Nghiệm thu đề tài “Hoạt động thực tập với sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh theo mô hình học tập kết hợp: những đổi mới và thích ứng”
Nghiệm thu đề tài mã số N.21.12 với chủ đề: “Hoạt động thực tập với sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh theo mô hình học tập kết hợp: những đổi mới và thích ứng” do TS. Nguyễn Thị Huyền Trang chủ trì đề tài, đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc vào ngày 03/10/2023.
Nhóm thực hiện, bên cạnh Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh, còn có sự tham gia của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh Huyền – GV trường THCS Ngoại Ngữ, ĐHNN – ĐHQGHN.
Nghĩ lại về lý do thực hiện đề tài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang chia sẻ, thời điểm năm 2019, khi đại dịch Covid19 lần đầu tiên xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc Việt Nam, mọi người đều hết sức hoang mang và lo lắng. Hầu hết trường học các cấp trên khắp địa bàn Hà Nội phải tạm đóng cửa cho công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, sang đến năm 2020, dù khi đó dịch Covid19 quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn, nguy hiểm hơn, nhưng nhờ những kinh nghiệm ứng phó với diễn biến dịch từ đợt Covid19 trước nên tại trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, hoạt động dạy và học không bị dán đoạn. Trường chúng ta đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình học tập từ trực tiếp sang trực tuyến trên một số nền tảng chính như zoom, microsoft teams…
Học tập trực tuyến vốn đã có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn với cả giảng viên và sinh viên. Vậy sinh viên năm thứ tư của trường mình khi tham gia kỳ thực tập sư phạm quan trọng, các em sẽ ứng phó như thế nào để thích ứng và phát huy được tốt nhất ý nghĩa của hoạt động đó? Các em có gặp phải khó khăn gì không? Và các em đã làm gì để biến những khó khăn đó thành bài học, tìm được điểm sáng trong những thách thức đó?
Rất nhiều câu hỏi, rất nhiều trăn trở đã gợi lên trong cô Huyền Trang, giảng viên khoa Sư phạm tiếng Anh, người đã có hơn 13 năm gắn bó với công tác đào tạo giáo viên tại trường mình; đồng thời cô cũng là một nhà nghiên cứu luôn miệt mài say sưa với rất nhiều các đề tài nghiên cứu trong mảng phương pháp giảng dạy. Các đề tài và hướng nghiên cứu của cô đều tập trung vào khai thác, ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực, tiên tiến để nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo giáo viên tại trường. Chính vì vậy, cô quyết định bắt tay ngay vào thực hiện đề tài “Hoạt động thực tập với sinh viên ngành sư phạm tiếng Anh theo mô hình học tập kết hợp: những đổi mới và thích ứng” với mong muốn tìm hiểu những điều chỉnh và thay đổi về cơ chế, quy định của các cơ sở đào tạo giáo viên trên thế giới nhằm hỗ trợ sinh viên thích ứng những hoạt động thực tập trực tuyến, đặc biệt tìm hiểu những thách thức và cơ hội của hoạt động thực tập trực tuyến của các em sinh viên ngành Sư phạm nói chung và tại khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN – đơn vị nơi cô trực tiếp công tác; qua đó đánh giá được mức độ hiệu quả của hoạt động thực tập trực tuyến của các em sinh viên. Từ những kết quả nghiên cứu, cô Huyền Trang mong muốn đưa ra được các giải pháp đề xuất nhằm thúc đẩy hiệu quả của hoạt động thực tập đối với sinh viên ngành Sư phạm khoa Sư phạm tiếng Anh theo mô hình học tập kết hợp, không chỉ trong thời kỳ dịch Covid19 mà còn cả công tác giảng dạy về sau. Bởi lẽ ngay tại thời điểm đó, cô Huyền Trang đã có một niềm tin rằng, nếu có sự chuẩn bị tốt cho người dạy và người học thì mô hình học tập này sẽ giúp tạo ra môi trường học tập đa dạng, tận dụng được lợi ích của các phương pháp học tập tiên tiến từ đó mang lại những cơ hội và ưu việt cho quá trình dạy và học.
Trải qua quãng thời gian thực hiện đề tài với nhiều vất vả, gián đoạn vì việc thu thập dữ liệu trong mùa dịch Covid19 không hề đơn giản do hình thức thực tập của sinh viên trường chúng ta phụ thuộc nhiều vào các nền tảng công nghệ của trường sở tại nơi các giáo sinh thực tập. Bên cạnh đó, lịch trình lại có nhiều điều chỉnh, hoàn toàn phụ thuộc vào kế hoạch giảng dạy của các trường phổ thông… Nhưng cô Huyền Trang thấy thật may mắn khi nhìn lại chặng đường đã qua. Cô được đi sâu vào tìm hiểu những thay đổi gấp rút trong chính sách, cơ chế đào tạo giáo viên của các trường Đại học ở khắp nơi trên thế giới. Cô đặc biệt ấn tượng vì sự khẩn trương, gấp gáp và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thầy cô ở các khoa đào tạo, các phòng ban của Trường Đại học Ngoại ngữ, các em sinh viên trường mình, và đặc biệt sự phối hợp tạo điều kiện vô cùng to lớn của Ban giám hiệu, những chỉ bảo, đóng góp chuyên môn của các giáo viên trường sở tại cũng như tình cảm quý mến và sự phối hợp các em học sinh ở đó. Tất cả những nỗ lực này đã mang lại cho các đoàn giáo sinh trường chúng ta kết quả hết sức khả quan; góp phần lớn trong công tác chuẩn bị cả về mặt chuyên môn, kỹ năng cũng như tâm lý để bước ra xã hội với những vai trò mới: những thầy giáo – cô giáo trẻ.
Đặc biệt trong dự án lần này của cô Huyền Trang, có sự tham gia tích cực của một người đồng hành đặc biệt. Thời điểm khi bắt đầu dự án, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đang là sinh viên năm thứ tư khoá QH2018 tại khoa Sư phạm tiếng Anh – trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Ban đầu, cô tham gia với vai trò là một giáo sinh đang thực hiện kỳ thực tập trực tuyến, trực tiếp chia sẻ góc nhìn của một người trong cuộc. Sau hơn 1 năm thực hiện dự án, cô đã quay lại với một trải nghiệm hết sức mới mẻ: một giáo viên trẻ công tác tại trường THCS Ngoại ngữ. Chính vì vậy, những chia sẻ và chiêm nghiệm của cô là những trải nghiệm hết sức thú vị, không chỉ của người đã tham gia kỳ thực tập trực tuyến mà còn là những ứng dụng mà quãng thời gian học tập đó mang lại trong một vai trò rất mới: một giáo viên trẻ- một chủ nhiệm lớp.
Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền đã chia sẻ thêm: “Là một cựu sinh viên khoa SPTA khóa QH 2018, mình đã có một trải nghiệm đáng nhớ khi được trải qua gần hai năm cuối cấp học hoàn toàn là trực tuyến. Đặc biệt, với đặc thù của ngành sư phạm, thực tập đóng một vai trò then chốt. Trong quá trình thực tập trực tuyến ấy, mình đã gặp rất nhiều khó khăn như: nhiều sự cố kỹ thuật, nhiều trục trặc bất ngờ xảy ra trong quá trình giảng tập, hay việc duy trì tương tác với học sinh trong lớp, đặc biệt là quản lý lớp học đa trình độ… bởi lẽ mình cảm thấy khá bối rối và khó khăn để có thể nắm bắt được chính xác tình hình bạn nào làm được bài, bạn nào không làm được, bạn nào hiểu bài và bạn nào chưa hiểu bài; từ đó có thể lên ý tưởng xây dựng bài học, rút kinh nghiệm cho những bài giảng sau… Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành sát sao của các thầy cô trong khoa Sư phạm tiếng Anh, sự quan tâm hỗ trợ hết sức của nhà trường cũng như của các thầy cô trường THCS Ngôi Sao – nơi mình thực tập, mình đã lĩnh hội, học hỏi được nhiều bài học hữu ích góp phần xây dựng hành trang bước ra công tác đứng lớp ở hiện tại. Bản thân mình thực sự đã có một trải nghiệm đáng nhớ về việc học tập cũng như thực tập gần như hoàn toàn là trực tuyến vì vậy khi nghe mô tả về dự án của cô Huyền Trang, mình đã hết sức hào hứng và mong muốn được tham gia để góp thêm một tiếng nói, một trải nghiệm chân thật của người trong cuộc. Rất may mắn, mình đã được cô lựa chọn để tham gia vào dự án. Tham gia đề tài này, mình đã học hỏi được rất nhiều từ cô Huyền Trang, về các bước thực hiện một nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học và mình đặc biệt ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp và niềm say mê nghiên cứu khoa học của cô. ”
Nhóm thực hiện đề tài do tiến sỹ Nguyễn Thị Huyền Trang chủ trì đã đưa ra các sản phẩm:
Bài báo khoa học: “Đánh giá của sinh viên ngành sư phạm ngoại ngữ về việc thực hiện các nội dung của bộ hồ sơ thực tập” xuất bản trên Tạp chí Ngôn ngữ, Số 3, 2023
– Tổng quan tình hình thực tập sư phạm trong bối cảnh Đại dịch Covid 19 ở các quốc gia trên thế giới; sản phẩm được xuất bản trên Tạp chí Giáo chức Việt Nam, số 10, 2023
– “Khảo sát tình hình thực tập trực tuyến và những khó khăn của sinh viên ngành sư phạm gặp phải trong bối cảnh đại dịch Covid 19”, sản phẩm được xác nhận đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 9, 2023.
Và báo cáo: “The effectiveness of peer observation for pre-service education at Felte – Ulis” – Sản phẩm được trình bày tại hội thảo Viettesol International Convention 2022 và đăng toàn văn ở Kỷ yếu hội thảo quốc tế Viettesol International Convention 2022: Digital ELT approach and innovation.
Đôi nét về nghiên cứu:
Mô hình học tập kết hợp là phương pháp giảng dạy và học tập kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến thông qua sử dụng các công nghệ số. Mô hình này giúp tận dụng được lợi ích của cả hai phương pháp học tập, từ đó tạo ra môi trường học tập đa dạng, mang lại nhiều hiệu quả cho người dạy – người học. Vì những đặc thù đó, mô hình này đã phát huy được những hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid19 diễn ra, đặc biệt trong kỳ thực tập sư phạm của sinh viên ngành sư phạm tại trường ĐHNN – ĐHQGHN – một giai đoạn luôn được xem là hết sức quan trọng giúp sinh viên có được sự chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động nghề nghiệp trong tương lai. Đề tài đã tiến hành tìm hiểu những đổi mới và thích ứng của hoạt động Thực tập sư phạm của các trường Đại học trên thế giới trong thời điểm Covid19 diễn ra; đồng thời khảo sát những thách thức và cơ hội của hoạt động này đối với sinh viên ngành Sư phạm, khoa Sư phạm tiếng Anh khi thực hiện mô hình học tập kết hợp (blended learning) đặc biệt khi trong thời kỳ Việt Nam đang ở trên đỉnh dịch Covid19. Đề tài cũng đưa ra được những đánh giá về mức độ hiệu quả của hoạt động thực tập đối với sinh viên khoa Sư phạm tiếng Anh dựa trên các tiêu chí của hoạt động thực tập sư phạm trong Bộ hồ sơ sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bên cạnh những bỡ ngỡ và thách thức sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh gặp phải khi bắt đầu bước chân vào kỳ thực tập trực tuyến, các em đã học hỏi và lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm hữu ích để phục cho công tác đứng lớp sau này. Chính vì vậy có thể nói, mô hình học tập kết hợp đã phát huy được vai trò quan trọng trong quá trình thực tập sư phạm của sinh viên nói chung và sinh viên ngành SPTA tại trường ĐHNN – ĐHQGHN góp phần tạo ra môi trường đa dạng và phong phú giúp phát triển các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho người học trở thành giáo viên chất lượng. Một số kiến nghị và đề xuất được đưa ra nhằm giúp khắc phục những khó khăn đó và nâng cao tính hiệu quả của quá trình thực tập này.