Quán quân 3 cuộc thi Hùng biện và ước mơ trở thành người truyền cảm hứng
Với quan điểm thử sức mình cho một thanh xuân không hối tiếc, trong vòng chưa đầy nửa năm, Trần Thị Phúc Lộc – cô sinh viên có gương mặt rạng rỡ của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã sở hữu nhiều danh hiệu tại các cuộc thi hùng biện lớn nhỏ.
Hành trình thành lập CLB Hùng biện
Năm 2018, Trần Thị Phúc Lộc bước vào cánh cổng ULIS với nhiều ước mơ và hoài bão. Suốt 12 năm học, Lộc học theo định hướng chuyên khối A hoặc A1. Khi chọn học tiếng Nhật ở ULIS, mục đích ban đầu của bạn đơn giản chỉ là muốn khám phá độ “khó” của ngôn ngữ này. Mặc dù sau này thấy nó khó thực sự nhưng lại mang lại cho cô nữ sinh những “chất liệu” mới và sự độc đáo trong tư duy.
Trở thành thành viên của lớp 17J4 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, trước gần 30 CLB trong trường, Lộc băn khoăn tìm thêm những “tổ ấm” khác cho bản thân. Xét về sở thích, cô bạn có tới 3 nhóm sở thích khác biệt. Một là Nhóm cho tinh thần và sáng tạo: âm nhạc, xem phim, đọc truyện,… Hai là Nhóm cho tư duy: đọc thật nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực (để làm “chất liệu” cho tư duy nhanh và độc đáo). Ba là Nhóm cho cộng đồng: thích được nói trước đám đông, thích đi làm tình nguyện. Bởi vậy, cô gái trẻ đã tham gia nhiều câu lạc bộ và hoạt động ngoại khóa trong khi vẫn giữ trong lòng mong muốn có một nơi để mình rèn luyện khả năng hùng biện.
Bản thân đã từng có thời rất rụt rè, ngại phải nói trước đám đông (cũng từng thất bại mấy lần trong việc tự tin nói), nhưng Lộc luôn tin tưởng là nếu bản thân cố gắng thêm một chút nữa thì sẽ làm được. Và điều này thôi thúc bạn mạnh dạn tham gia cuộc thi hùng biện NGƯỜI HÀ NỘI 2018 diễn ra vào cuối năm 2018 do Sở Văn hóa Hà Nội và Khoa Tuyên truyền của AJC tổ chức. 48 ngày thử thách của cuộc thi với nhiều hơn một lần muốn bỏ cuộc vì nghĩ không làm được nhưng cuối cùng Quán quân đã gọi tên cô gái trẻ tài năng và đầy nỗ lực ấy. Với niềm tin được củng cố sau cuộc thi ấy, Lộc tiếp tục đăng ký thử sức ở các cuộc thi diễn thuyết, thuyết trình, tranh biện,… và cũng đạt được một số giải thưởng.
Nhưng cuộc thi Người Hà Nội kết thúc cũng để lại cho bạn một nỗi trăn trở rằng tại sao trường ULIS các bạn sinh viên có rất nhiều tiềm năng, còn có cả ngoại ngữ nhưng lại không có lấy một câu lạc bộ học thuật, chia sẻ kỹ năng diễn thuyết? Tại sao bản thân bạn lại phải tìm kiếm cơ hội ở các câu lạc bộ trường ngoài? Điều này thôi thúc Lộc và một nhóm bạn khác cùng nhau lập nên CÂU LẠC BỘ HÙNG BIỆN Trường Đại học Ngoại Ngữ với mong muốn tạo nên một môi trường thật lành mạnh, bổ ích cho các bạn sinh viên.
Nhen nhóm từ cuối năm 2018, đến ngày 26/02/2019, cuối cùng Câu lạc bộ Hùng biện trường đã được thành lập. Lộc với vị trí là Phó Chủ tịch CLB cùng 3 bạn sinh viên ULIS khác và 1 sinh viên Trường ĐH Công nghệ giữ vai trò cố vấn là những thành viên đầu tiên của CLB non trẻ này. Nhóm bạn mong muốn mang lại môi trường học tập, rèn luyện, trao đổi cho sinh viên về các kỹ năng nói trước đám đông (diễn thuyết, thuyết trình, hùng biện, tranh biện, kỹ năng phỏng vấn,…). Giá trị cốt lõi muốn mang lại là giúp sinh viên tự tin và khơi dậy tiềm năng trong chính con người mình.
Tháng 4/2019, CLB Hùng biện đã tổ chức cuộc thi Hùng biện Tiếng Anh LIGHT UP 2019. Đây là cuộc thi tổ chức dựa trên ĐỀ ÁN NGOẠI NGỮ của Đại học Quốc gia Hà Nội, được sự phối hợp của Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên Đại học Ngoại Ngữ. Cuộc thi đã nhận được phản hồi tích cực từ các thí sinh, sinh viên của trong và ngoài trường.
Bảng vàng thành tích
Sau khi giành danh hiệu Quán quân cuộc thi hùng biện Người Hà Nội 2018 mùa đầu tiên, Lộc tiếp tục tham gia các cuộc thi hùng biện khác và lại giành được những danh hiệu mới là Quán quân TÔI BẢN LĨNH 2019, Quán quân Hùng biện FREEGO – Thỏa chí tung hoành 2019, Quý quân Thuyết trình truyền cảm hứng INSPIRE ME 2018 trước sự nể phục của bạn bè.
Bên cạnh đó, bảng thành tích học tập và ngoại khóa cũng ghi dấu những nỗ lực của bạn: Giải Ba Liên hoan chỉ huy Đội giỏi Toàn Quốc Lần 2 tại TP Hồ Chí Minh, Bằng khen của Trung Ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vì những thành tích học tập và hoạt động tập thể, Bằng khen của chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Hải Hậu vì thành tích xuất sắc trong kì thi THPT Quốc Gia, Giải Xuất Sắc văn nghệ cuộc thi Hùng Biện tiếng Anh tỉnh Nam Định, Giải Nhất tập thể “Lớp tôi là số 1” của Đại học Ngoại Ngữ, Sinh viên 5 tốt và Đại sứ Sinh viên năm 2018 của Đại học Ngoại Ngữ, Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố, Bằng khen của Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ- ĐHQGHN trong năm học 2018-2019, MC và Tình nguyện viên xuất sắc của Bảo Tàng Dân tộc học Việt Nam, Chứng nhận TNV xuất sắc trong các sự kiện: Vietnam Airlines Concert, chương trình Đêm Thu Cổ Tích của đài truyền hình Việt Nam, ULIS Job Fair Khoe Creative Festival, Hanoi Buffaloes, Hanoi Pride, Trại hè Thủ lĩnh trẻ Toàn cầu Shine…
Bí quyết hùng biện
Chia sẻ về kinh nghiệm để có một bài hùng biện tốt, Lộc tâm sự rằng hùng biện không hề có quy tắc. Nếu thuyết trình là đưa người nghe nhìn cái cốc và tưởng tượng ra công dụng, thì hùng biện đưa chúng ta từ cái cốc tưởng tượng ra con mèo. Hùng biện không hề có khuôn mẫu, không có quy luật, càng không có bí quyết.
Nhưng nếu vẫn muốn liệt kê ra một số tip để có định hướng tốt hơn thì bạn nghĩ là cần phải chú ý đến các vấn đề sau:
Một là chọn đề tài: mới lạ, ấn tượng. Nếu không có quyền chọn đề tài theo ý mình thì cũng không sao vì bản chất hùng biện hay là đề tài cũ nhưng cách nhìn của người nói mới.
Hai là mạch tư duy: như đã chia sẻ, hùng biện không có khuôn mẫu nên nếu chúng ta cứ đưa nó vào khuôn như bài văn Mở bài – Thân bài – Kết bài thì nó đơn thuần không mang lại ấn tượng. Cái cốt yếu là phải có một tư duy liên hệ sáng tạo và logic. Để có được tư duy kiểu này thì bản thân sẽ đọc thật nhiều kiến thức các lĩnh vực, học hỏi từ thật nhiều người, và đôi khi là… chơi thật nhiều nữa.
Ba là liều lượng: rất nhiều bạn có những tư duy liên hệ tốt nhưng lại quá tham lam khi cho tất cả vào một bài hùng biện. Điều này vừa làm bạn khó nhớ bài hùng biện của mình (hay quên và ấp úng là vì có quá nhiều thứ không liên quan trong một bài) vừa làm người nghe mệt và không follow được cả bài. Tiết chế chính là chìa khóa cho bài vừa đủ.
Bốn là giá trị: bản thân hùng biện chính là đem lại cho người nghe giá trị, thông điệp và họ muốn làm tốt hơn. Nên muốn người nghe nhớ bài hùng biện của mình thì hãy cho nó có một giá trị thật đẹp và sâu sắc.
Năm là cảm xúc: nếu mình không tin vào bài nói của mình thì người nghe sẽ không tin đâu. Vì vậy hãy dành tâm huyết và nói bằng cả tấm lòng.
Ước mơ trở thành người truyền cảm hứng
Nhìn lại năm 18 tuổi, quyết định theo học tại ULIS mặc dù từng học theo khối Tự nhiên là một điều rất bất ngờ đối với bản thân Lộc và những người xung quanh. Lúc ấy Lộc chưa cảm nhận rõ ràng lắm về định hướng tương lai, nhưng bạn biết ULIS là môi trường năng động, thân thiện và cởi mở để tự tìm kiếm đam mê của chính mình.
Sau hai năm học tại trường, Lộc có thể nhận thấy rõ ràng mình đã có lựa chọn đúng đắn khi mà ít có trường đại học nào lại có được những giảng viên không chỉ có chuyên môn cao mà còn thân thiện, quan tâm, tâm lý với sinh viên như vậy. Đặc biệt, một trong những người mà Lộc rất ấn tượng và thần tượng đó là thầy hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh. Mỗi lần thầy phát biểu, Lộc cảm thấy đó là một bài diễn thuyết thành công thực sự, và con đường mà bạn đang theo được truyền cảm hứng rất nhiều từ đó. ULIS còn rất năng động với rất nhiều câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa đa dạng và cơ hội học tập ở nước ngoài với sinh viên ULIS thì vô cùng đa dạng. ULIS là một môi trường thật mở để thỏa chí đam mê, thử sức mình cho một thanh xuân không hối tiếc.
Dù đã tham gia rất nhiều lĩnh vực không liên quan đến nhau, từ làm MC, làm TNV sự kiện, tham gia thi Hùng biện… nhưng có một điểm chung mà bạn nhận thấy rõ nhất giữa những việc mình làm là đều liên quan đến “nghề nói” và vì cộng đồng. Tương lai thì rõ ràng có nhiều thay đổi và nhiều bất ngờ, nhưng có lẽ hiện tại người mà Lộc muốn trở thành là một diễn giả truyền cảm hứng, đồng thời sẽ tích cực cống hiến đóng góp cho cộng đồng như các tổ chức phi chính phủ.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media