Nguyễn Vũ Xuân Lan – Cô giáo mê vẽ truyện tranh – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguyễn Vũ Xuân Lan – Cô giáo mê vẽ truyện tranh

Nổi lên gần đây, Nguyễn Vũ Xuân Lan (bút danh X.Lan), cô giáo vẽ truyện tranh đã khiến nhiều họa sĩ chuyên nghiệp cảm thấy mình bị “tụt hậu” và “chưa hiểu gì về giới trẻ”.
h2_xuan_lan_jgss

Họa sĩ truyện tranh X.Lan.

Mê truyện tranh đâu có nghĩa hời hợt

Nguyễn Vũ Xuân Lan – cô giáo dạy Tiếng Anh kể nhờ sở thích vẽ truyện tranh mà cô đã khiến thần tượng của mình chú ý. Mới đầu Xuân Lan chỉ vẽ tranh kể chuyện hằng ngày để chia sẻ với bạn bè. Gửi tranh đến trang Hitrecord của diễn viên Joseph Gordonn-Levitt, Lan không ngờ chủ nhân đã đưa nó lên trang Fanpage chính thức của anh. “Tưởng như rất xa vời thế mà tôi đã tiếp cận được anh chàng nổi tiếng dễ thương của Hollywood một cách khá là giản đơn như vậy”.

Nhân vật truyện của Xuân Lan hầu hết là hình ảnh của chính cô và bạn trai,  vật nuôi thân thiết trong nhà là hai chú mèo chó cũng được họa sĩ gửi gắm nỗi niềm từ con người. Truyện của cô là những hội thoại hài hước nhẹ nhàng, thoáng một suy ngẫm, ngôn ngữ khá teen nên phạm vi tuổi của độc giả du di từ 14 đến ngoài 40. Một chú cá mập dùng băng keo hàn gắn lại vết rách cáp quang dưới đáy biển với đoạn thoại: –  “Anh Mập làm gì đây?”. – “Gia cố cáp. Nhỡ đứt phát nữa chúng nó lại đổ cho tao”. Một con cá vàng giận dữ phàn nàn khi được người đem đi phóng sinh vào ngày ông Công ông Táo nhưng họ vứt nó xuống hồ mà không tháo túi nilon.

Xen lẫn là những câu chuyện miêu tả tâm lý, khai thác góc ngộ nghĩnh xảy ra mỗi ngày với những cô gái trạc tuổi Lan. Đầu năm qua, bức vẽ “Công bằng nhưng không bằng” về bình đẳng giới của X.Lan đã được ban tố chức là Sứ quán Bỉ và Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UNI Women) trao giải nhất cùng chuyến khám phá, vẽ truyện tranh tại nước Bỉ.

Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì lớp thanh niên nghiện truyện tranh, thậm chí có ông bố tuổi 35 vẫn vừa đút cháo cho con vừa dán mắt vào cuốn Manga. Người lớn tin rằng, nghiền toàn truyện tranh, giới trẻ không có khả năng viết hoặc đọc cuốn sách tiếng Việt bình thường. Và dân truyện tranh “ít chữ” sống hời hợt và vô trách nhiệm hơn dân đọc sách chính thống!?? Cô giáo Xuân Lan thì cho rằng “Thế hệ nào cũng nghĩ mình là tinh hoa”.

Bản thân Xuân Lan cũng có thời gian nghĩ như thế. “Tôi thích nhạc rock, thấy các bạn trẻ thích EDM (nhạc điện tử) tôi bảo “nhạc trẻ trâu”. Khi tìm hiểu kỹ hơn tôi thấy EDM cũng có cái hay của nó”. Truyện tranh cũng là một nghệ thuật và đâu có ly kỳ kém tiểu thuyết. Người đọc cũng có thể tìm thấy triết lý sâu sắc và ngôn ngữ văn chương riêng trong nó.

h4_phong_sinh_ca_uayp

Truyện tranh X.Lan- Hài hước xen một chút suy ngẫm.

Bày tỏ ý nghĩ chứ không copy nguyên mẫu

Tôi viết văn không tốt nên chọn truyện tranh để bộc lộ suy nghĩ của mình, cô giáo Xuân Lan chia sẻ. Nhiều bạn trẻ do mê truyện tranh Manga (Nhật), Manhwa (Hàn Quốc) nên tìm cách học vẽ theo phong cách trên. Theo clip hướng dẫn hoặc sách ảnh tô màu, các bạn đặt mục tiêu vẽ giống hệt các nhân vật tiêu biểu của các dòng truyện đang thống trị. Cách đó không kích thích  sáng tạo và năng lực bày tỏ ý nghĩ.

Hiện Xuân Lan đã nhận lời  tham gia dạy một lớp vẽ truyện tranh cho trẻ em. “Tôi chưa biết mình sẽ dạy theo giáo trình nào nhưng có lẽ việc của tôi là giúp đỡ các bạn  chuyển điều muốn nói và hình ảnh trong đầu thành phác thảo”. Thỉnh thoảng họa sĩ mới nhận lời vẽ tranh theo đặt hàng giáo dục môi trường, giới tính, phong cách sống. Cô không thoải mái khi phải vẽ theo định hướng, áp lực thời gian. “Tôi không muốn kiếm tiền bằng việc vẽ lắm. Yêu cầu tiền bạc và điều kiện của khách hàng sẽ lấy mất của tôi niềm vui trong lúc vẽ”.

Tự nhận là người lãng đãng, sợ công việc theo khuôn khổ hành chính , sợ họp nên trước mắt cô vẫn đi dạy tiếng Anh. Sau khi xong luận văn cao học, Lan sẽ lên kế hoạch đi học vẽ “hồi bé tôi có tham gia lớp vẽ tại Cung thiếu nhi Hà Nội, ngoài ra chưa bao giờ được học một cách cơ bản cả”.

Nhiều bạn bè giục tác giả ra sách, một số nhà xuất bản cũng đề nghị cộng tác nhưng Xuân Lan từ chối: “Tôi chỉ mong tới lúc tài chính, công việc và gia đình ổn định để có thể chuyên tâm  thoải mái vẽ”.

Cô thổ lộ “lúc vẽ tôi nghĩ hơi bị nhiều nên truyện tranh cũng như Fanpage của tôi không được nhiều like như những trang khác trên mạng”. Dù sao cô giáo vẽ tranh cũng rất hài lòng với những người đang theo dõi cô từ ngày đầu đến giờ. “Họ khá hiểu tính cách, câu chuyện và khiếu hài hước của Lan. Sự đồng cảm là phần thưởng lớn nhất chứ không hẳn là phải ra sách hay bán sản phẩm”.

Nguồn: Tienphong.vn