“Phải có kế hoạch và tư duy dài hạn để khởi nghiệp bền vững”
Tối ngày 25/3/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm thứ hai trong chuyên đề “Câu chuyện khởi nghiệp và kết nối chuyên gia” học kỳ 2, năm học 2020-2021.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình học phần “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp” và nhằm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp của sinh viên, giai đoạn 2020 – 2025 (FIRE Project).
Tham dự tọa đàm có các giảng viên và hơn 200 sinh viên tham gia học phần “Tư duy sáng tạo và khởi nghiệp”.
Trong buổi tọa đàm, sinh viên đã được lắng nghe câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tuyền – Nhà sáng lập của Trevi Bike – một công ty sản xuất xe đạp tre với tầm nhìn hướng về lối sống xanh, chú trọng đến sinh thái và mong muốn góp phần vào sự phát triển bền vững của thế giới.
Trevi Bike được tạo ra từ những thân tre đực, được lựa chọn và xử lý hết sức nghiêm ngặt từ những chuyên gia vật liệu hàng đầu của Trevi Bike. Các thân tre được xử lý bằng công nghệ hiện đại để có thể chịu được lực tác động, linh hoạt và chống chịu tốt trước các tác động của môi trường như mối mọt và thời tiết. Trevi có nghĩa là Tre Việt. Với cái tên này, những người làm nên thương hiệu này muốn bất cứ khi nào nhắc đến Trevi, người ta sẽ nhớ đến Việt Nam và sự sáng tạo của người Việt Nam với những sản phẩm vô cùng độc đáo, nhưng cũng cực kỳ thân thiện với môi trường. |
“Phải có kế hoạch và tư duy dài hạn để khởi nghiệp bền vững.”, “Sinh viên cần có thái độ tích cực, tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm trước khi ra trường để cạnh tranh trên thị trường lao động.” là hai trong những lời nhắn nhủ của anh Tuyền với sinh viên ULIS.
Các em sinh viên cũng đã được trò chuyện cùng anh Bùi Tiến Dũng, cán bộ Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Anh nhận định sinh viên khối xã hội có ưu điểm dám ước mơ, dám theo đuổi hoài bão của mình. Phải có ý tưởng đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp thành công. Kiến thức, kỹ năng và thái độ là ba yếu tố cần thiết để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Sau đó, các em sinh viên và diễn giả khách mời đã cùng giao lưu, trao đổi qua phần hỏi đáp. Mỗi chia sẻ của các diễn giả đều là các kinh nghiệm, quan điểm của thế hệ đi trước mong muốn truyền tải đến các sinh viên trẻ ULIS.
Buổi tọa đàm “Câu chuyện khởi nghiệp và kết nối chuyên gia” đã đem đến trải nghiệm thú vị, giúp sinh viên có thêm hứng khởi và động lực sáng tạo, phát triển bản thân.
Một số hình ảnh khác:
ULIS Media