Lịch sử Đảng bộ Trường ĐHNN – ĐHQGHN Qua các nhiệm kỳ Đại hội(2) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Lịch sử Đảng bộ Trường ĐHNN – ĐHQGHN Qua các nhiệm kỳ Đại hội(2)

Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ IV (1971 – 1975): Đại hội đã quyết định nhiều vấn đề nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực công tác của Đảng bộ để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Trường.

Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, 12-13/3/1971

Nhìn lại kết quả cho thấy, tất cả các Đại hội lần Thứ I, II, III, IV đều khẳng định quyết tâm dù khó khăn đến đâu cũng phải lãnh đạo xây dựng Nhà trường thành đơn vị tiên tiến, xây dựng Đảng bộ thành Đảng bộ “4 tốt”. Nhờ có chủ trương đúng đắn đó, Đảng bộ đã động viên được toàn thể cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên vượt mọi khó khăn, hăng hái quyết tâm công tác và học tập. Do vậy, mặc dù hoàn cảnh sơ tán và phân tán cực kỳ khó khăn, nhưng có thể nói không một ngày nào việc dạy – học bị gián đoạn, không một ngày nào hoạt động của Nhà trường bị ngừng trệ.


Hơn thế nữa, bất chấp bom đạn của kẻ thù, các hoạt động tìm hiểu thực tế phổ thông, thực tập sư phạm không những được duy trì đều đặn mà còn đảm bảo được chất lượng tốt.

Hội nghị cán bộ quán triệt Nghị quyết Trung ương chống chiến tranh của đế quốc Mỹ
phá hoại miền Bắc, năm 1972

Năm 1972 đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp dạy và học ngoại ngữ nói chung và sự phát triển của Trường ĐHSPNNHN nói riêng. Ngày 7/9/1972, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 251/TTg về việc cải tiến và tăng cường công tác dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông. Trong Quyết định này, Thủ tướng chỉ rõ: “Môn ngoại ngữ phải được coi là một môn học phổ thông cơ bản trong hệ thống chương trình học của các trường phổ thông từ cấp II trở lên, những ngoại ngữ được tổ chức dạy và học ở các trường phổ thông là tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc”. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ còn đề ra “Phấn đấu trong một thời gian không xa lắm tổ chức dạy 1 ngoại ngữ ở cấp II, 2 ngoại ngữ ở cấp III (1 chính, 1 phụ)”.


Quyết định số 251/TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Cần ra sức tăng cường Trường ĐHSPNNHN về mọi mặt để Trường có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Đối với Trường ĐHSPNNHN, đây là một quyết định vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn không chỉ cho trước mắt mà còn cho cả tương lai, là nguồn động viên, cổ vũ và đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề đối với toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ và Nhà trường trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh.

Các thế hệ sinh viên Trường vinh dự vào tự hào được đi chiến đấu chống Mỹ xâm lược
vì độc lập tự do của Tổ Quốc (1972)

Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, cán bộ, đảng viên của Nhà trường không ngại khó khăn, không sợ hy sinh gian khổ đã cùng các thế hệ sinh viên thường xuyên “gánh Trường trên vai” đi qua 5 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên). Và giữa bom đạn của giặc Mỹ, với sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ của Đảng và sự nỗ lực và ý thức cao của toàn thể cán bộ nhân viên, Trường đã không bị một tổn thất nào về người và của. Sau khi bị thất bại trong trận
Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972, tháng 1/1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris lập lại hoà bình tại Việt Nam. Trong khí thế tưng bừng chiến thắng của quân và dân ta, Nhà trường từ các nơi sơ tán chuyển về Cầu Giấy – Hà Nội. Đây là lần đầu tiên cả Trường tập trung về một địa điểm thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu cũng như quản lý và lãnh đạo. Thời kỳ này, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ và Nhà trường là nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, học tập, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, củng cố tăng cường Ban lãnh đạo Nhà trường và các đơn vị nhằm đảm bảo công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ IV một
thời gian, trong lúc các hoạt động của Đảng bộ và Nhà trường đang đi dần vào nề nếp thì cũng bắt đầu xuất hiện sự thiếu nhất trí trong lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ và Nhà trường. Bộ Giáo dục và Thành ủy Hà Nội đã tập trung chỉ đạo giúp Trường nhanh chóng ổn định tình hình và đầu năm học 1974 – 1975 đã cử cán bộ về tăng cường cho lãnh đạo Đảng bộ và Nhà trường.

KHÓA IV (1971-1975)

Đ/c Phạm Thị Tỉnh – Bí thư

Đ/c Lê Công Nhữ

Đ/c Nguyễn Hòa Bình

Đ/c Nguyễn Xuân Hồng

Đ/c Trần An

Đ/c Đỗ Thị Tư

Đ/c Lại Cao Nguyện

Đ/c Nguyễn Khoa

Đ/c Lê Học

Đ/c Trần Lanh

Đ/c Phạm Thị Tỉnh – Bí thư Đảng ủy Khóa I,II, III và IV

Đại hội Đảng bộ Đại biểu lần Thứ V (1975 – 1976): Đại hội đã đánh giá đúng những ưu khuyết điểm của Đảng bộ và Nhà trường từ Đại hội IV đến Đại hội V: Đảng bộ đã lãnh đạo toàn Trường hoàn thành được nhiệm vụ đào tạo theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao cho trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, như chiến tranh ác liệt, sơ tán, lụt lội v.v… Bên cạnh đó, Đại hội đã nghiêm khắc chỉ ra rằng: “Sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng bộ đã làm cho sự lãnh đạo của Đảng bộ ta yếu đi rất nhiều”. Sau khi phân tích nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ V đã đề ra phương hướng công tác của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới là: “Quyết tâm xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tư tưởng và tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 23 của Trung ương Đảng, trước hết xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ và Nhà trường nhằm thực hiện tốt chỉ thị 21/CT của Bộ Giáo dục và vươn lên thực hiện Quyết định 251/TTg của Thủ tướng Chính phủ”.

Trong khí thế toàn Đảng bộ và Nhà trường khẩn trương bắt tay vào thực hiện Nghị quyết của Đại hội V, một tin vui lớn đến với cả dân tộc: Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Lịch sử của Đảng bộ bước sang một trang sử mới: Thời kỳ xây dựng Đảng bộ trong hoà bình, đất nước thống nhất. Nhìn lại chặng đường phấn đấu 8 năm của Đảng bộ từ 1967 đến năm 1975, mỗi cán bộ, đảng viên có thể tự hào với những chiến công và thành tích đã đạt được. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, trong những năm chống Mỹ cứu
nước, 27 cán bộ, 572 sinh viên đã hăng hái lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có người đã hy sinh anh dũng, hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, nhiều người được tuyên dương “Dũng sỹ diệt Mỹ” và được tặng thưởng Huân chương, Huy chương và các tặng thưởng cao quý khác. Trong bom đạn ác liệt, các hoạt động giảng dạy và học tập của Nhà trường vẫn được duy trì theo đúng lời dạy của Bác Hồ trong thư gửi ngành giáo dục (15/10/1968) là “Dù khó khăn đến đâu cũng phải quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt” và đã hoàn thành xuất sắc công tác đào tạo cán bộ ngoại ngữ phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Những cống hiến của cán bộ và sinh viên Nhà trường là trang sử vẻ vang trong lịch sử xây dựng và phát triển của Đảng bộ. Những thành tựu, bài học kinh nghiệm xây dựng Đảng bộ trong giai đoạn đầu sau khi thành lập Trường là vô cùng quý giá, tạo những tiền đề quan trọng cho toàn Đảng bộ và Nhà trường bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển trong hoà bình, ổn định và đất nước thống nhất.

KHÓA V (1975-1976)

Đ/c Đinh Khắc Nhĩ – Bí thư

Đ/c Nguyễn Duy Hàm

Đ/c Đào Văn Phú

Đ/c Nguyễn Khoa

Đ/c Hoàng Tích Cảnh

Đ/c Trần Lanh

Đ/c Phạm Đức

Đ/c Phan Thị Tam

Đ/c Nguyễn Xuân Vực

 

Đ/c Đinh Khắc Nhĩ – Bí thư Đảng ủy Khóa IV, V và VI

Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần Thứ VI (1976 – 1978): Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ do Đại hội lần thứ V đã đề ra, đồng thời nêu ra nhiệm vụ tiếp tục ổn định và củng cố khối đoàn kết trong Trường, nhanh chóng đưa Đảng bộ và Nhà trường thoát ra khỏi tình trạng yếu kém. Nghị quyết của Đại hội VI được toàn thể cán bộ, đảng viên, sinh viên sôi nổi hưởng ứng và thực hiện. Bộ mặt Nhà trường dần dần thay đổi. Đảng bộ đã vươn lên trở thành một Đảng bộ khá.

Giáo viên sinh viên Trường tại mặt trận Tây Nguyên 1973
Ảnh: Người thứ 2 bên trái là đ/c Nguyễn Văn Lợi –
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường.

Trong không khí phấn khởi của toàn Đảng bộ và Nhà trường về những thành tích đã đạt được trong 2 năm (1976 – 1977), ngày 29 – 30/11/1978, Đại hội lần Thứ VII của Đảng bộ được triệu tập. Đại hội đánh giá cao những tiến bộ đáng kể của Đảng bộ và Nhà trường trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Đại hội VI đề ra. Nhiều mặt công tác đã đi vào nề nếp và ổn định, có mặt đã được nâng lên về chất lượng. Tuy nhiên, Đại hội cũng đã chỉ rõ kết quả đạt được trong nhiệm kỳ VI chưa thật vững chắc, còn thấp nhiều so với yêu cầu của giai đoạn mới, đặc biệt là chất lượng đào tạo. Trên cơ sở phân tích những yêu cầu cấp bách của ngành giáo dục đòi hỏi đào tạo nhiều giáo viên ngoại ngữ cho các trường phổ thông trong cả nước, Đại hội VII chỉ rõ: Chuyển toàn bộ hoạt động của Nhà trường vào việc đổi mới công tác đào tạo theo yêu cầu của cải cách giáo dục, nâng trình độ đào tạo của Trường cho phù hợp với việc dạy và học ngoại ngữ ở trường phổ thông, đồng thời nhấn mạnh “Đảng phải tập trung sự lãnh đạo của mình sang các nhiệm vụ trọng tâm của Trường như nâng cao chất lượng đào tạo, lãnh đạo công tác NCKH, quan tâm công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng”.

KHÓA VI (1976-1978)

Đ/c Đinh Khắc Nhĩ – Bí thư

Đ/c Nguyễn Khoa

Đ/c Hoàng Tích Cảnh

Đ/c Trần Lanh

Đ/c Đào Văn Phú

Đ/c Vũ Thị Việt

Đ/c Phạm Đức

Đ/c Nguyễn Sơn Hồng

Đ/c Nguyễn Xuân Vực

Đ/c Võ Văn Tám

Đ/c Nguyễn Duy Hàm

Đ/c Nguyễn Thị Tuyến