“Nghiên cứu khoa học để yêu thêm ngoại ngữ mình học”
Với đề tài được Ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng là “Những hiện tượng ngữ âm tiếng Nga gây khó khăn cho sinh viên Việt Nam trong việc phát âm”, Trần Ngọc Thanh, sinh viên năm 2, lớp 16R1 Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga đã giành giải Nhất tại Ngày hội sinh viên Sáng tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp 2018.
Nghiên cứu khoa học trong sinh viên là một công tác được Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội rất chú trọng. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức Ngày hội sinh viên Sáng tạo – Nghiên cứu – Khởi nghiệp (F.I.R.E) và trao giải cho các nghiên cứu xuất sắc với mong muốn phát triển phong trào này. Tại ngày hội năm nay, với đề tài “Những hiện tượng ngữ âm tiếng Nga gây khó khăn cho sinh viên Việt Nam trong việc phát âm”, Trần Ngọc Thanh đã giành giải Nhất của cuộc thi. Hãy cùng trò chuyện để tìm hiểu về công trình của bạn và nỗ lực nghiên cứu khoa học khi mới chỉ là sinh viên năm hai nhé.
Bạn Trần Ngọc Thanh
PV: Trước tiên Thanh có thể chia sẻ về đề tài đã đạt giải của mình được không?
Đây là lần thứ hai mình tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, và cũng như lần trước, mình tiếp tục viết về tiếng Nga. Mình đã theo học tiếng Nga một thời gian khá lâu, và ngôn ngữ này không chỉ là một môn học, một định hướng nghề nghiệp mà đã trở thành một trong những đam mê của mình. Tuy nhiên qua quá trình học tập, mình nhận thấy việc học tiếng Nga, nhất là kỹ năng nghe nói gây khó khăn cho khá nhiều sinh viên, đặc biệt là những người chưa có điều kiện tiếp xúc với người Nga hoặc môi trường tiếng, bởi vậy mình muốn tìm hiểu những vấn đề nội tại của tiếng Nga, khiến cho việc nói tiếng Nga của sinh viên Việt Nam gặp khó khăn.
Nghiên cứu của mình chỉ ra sự khác biệt về đặc điểm loại hình ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Nga khiến cho đặc điểm ngữ âm giữa hai ngôn ngữ cũng có nét khác biệt, điều này giải thích cho sự tồn tại của những hiện tượng ngữ âm không có trong tiếng Việt, hoặc có sự sai khác nhất định giữa hai ngôn ngữ về mặt phát âm chữ cái. Những hiện tượng ấy bao gồm: những chữ cái và âm không xuất hiện trong tiếng Việt và sự nhầm lẫn giữa những chữ cái giống nhau; sự sai khác về mặt phát âm giữa những âm có nét tương đồng; độ dài từ và các tổ hợp âm khó; các hiện tượng ngôn điệu, bao gồm trọng âm và ngữ điệu; các trường hợp biến âm, bao gồm nhược hóa, vô thanh hóa, hữu thanh hóa, các tập hợp phụ âm với nguyên âm đôi và sự xuất hiện dấu cứng, dấu mềm. Trong nghiên cứu, mình đã đề xuất một số giải pháp như sau: Cung cấp các kiến thức về mặt ngữ âm học cho người học ngay khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Nga; Nâng cao thời lượng học kĩ năng nghe, nói tiếng Nga và thời lượng thực hành giao tiếp trong một giờ học, tối thiểu 30%; Tạo môi trường giao tiếp với người bản ngữ cho học sinh cũng như sinh viên, tổ chức các buổi ngoại khóa, bản thân các giáo viên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Nga, học với giáo viên bản ngữ, yêu cầu người học sử dụng tiếng Nga trong giờ học; Trong điều kiện có thể, có thể sử dụng các thiết bị để đánh giá chất lượng phát âm của người học, xây dựng phần mềm hỗ trợ phát âm tiếng Nga cũng như phát hiện lỗi phát âm.
Do sự khác biệt cơ bản về loại hình ngôn ngữ, rất khó để một người Việt có thể phát âm hoàn toàn chuẩn mực như một người Nga, hoặc một người được sinh ra và lớn lên ở Nga. Tuy nhiên cần tập trung khắc phục những nhược điểm rõ rệt, và ảnh hưởng lớn đến chất lượng giao tiếp. Hiểu được bản chất của những hiện tượng ngữ âm khó, hy vọng các sinh viên Việt Nam có thể nâng cao khả năng phát âm, từ đó phát triển kĩ năng giao tiếp của mình, để có thể biến tiếng Nga thành ngôn ngữ thứ hai của mình.
Thật ra thời gian mình bắt đầu triển khai đến khi hoàn thiện đề tài là khá gấp, tuy nhiên do đã ấp ủ ý tưởng từ lâu, cũng như có thời gian quan sát kỹ năng phát âm của các bạn cũng như có may mắn được đến nước Nga và giao tiếp với người Nga nên mình đã kịp thời hoàn thành được bài nghiên cứu.
PV: Ngoại ngữ được không ít người đánh giá là thiên về ứng dụng hơn là nghiên cứu. Tại sao bạn lại quyết định tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên này?
Đối với bản thân mình, ngôn ngữ cần được xem xét dưới cả góc độ một ngành khoa học xã hội cũng như là một công cụ giao tiếp. Mình cũng tán thành ý kiến của nhiều người khi cho rằng giao tiếp là mục đích chính của việc học ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhìn nhận ngoại ngữ dưới góc độ một môn khoa học, mình cho rằng cần đi sâu tìm hiểu các hiện tượng về ngữ pháp, ngữ âm, ngữ dụng nữa chứ không đơn thuần chỉ sử dụng để nghe – nói. Bằng cách đó, ta hiểu hơn về bản chất ngôn ngữ mình học, sử dụng ngôn ngữ ấy trong việc viết cũng như nói chuẩn mực hơn và tiệm cận hơn với cách sử dụng của người bản ngữ. Mặt khác, một khi thấu hiểu bản chất của các hiện tượng ngôn ngữ, ta cảm nhận được rõ hơn vẻ đẹp của ngôn ngữ cũng như có động lực để nghiên cứu sâu hơn, và đạt được những thành tích tốt hơn trong việc học.
Thanh và các bạn tham gia các hoạt động ngoại khóa
PV: Bạn có gặp khó khăn nào khi thực hiện nghiên cứu và hãy chia sẻ một vài lời khuyên cho các bạn sinh viên cũng muốn tham gia nghiên cứu khoa học?
Theo mình điều khó khăn nhất khi thực hiện nghiên cứu khoa học sinh viên là phải tìm ra những điều mới mẻ, ít nhất là với bản thân và với số đông sinh viên, đồng thời những điều ấy phải có ích cho việc học tập, nghiên cứu. Có những vấn đề mình quan tâm và hứng thú, tuy nhiên không còn điều gì để khám phá, hoặc không có giá trị áp dụng thực tiễn thì khó có thể trở thành một đề tài hấp dẫn được. Bản thân mình khi làm nghiên cứu khoa học luôn được sự hỗ trợ từ các thầy cô giáo trong Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, cũng như các thầy cô từ các Bộ môn Tâm lý giáo dục, Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, và đặc biệt là từ những thầy cô và bạn bè người Nga. Đó là sự trợ giúp vô cùng quý báu mà mỗi sinh viên có thể tận dụng khi thực hiện nghiên cứu.
Như mình đã nói ở trên, việc tìm hiểu một cách sâu sắc về một đề tài mình quan tâm không chỉ giúp mình hiểu hơn về nó, mà còn khơi dậy hứng thú, tạo động lực giúp mình đi sâu hơn trong việc học tập, nghiên cứu. Thêm một điều thú vị nữa là Nhà trường luôn có những phần thưởng xứng đáng cho sinh viên có kết quả nghiên cứu khoa học tốt. Có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần, có những sự trợ giúp luôn sẵn sàng, không có lí do gì để một sinh viên ULIS phải chần chừ trong việc bắt tay nghiên cứu khoa học cả!
Thanh có năng khiếu chơi đàn guitar và thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của Khoa cũng như của trường. Trong ảnh là bạn biểu diễn trong chương trình du ca đường phố “Hát nhạc Nga tại phố đi bộ” và Dạ hội “Từ Hà Nội đến Mát-xcơ-va”.
PV: Bạn có dự định sắp tới nào liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học không?
Hiện tại bài nghiên cứu của mình mới mang tính chất định tính, số lượng khảo sát chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu có thể, mình sẽ thực hiện khảo sát trên số lượng lớn hơn những người học tiếng Nga để tìm ra những vấn đề mới, cũng như mức độ ảnh hưởng của các vấn đề được nêu ra. Ngoài ra, bên cạnh việc học tiếng Nga, mình muốn tìm hiểu sâu hơn về ngôn ngữ học nói chung cũng như các ngôn ngữ khác, để hiểu hơn về từng thứ tiếng, cảm nhận vẻ đẹp của các thứ tiếng ấy. Năm sau, nếu tìm ra một đề tài thực sự gây hứng thú và có giá trị, mình vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu khoa học để tham gia F.I.R.E.
Theo Bản tin ĐHQGHN