Phát triển các bài giảng mở trong học phần “Tư duy sáng tạo và Khởi nghiệp” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Phát triển các bài giảng mở trong học phần “Tư duy sáng tạo và Khởi nghiệp”

Ngày 19/11/2023, Bộ môn Giáo dục Khai phóng, Khoa Sư phạm tiếng Anh đã tổ chức 4 tọa đàm bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên và nâng cao năng lực cho 950 sinh viên đang học tập học phần “Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp”, một môn học được đánh giá rất thu hút và hấp dẫn trong chương trình đào tạo. Có thể nói học phần này được xây dựng với cấu trúc và tư duy theo hướng mở, ngoài học tập và thực hành trải nghiệm với giảng viên, sinh viên các lớp học được giao lưu kết nối và nghe chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ về kinh nghiệm và cách thức họ đang triển khai ngoài thực tế xã hội.

Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp bắt đầu được triển khai giảng dạy từ năm học 2019-2020. Nằm trong chương trình đổi mới phương pháp giảng dạy của Nhà trường, đây là một môn học tích hợp rất nhiều hoạt động nhằm phát triển kỹ năng cần thiết cho sinh viên.

Trong bối cảnh thế giới thay đổi một cách nhanh chóng mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức như ngày nay, khả năng suy nghĩ sáng tạo và nắm bắt tư duy đổi mới là vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân, doanh nghiệp và các trường Đại học. Đó là nhiên liệu thúc đẩy các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp, nhóm khởi nghiệp được ươm mầm từ các trường Đại học, các vườn ươm trưởng thành trong xa hội hướng tới thành công, cho phép họ nổi bật giữa đám đông và tạo ra tác động thực sự trong các ngành công nghiệp tương ứng của họ. Vì vậy với cấu trúc môn học mở, môn “Tư duy Sáng tạo và Khởi nghiệp” vừa được giảng dạy kiến thức, trải nghiệm và cách thức làm dự án của sinh viên ngoại ngữ tại trường vừa phối hợp với chia sẻ trải nghiệm của những doanh nghiệp đang bắt tay triển khai công việc thực tế

Chương trình ngày 19/11/2023, với mục đích bồi dưỡng chuyên môn cho Giảng viên và nâng cao năng lực về đổi mới Sáng tạo gắn liền với mục tiêu Phát triển bền vững cho SV trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN, Bộ môn Giáo dục Khai phóng, khoa Sư phạm tiếng Anh tổ chức 04 tọa đàm “Đổi mới Sáng tạo gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”. Mục tiêu của các buổi tọa đàm nhằm giúp giảng viên, sinh viên học tập những trải nghiệm thực tế của các diễn giả trong việc theo đuổi, mục tiêu đam mê của nghề nghiệp trong cuộc đời, trải nghiệm làm dự án, các phương pháp, cách thức tạo ra sản phẩm thương mại hóa, đóng góp giá trị cho cộng đồng gắn liền với mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Từ đó các diễn ra trao đổi về vai trò của ĐMST hiện nay trong việc gắn liền với mục tiêu Phát triển bền vững, đưa ra cho SV các bài học thực chứng về quá trình làm dự án và kinh doanh trong thực tế.

Chương trình 04 tọa đàm đã diễn ra vào buổi sáng và buổi chiều từ 9;00-11:30 và chiều từ 14:00-16:30 tại 04 địa điểm hội trường của Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.

– Diễn giả: TS. Nguyễn Phương Nam, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần Tư vấn & Dịch vụ ĐỔI MỚI KHÍ HẬU KLINOVA có buổi chia sẻ tại địa điểm: Hội trường Sunwah tầng 2, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy

– Diễn giả: Hoàng Đức Minh, Product & Strategic Consultant tại GSSP và diễn giả Bùi Thị Hoàng Điệp, Founder và CEO của app học tập tiếng Anh eJOY có buổi chia sẻ tại địa điểm: Hội trường Homie B2

– Diễn giả: Phạm Thu Trang, Youth Social Entrepreneurship and Innovation, UNDP in Viet Nam chia sẻ tại hội trường Vũ Đình Liên, số 2 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy

–  Diễn giả: Ngô Dương, Founder/CEO tại OneSpace: Trường học trực tuyến của tương lai chia sẻ hội trường Sunwah tầng 2, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy

Nhiều kiến thức thú vị và bài hoc về hành trình xây dựng sự nghiệp, những dự án sơ khai lúc ban đầu đã được các diễn giả tái hiện và chia sẻ tới sinh viên một cách sống động. Các bạn sinh viên của Trường còn được khám phá thêm một giá trị rất lớn trong con đường đổi mới sáng tạo luôn gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững SDGs. Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố quan trọng đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp về lâu dài, đồng thời giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị cho nhà đầu tư và cộng đồng.

Đổi mới sáng tạo còn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.. Giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) được LHQ đưa vào 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm kêu gọi đảm bảo rằng mọi người đều có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững trên nhiều cấp độ. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững luôn phát triển cùng nhau, vì trong quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo các trường đại học phải đặt trong chiến lược phát triển bền vững thì mới đem lại lợi ích lâu dài cho sự phát triển chung của trường nói riêng và nền giáo dục nói chung.

Bộ môn GDKP