Lịch sử Đảng bộ Trường ĐHNN – ĐHQGHN Qua các nhiệm kỳ Đại hội(4) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Lịch sử Đảng bộ Trường ĐHNN – ĐHQGHN Qua các nhiệm kỳ Đại hội(4)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ X (1990 – 1993): Tại Đại hội này, các đại biểu đã dành nhiều thời gian bàn về công tác đào tạo trong thời kỳ đổi mới. Cốt lõi của công tác đào tạo là nâng cao chất lượng để sinh viên tốt nghiệp có thể mau chóng thích ứng với cơ chế thị trường, sẵn sàng phục vụ trong các thành phần kinh tế khác nhau, biết làm việc sáng tạo và năng động. Để thực hiện đổi mới mục tiêu đào tạo, Đại hội đã xác định nhiệm vụ: Đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo theo quy trình mới.

Đại hội cũng đánh giá cao công tác ổn định Nhà trường và thành công rực rỡ trong quá trình dân chủ hoá các hoạt động của Nhà trường, đặc biệt ngày 17/4/1990 Nhà trường lần đầu tiên đã tiến hành bỏ phiếu bầu Hiệu trưởng. Thành công này nói lên sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, sự nhất trí cao của toàn Đảng bộ và toàn trường, tạo ra nguồn phấn khởi mới, niềm tin mới. Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ X chứng tỏ tính khoa học, hiện đại, thể hiện rõ trong phong cách lãnh đạo của Đảng bộ. Nhiều quyết sách của Đại hội như đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở lại Khoa tiếng Trung Quốc, xây dựng các điều kiện phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập, nhất là tăng cường xây dựng đội ngũ, đã có tác dụng quyết định vào tiến trình phát triển của Nhà trường nhiều năm về sau. Mục tiêu chiến lược của Nhà trường được Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ X khẳng định một lần nữa: Trường phấn đấu giữ vững vai trò đầu ngành ngoại ngữ. Những năm đầu của thập kỷ 90, tình hình thế giới có nhiều biến động đã tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên Nhà trường. Đặc biệt, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu dẫn đến việc dạy và học tiếng Nga gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc trao Cờ luân lưu cho Nhà trường,
GS. Nguyễn Đức Chính – Hiệu trưởng Nhà trường đón nhận

Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XI, ngày 08/01/1993

KHÓA X (1990-1993)

Đ/c Vũ Quỳnh – Bí thư

Đ/c Nguyễn Văn Trịnh

Đ/c Dương Đức Niệm – Phó Bí thư

Đ/c Nguyễn Bá Phụ

Đ/c Trương Đông San – Thường vụ

Đ/c Trần Văn Bách

Đ/c Trần Thế Hùng

Đ/c Trần Hữu Lợi

Đ/c Trần Hữu Luyến

 

Đ/c Vũ Quỳnh – Bí thư Đảng ủy Khóa X

Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ XI (1993 – 1996): Đại hội đã phân tích tình hình, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X và đề ra phương hướng phát triển của Đảng bộ trong thời kỳ 1993 – 1995. Đại hội khẳng định: Đảng bộ đã vượt qua mọi khó khăn và thực hiện về cơ bản những nhiệm vụ Đại hội lần Thứ X đề ra. Đảng bộ và Trường đã có nhiều thành công trong việc thực hiện khẩu hiệu hành động “Đoàn kết – Ổn định – Đổi mới”. Đảng bộ thật sự là một tập thể đoàn kết, được quần chúng tin tưởng.

Từ những chuyển biến tích cực, trước yêu cầu và đòi hỏi của tình hình mới, Đại hội lần Thứ XI của Đảng bộ đã đề ra khẩu hiệu hành động: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hiệu quả – Chất lượng”. Để thực hiện được khẩu hiệu hành động nêu trên, Đại hội đã thông qua nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ, trong đó nhấn mạnh: Trong mọi tình huống phải giữ cho được sự ổn định của Trường, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ trung tâm là cải cách đào tạo và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học. Xuất phát từ chính sách đổi mới và mở cửa của Đảng, Đại hội XI đặc biệt nhấn mạnh công tác đối ngoại và chỉ rõ: “Để tăng thêm vị trí của Trường, phải đẩy mạnh công tác đối ngoại. Chính sách mở cửa, liên kết hiện nay đã tạo điều kiện phát triển cho Nhà trường và các đơn vị. Chần chừ, thiếu mạnh dạn trong công tác đối ngoại chính là tự trói, tự hạn chế mình”. Khẩu hiệu hành động của Đảng bộ và các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể do Đại hội XI đề ra thực sự có sức hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên, sinh viên và học sinh phấn đấu đưa Nhà trường vươn lên tầm cao mới. Thời kỳ xây dựng và phát triển Đảng bộ từ Đại hội X (5/1990) đến Đại hội XI (1/1993) và những năm tiếp theo trước khi gia nhập Đại học Quốc gia Hà Nội là thời kỳ ổn định và phát triển khá rực rỡ của Đảng bộ và Nhà trường.

Nhiệm vụ chính trị của Trường có sự thay đổi đáng kể: tháng 8/1990, Khoa tiếng Trung Quốc được mở lại; năm 1993, Trường được Chính phủ cho phép đào tạo nghiên cứu sinh ngành ngoại ngữ. Trường đã có những bước đổi mới toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong đào tạo, NCKH, hợp tác quốc tế, xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm và từng bước nâng cao đời sống của cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh.

Đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ và Nhà trường, năm 1992, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III, ghi nhận những thành tích và đóng góp của Trường trong công tác giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ. Đảng bộ được công nhận là Đảng bộ vững mạnh, Công đoàn Trường được công nhận là đơn vị tiên tiến, Đoàn Trường được tặng cờ đơn vị xuất sắc nhất của Thành đoàn Hà Nội. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn, với hành trang đã được chuẩn bị kỹ càng, Trường vững tin gia nhập Đại học Quốc gia Hà Nội, và từ đây lịch sử Đảng bộ bước sang thời kỳ mới.

KHÓA XI (1993-1996)

Đ/c Dương Đức Niệm – Bí thư

Đ/c Trần Thế Hùng

Đ/c Nguyễn Văn Lợi – Phó Bí thư

Đ/c Hồ Hoàng Biên

Đ/c Nguyễn Đức Chính – Thường vụ

Đ/c Vũ Quỳnh

Đ/c Trần Văn Bách

Đ/c Nguyễn Văn Trịnh

Đ/c Trần Hữu Luyến

Đ/c Trần Hữu Lợi

 

Đ/c Nguyễn Hữu Thọ

Đ/c Dương Đức Niệm – Bí thư Đảng ủy Khóa XI

Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ XII (1996 – 1998): Đại hội đánh giá: 3 năm qua (1993 – 1996) là một thời gian không dài, song cùng với sự phát triển của đất nước và toàn ngành, Đảng bộ đã có những bước tiến mạnh, đạt được những thành tích rất đáng tự hào. Tình hình Đảng bộ ổn định, quần chúng phấn khởi, tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng. Trường đã đa dạng hoá các loại hình đào tạo: bên cạnh hệ đại học, mở thêm hệ cao đẳng; ngoài các thứ tiếng truyền thống, giờ đây có thêm tiếng Đức, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc và tiếng Ả Rập. Bậc đào tạo Sau đại học được củng cố và ngày càng phát triển. Cơ sở vật chất, nhất là phương tiện phục vụ dạy và học ngoại ngữ ngày càng hiện đại. Bộ mặt Nhà trường nhanh chóng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Đại hội đã phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành giáo dục – đào tạo nói chung và ngành ngoại ngữ nói riêng. Trước nhu cầu phát triển của đất nước, Đảng bộ đã đề ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn mới là: “Trường ĐHNN, thành viên của ĐHQGHN cần tiếp tục khẳng định mình, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo cán bộ ngoại ngữ uy tín của cả nước, phục vụ cho công cuộc mở cửa và đổi mới”. Khẩu hiệu hành động của Đảng bộ lúc này là: “Trí tuệ – Kỷ cương – Hiện đại – Chất lượng cao”.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN lần thứ XII, ngày
30/01/1996

Về các biện pháp thực hiện khẩu hiệu hành động, Đại hội chỉ rõ: phải coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, phát huy tinh thần làm chủ của quần chúng, xây dựng đội ngũ cốt cán, tập trung nâng cao chất lượng của các hệ đào tạo hiện có trên cơ sở giữ vững quy mô phát triển về số lượng. Đại hội nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng, đổi mới nội dung sinh hoạt các chi bộ để phát huy vai trò lãnh đạo của các chi bộ đối với từng đơn vị, từng cán bộ, từng đảng viên. Cũng từ nhiệm kỳ này, ngoài sự chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội, Đảng bộ có sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy ĐHQGHN. Đại hội lần Thứ nhất Đảng bộ ĐHQGHN họp tháng 2/1996 đã vạch ra phương hướng hành động chung của toàn Đảng bộ, trong đó có Đảng bộ Trường ĐHNN.

Đoàn Đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN dự Đại hội Đại biểu
Đảng bộ Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ I, tháng 02/1996

Năm 1997, đánh dấu sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của Nhà trường: Trường ĐHNN kỷ niệm 30 năm thành lập với bề dày thành tích và những truyền thống vẻ vang. Nhân dịp này, Nhà trường đón nhận Huân chương Lao động hạng II do Nhà nước trao tặng. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động của Nhà nước và Bằng khen của Chính phủ. Tầm quan trọng của ngoại ngữ trong thời kỳ mở cửa, hội nhập một lần nữa được khẳng định tại lễ kỷ niệm trọng thể này.

Sự có mặt của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển trong dịp này đã trở thành nguồn động viên và khích lệ to lớn đến các thế hệ cán bộ và sinh viên Nhà trường. 

KHÓA XII (1996-1998)

Đ/c Nguyễn Văn Lợi – Bí thư

Đ/c Nguyễn Văn Trịnh

Đ/c Nguyễn Đức Chính – Phó Bí thư

Đ/c Nguyễn Hữu Thọ

Đ/c Nguyễn Hữu Chinh – Thường vụ

Đ/c Trần Văn Bách

Đ/c Trần Thế Hùng

Đ/c Trần Hữu Lợi

Đ/c Nguyễn Hữu Cầu

Đ/c Trần Hữu Luyến

 

Đ/c Nguyễn Phú Cường

Đ/c Nguyễn Văn Lợi – Bí thư Đảng ủy Khóa XII, XIV, XV và XVI (2006-2008)