PGS. TS. Lâm Quang Đông: Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài là cơ hội tốt để học hỏi – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài là cơ hội tốt để học hỏi

Nhân dịp Nhà trường tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, ULIS Media đã có cuộc phỏng vấn nhanh với PGS. TS. Lâm Quang Đông – Tổng biên tập của tạp chí để mọi thầy cô, cán bộ, sinh viên có thể hiểu thêm về tạp chí này.

PV: Xin chào thầy, cám ơn thầy đã nhận lời phỏng vấn. Cho những ai chưa có cơ hội được biết, thầy có thể giới thiệu một chút về bản thân được không ạ?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Giảng dạy tiếng Anh cho người phi bản ngữ (TESOL) năm 1995, tôi trở về tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN. Tuy nhiên phải mãi tới năm 2000, tôi mới có những công bố đầu tiên, ban đầu chỉ là một báo cáo khoa học tại Hội thảo Ngữ học trẻ, sau đó mới tự tin hơn để công bố bài trên các tạp chí chuyên ngành.

Năm 2007 tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học và 6 năm sau, năm 2013 được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2009 tôi được bổ nhiệm làm Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và hết nhiệm kỳ Trưởng khoa thì chuyển về làm Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ của trường.

Trong các nhiệm vụ của Phòng KH-CN có một công việc quan trọng là tổ chức xuất bản chuyên san Nghiên cứu Nước ngoài thuộc Tạp chí Khoa học ĐHQGHN và nay là Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài trực thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

2017-03-17_8-47-06 PGS. TS. Lâm Quang Đông phát biểu trong Lễ công bố quyết định thành lập tạp chí NCNN

PV: Tạp chí NCNN là một dự án được Nhà trường rất quan tâm triển khai. Thầy có thể nói một chút về quá trình thành lập tạp chí này?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Trước hết, đây là chủ trương của Đại học Quốc gia Hà Nội sắp xếp lại hệ thống các tạp chí trong ĐHQGHN, tạo điều kiện cho các đơn vị thành viên phát triển xuất bản phẩm của riêng mình. Đó là một chủ trương đúng đắn. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhận thấy đây cũng là một cơ hội để Trường có thể nâng cao tần suất xuất bản, số trang xuất bản mỗi số, tạo điều kiện cho cán bộ trong trường công bố các công trình nghiên cứu của mình, đảm bảo hoàn thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của giảng viên là nghiên cứu khoa học.

Tạp chí cũng tạo thêm một địa chỉ cho cán bộ khoa học ngoài trường công bố sản phẩm khoa học, qua đó nâng cao vị thế và uy tín của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Vì lẽ đó, lãnh đạo Nhà trường đã dành rất nhiều công sức để chỉ đạo Phòng KHCN triển khai xây dựng đề án thành lập Tạp chí, thực hiện các công việc cần thiết và nỗ lực hoàn tất các thủ tục để Tạp chí sớm được ra đời. Nhờ vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng chuẩn bị, số đầu tiên của Tạp chí đã được xuất bản và đến với độc giả trong tháng 01 năm 2017 vừa rồi.

2017-03-17_8-46-53

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh tặng hoa cho đại diện Hội đồng biên tập tạp chí – thầy Lâm Quang Đông trong Lễ công bố

PV: Thầy có thể cho biết thêm về đối tượng, mục đích, mục tiêu của tạp chí?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Mục đích của Tạp chí là góp phần thực hiện sứ mệnh của trường, phục vụ sự phát triển của trường, làm cho một trong 3 ngôi sao trên logo của trường thêm lấp lánh bên cạnh hai ngôi sao sáng kia.

Tôn chỉ của Tạp chí là chất lượng, kế thừa và tiếp nối chuyên san Nghiên cứu Nước ngoài thuộc Tạp chí Khoa học ĐHQGHN trước đây.

Đối tượng phục vụ của Tạp chí là tất cả cán bộ khoa học, nghiên cứu sinh, học viên cao học trong và ngoài trường.

PV: Tạp chí có kế hoạch như thế nào trong thời gian tới, cụ thể là trong năm nay?

Theo kế hoạch, Tạp chí sẽ xuất bản 6 số một năm, trong đó 4 số bằng tiếng Việt và 2 số bằng tiếng Anh. Sau Lễ công bố Quyết định thành lập Tạp chí ngày 16/3/2017 tới, chúng tôi sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để Tạp chí có thể xuất bản online nhằm tăng cường hội nhập quốc tế và đưa Tạp chí đến đông đảo độc giả hơn và thuận tiện hơn.

PV:  Những thầy cô có mong muốn gửi bài thì có thể gửi cho tạp chí theo cách nào ạ?

Hầu hết các công việc đều được tiến hành qua mạng nên tác giả có bài viết có thể gửi một cách đơn giản và thuận tiện đến địa chỉ tapchincnn@gmail.com.

2017-03-17_8-46-43

PV: Thầy có lời động viên nào dành cho những thầy cô có bài nhưng vì lý do gì đó mà vẫn còn “ngại” gửi bài?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Một số người, đặc biệt là cán bộ trẻ, có thể “ngại” gửi bài về nhiều lẽ. Một trong những lý do đó là có thể còn tự ti, “sợ” chất lượng bài viết của mình chưa đạt chất lượng mong muốn, hoặc vấn đề mình đề cập có thể không hấp dẫn với người đọc.

Tuy nhiên, điều đó không có gì đáng ngại. Tạp chí có hội đồng thẩm định nghiêm túc và tỉ mỉ, nếu như bài viết có gì chưa đạt thì người phản biện sẽ có những phản hồi cụ thể, giúp tác giả có thể nâng cao chất lượng bài viết. Việc này rất quan trọng và hữu ích đối với những người mà các bạn cho là “ngại”. Mỗi lần viết bài, được góp ý, một lần được học hỏi, và không ngừng học hỏi mới có thể vươn lên, tự nâng cao kiến thức và kỹ năng cho chính mình. Cho nên không được ngại.

PV: Thầy có thể nói một chút về hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay của ULIS?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: Dĩ nhiên còn nhiều điều phải khắc phục, cố gắng và nỗ lực. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của ULIS đã có nhiều khởi sắc, nhiều dấu hiệu tích cực, chẳng hạn như sự đam mê, nhiệt tình và ý thức thực hiện nghiên cứu khoa học của cán bộ, nghiên cứu sinh, học viên và sinh viên trong trường nên có thể lạc quan về những phát triển mới trong thời gian tới.

2017-03-17_8-46-32

Thầy Lâm Quang Đông là người rất tâm huyết với khoa học

PV: Nghe nói thầy “xuất khẩu thành thơ”. Thầy có thể gửi tặng bạn đọc 1 bài thơ nhân dịp tạp chí NCNN ra mắt được không ạ?

PGS. TS. Lâm Quang Đông: “Xuất khẩu thành thơ” thì tạm nói thế này nhé:

Hôm nay mười sáu tháng ba
Tạp chí số một đưa ra trình làng
Cờ hoa, quan khách rộn ràng
Chúc cho Tạp chí ngày càng thành công
ULIS khổ tứ lao tâm
Đảm bảo chất lượng xứng tầm Vờ NU!

Đấy là nói vui vậy. Sau đây tôi xin gửi một bài thơ liên quan một chút đến chủ đề cuộc trao đổi hôm nay; bài này tôi viết tặng lớp sinh viên tôi dạy từ năm 2005, cũng là lời nhắn nhủ đến các thầy cô và các bạn trẻ.

              Bay đi em                              

Em đôi mươi, lúa đương thì con gái

Xuân ngát xanh cây lá đâm chồi

Trên môi em óng ánh nụ cười

Tương lai đó đang đón chào vẫy gọi

Đưa em vào thế giới bao la

Bay đi em, bay thật cao thật xa

Góp sức công xây đắp nước non nhà

Ừ, cuộc sống còn bộn bề phía trước

Hãy ấp ôm những mộng mơ nguyện ước

Trên vai em có đôi cánh trẻ trung

Bầu nhiệt huyết con tim luôn cháy bỏng

Đem xuân về trong nắng mới xôn xao

Bay đi em, như én liệng trời cao

Đến tri thức, vào kho tàng nhân loại

Mấy nghìn năm cha ông ta để lại

Thật mênh mông phong phú biết nhường nào

Bay đi em, vươn tới những vì sao

Lấp lánh soi con đường vào khoa học

Dẫu quanh co, dẫu gập ghềnh gai góc

Gắng kiên trì ắt gặt hái thành công

Chẳng ngại gì cái lạnh lẽo mùa đông

Trong vườn kia mấy cụ già tóc bạc

Vẫn miệt mài dọn rơm nhặt rác

Tưới chăm cây cho tươi lá tốt cành

Có bao giờ đầu bạc lại xanh

Có bao giờ canh khuya chim hót

Để cho đời những hoa thơm trái ngọt

Để cho người vui mãi tuổi hai mươi

                                           6 – 2005

PV: Xin cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện!

Lệ Thủy – Việt Khoa/ULIS Media