩm, tự trải nghiệm những điều từ trang sách bước ra cuộc đời sẽ giúp các con cảm nhận thấm thía và sâu sắc hơn.

Cô cũng lưu ý việc “sân khấu hoá…” rất cần có sự định hướng của thầy cô để những tác phẩm ấy không đánh mất giá trị nghệ thuật.

Theo Vietnamnet.vn