Sẵn sàng đón nhận thách thức
Năm 2016, Trường ĐHNN đẩy mạnh đổi mới trong quản lý điều hành, trong đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác phát triển và gặt hái được nhiều thành công. Sự đồng lòng, đồng thuận, tinh thần nhiệt huyết của cán bộ, giảng viên và sinh viên, học sinh Trường ĐHNN, sự quan tâm của xã hội và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo ĐHQGHN là những yếu tố tạo nên thành công trong năm 2016. Bản tin ĐHQGHN đã có dịp trò chuyện với TS. Đỗ Tuấn Minh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐHNN, ĐHQGHN.
Năm 2016 đã khép lại, ông có thể chia sẻ những kết quả đổi mới trong năm học vừa qua?
Năm 2016, Trường ĐHNN đã có nhiều khởi sắc và diện mạo mới. Trong năm học này, Nhà trường đã tập trung, tích cực xây dựng những quy chế, quy định, những văn bản hướng dẫn điều hành, chỉ đạo các hoạt động một cách khoa học và có hệ thống. Trong đó, có thể kể đến Quy chế làm việc của Trường, quy định về lề lối làm việc của cán bộ, viên chức, người lao động; Quy định về quản lý hoạt động hợp tác và phát triển và các quy định, chính sách trong tổ chức, đào tạo cũng được ban hành, một số chính sách liên quan đến tuyển sinh và đào tạo sau đại học đã đi vào cuộc sống, tạo nên những chuyển biến tích cực: số lượng các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh sau đại học cũng như số lượng nghiên cứu sinh của các ngành đào tạo bậc tiến sĩ của Trường tăng đáng kể.
Các hoạt động khoa học công nghệ của Trường cũng có nhiều kết quả được ghi nhận. Trường tổ chức thành công Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Nghiên cứuvà giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và Quốc tế học tại Việt Nam”và 2 hội nghị tổng kết đào tạo “Hội nghị dạy và học ngoại ngữ trong ĐHQGHN”, “Hội nghị tổng kết 10 năm đào tạo theo tín chỉ” ở bậc đại học và sau đại học.
Cũng trong năm học này, Trường ĐHNN tiếp tục chuyển giao sản phẩm khoa học xây dựng định dạng bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh bậc 2 (VSTEP.2) theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng ở Việt Nam cho Bộ GD&ĐT và đã được Bộ chính thức ban hành.
Nhà trường đã tiến hành rà soát, đánh giá các hoạt động đối ngoại, các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Phân loại xác định rõ các đối tác chiến lược, tái khởi động lại một số hoạt động trong hợp tác quốc tế. Đặc biệt sôi động là hiệu quả các hoạt động hợp tác trong nước. Một loạt các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác giữa Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với các đối tác đã được thực hiện. Điển hình, là biên bản hợp tác giữa ba trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN – ĐHQGHN, ĐHNN – Đại học Huế và ĐHNN – Đại học Đà Nẵng), giữa Trường ĐHNN với Học viện Khoa học quân sự, Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Kỹ thuật – Hậu cần Công an nhân dân, với Sở Giáo dục & Đào tạo các Tỉnh,… tổ chức những khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyển giao công nghệ đã được thực hiện thành công trong năm 2016.
Năm 2016, Trường ĐHNN – ĐHQGHN là một trong 3 trường đầu tiên đã được nhận chứng chỉ đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của Bộ GD&ĐT, một chương trình đào tạo sau đại học của Trường được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn AUN đạt kết quả cao, hai chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng đồng cấp.
Thưa ông, những thành công đó bắt nguồn từ đâu?
Yếu tố làm nên thắng lợi lớn trong năm học vừa qua của Trường ĐHNN nhờ có 4 thuận lợi chính: Thứ nhất, sự đồng lòng, đồng thuận, tinh thần nhiệt huyết của cán bộ viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên Trường ĐHNN. Mỗi khi đối diện trước những khó khăn, trước những nhiệm vụ lớn, thì tinh thần này lại được khơi gợi và chuyển hóa thành những hành động cụ thể. Thứ hai, thuận lợi có được từ những chính sách của Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của xã hội dành cho ngoại ngữ vẫn rất cao trong bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa. Thuận lợi thứ ba xuất phát từ bề dày lịch sử hơn 60 năm của Nhà trường, đó là truyền thống, kinh nghiệm, chất lượng của đội ngũ cán bộ. Thứ tư là sự ủng hộ, giúp đỡ, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo đối với Nhà trường, đặc biệt là của Đảng ủy, Ban Giám đốc ĐHQGHN.
Thế còn những khó khăn vướng mắc?
Trường cũng giống các trường đại học công lập khác thực hiện chế độ học phí theo các quy định chung của Nhà nước. Ngân sách Nhà nước dành cho các hoạt động của Trường chỉ dừng lại ở mức độ hạn chế, trong đó chủ yếu dùng vào việc trả lương cho người lao động; việc đầu tư dành cho cơ sở vật chất, phát triển trang thiết bị và nghiên cứu khoa học hết sức hạn chế. Bên cạnh đó, Trường cũng có những khó khăn về nguồn nhân lực, khi sự cạnh tranh của các cơ sở giáo dục đào tạo khác, kể cả trong và ngoài nước là rất mạnh. Nhiều cán bộ giảng dạy giỏi của Nhà trường, sau khi có cơ hội đi học tập ở nước ngoài đã không trở về Trường làm việc. Dưới sức ép của cơ chế thị trường, một số cán bộ năng động tìm cách ra các cơ sở ngoài công lập để làm việc. Cơ chế chính sách tài chính cũng chưa cho phép cơ chế tự chủ của đơn vị trong việc trọng dụng, đãi ngộ những người có thành tích, năng lực làm việc tốt. Cơ sở vật chất ít được mở rộng, đầu tư mua mới trang thiết bị cũng cần sự tính toán, căn cơ cao, vì đòi hỏi nguồn tài chính lớn.
Vậy theo ông chìa khóa để Trường ĐHNN luôn có được thành công và phát triển bền vững là gì?
Theo tôi, muốn có những thành công và phát triển bền vững của Nhà trường, thì trước hết phải thể hiện qua tầm nhìn, qua sứ mệnh của Trường. Việc xây dựng một tầm nhìn, sứ mệnh của Trường đã khó, nhưng việc kiên trì, quyết tâm thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn ấy còn khó hơn. Tôi cho rằng, trước hết cần có một sự quyết tâm cao độ, quyết tâm ấy không nên chỉ dừng lại ở người lãnh đạo cao nhất hay các nhà quản lý trong Trường, quyết tâm ấy phải được cụ thể hóa đến từng hành động của mỗi cán bộ, chuyên viên, giảng viên, sinh viên trong Trường. Quyết tâm ấy còn phải được thể hiện bởi các kế hoạch hành động, gồm có các bước: xây dựng kế hoạch, thực thi, triển khai kế hoạch, hỗ trợ, giúp đỡ, kiểm tra, giám sát, đánh giá. Để phát triển bền vững không nên chỉ nói đến những mục tiêu, chỉ tiêu to lớn, mà nên bắt đầu từ những việc nhỏ. Mỗi cán bộ, giảng viên ở mỗi cương vị cần phải chuyên tâm cho công việc của mình. Nếu mỗi cán bộ, giảng viên lúc nào cũng đau đáu một ý nghĩ, làm thế nào để phối hợp tốt hơn với các đồng nghiệp, làm thế nào để hiệu quả công việc mình đang phụ trách cao hơn thì điều đó sẽ tạo nên sự bền vững.
Ông có dự cảm gì về năm 2017?
Tôi cho rằng năm 2017 sẽ là năm có cả những thách thức và cơ hội đối với Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Thách thức đó đến từ những sự thay đổi trong xã hội khi mà đòi hỏi, yêu cầu áp lực ngày càng tăng của xã hội đối với ngành giáo dục và đào tạo, đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải đổi mới, đổi mới quyết liệt, đổi mới căn bản, toàn diện, đổi mới thực sự. Các cơ sở giáo dục đại học cũng đứng trước tất cả những yêu cầu về đổi mới ấy. Ví dụ, những thay đổi trong chính sách về tuyển sinh, những thay đổi trong chính sách về tổ chức đào tạo chắc chắn sẽ tác động lên các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Những câu chuyện đang trở lên rất nóng trên bàn nghị sự về tự chủ đại học sẽ khiến cho các trường, trong đó có trường của chúng tôi, không thể đứng ngoài cuộc được. Nhiều trường sẽ đứng trước câu hỏi về sự tồn tại hay không tồn tại hoặc tồn tại như thế nào khi mà thị trường giáo dục, kể cả thị trường giáo dục đại học được mở rộng với sự xuất hiện của rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Ứng với mỗi thách thức sẽ là những cơ hội. Ai tận dụng được cơ hội, nắm bắt được cơ hội, chuyển hóa được tất cả những tiềm năng thành hiện thực một cách kịp thời, dũng cảm thì người ấy sẽ thắng. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận năm 2017 với tất cả những thách thức và mong muốn những thách thức ấy sẽ trở thành những cơ hội để có những thành công trong năm tới, năm Đinh Dậu 2017.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Việt Hà (VNU Media)