Lấy ý kiến chuyên gia về định dạng 03 đề thi Đánh giá năng lực tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn bậc 3-5
Ngày 15/10/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về các sản phẩm thuộc nhiệm vụ “Đề án xây dựng các định dạng đề thi quốc gia ĐGNL tiếng Nhật, Hàn, Trung theo KNLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam (bậc 3-5)”.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến các chuyên gia giúp định dạng 03 đề thi Đánh giá năng lực tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn bậc 3-5 được hoàn thiện để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất.
Đến tham dự hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; Lãnh đạo Trung tâm Khảo thí; Ban chủ nhiệm Khoa NN&VH Trung Quốc, Khoa NN&VH Nhật Bản, Khoa NN&VH Hàn Quốc, các chuyên gia và giảng viên quan tâm.
Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết công cụ đo chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ là một chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Dựa trên kinh nghiệm xây dựng thành công từ các bài thi Vstep và một số định dạng đã được nghiên cứu đến nay, Nhà trường đã tiến hành nghiên cứu thiết kế định dạng 03 đề thi Đánh giá năng lực tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn bậc 3-5 theo nhiệm vụ được giao của Bộ GD&ĐT. Các định dạng bài thi xây dựng dựa trên quy trình làm đề thi: lập kế hoạch, thiết kế, thử nghiệm, cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan, xây dựng các đặc tả kỹ thuật. Hiệu trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm xây dựng và kỳ vọng các sản phẩm bám sát quy trình để tạo ra những định dạng đề thi chất lượng.
“Được khởi động từ 4 tháng trước nhưng nhóm xây dựng định dạng 3 đề thi đã đạt được nhiều kết quả. Trong tương lai, xã hội sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ đo năng lực ngoại ngữ quốc tế nhưng những công cụ đo năng lực ngoại ngữ do người Việt làm ra có tham khảo đặc tính địa phương chắc chắn sẽ được xã hội đón nhận”, ông khẳng định.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh đã trình bày tổng quan về việc xây dựng đề thi ĐGNL tiếng Trung, Hàn, Nhật. Tổng quan về quy trình xây dựng đề thi chuẩn hóa tiếng Trung, Nhật, Hàn và mô tả 3 sản phẩm dựa trên khung năng lực điều chỉnh và đặc tả kỹ thuật đề thi đã được TS. Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh chia sẻ cụ thể. Bà khẳng định việc xây dựng đề thi dành riêng cho Việt Nam là cần thiết bởi các yếu tố: phù hợp về văn hóa, phù hợp với bối cảnh sử dụng ngôn ngữ, chi phí hợp lý và các lý do khác (công bằng trong giáo dục ngôn ngữ, tính bền vững trong quản trị giáo dục, nâng cao năng lực trong giảng dạy và khảo thí ngôn ngữ,…). Việc xây dựng 3 định dạng lần này của trường được triển khai trên quan điểm mang cả tính quốc tế (Áp dụng chuẩn năng lực quốc tế CEFR và quy trình xây dựng đề thi theo chuẩn quốc tế của ALTE) lẫn địa phương (Mở rộng các đặc tả của CEFR và bổ sung các đặc điểm của địa phương).
Các bài thi đánh giá theo bậc năng lực từ 3-5 và áp dụng cho thí sinh từ 15 tuổi trở lên, có mục tiêu là đánh giá năng lực tiếng Trung/Nhật/Hàn tổng quát. Nhóm chuyên trách của ULIS (tập hợp chuyên gia từ Trung tâm Khảo thí và 3 khoa đào tạo) được giao triển khai nhiệm vụ do ĐANNQG giao (Quyết định 1286/QĐ-ĐHNN ngày 3/6/2019). Các bước thực hiện cũng được chỉ ra rất cụ thể.
Sau đó, đại diện 3 nhóm xây dựng đề thi đã trình bày báo cáo về việc triển khai và sản phẩm của các đề án: Xây dựng định dạng đề thi quốc gia tiếng Trung theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam (bậc 3-5), Xây dựng định dạng đề thi quốc gia tiếng Nhật theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam (bậc 3-5), Xây dựng định dạng đề thi quốc gia tiếng Hàn theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam (bậc 3-5). Những định dạng đề thi bước đầu cho thấy sự khảo sát tỉ mỉ, quá trình nghiên cứu nỗ lực để cho ra các định dạng đề thi có chất lượng của các nhóm.
Trong phần sau của chương trình, hội thảo đã tiến hành thảo luận về nhiều nội dung cụ thể trong việc xây dựng 3 định dạng bài thi. Các chuyên gia quốc tế (GS. TS. George X. Zhang – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ hiện đại, ĐH Richmond; GS. Choi Jeong Soon – Khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, ĐH Paichai) và chuyên gia trong nước đến từ HV KHQS, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại Thương, ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM, ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã chia sẻ những nhận xét và góp ý quan trọng, mang tính xây dựng về các sản phẩm. Đặc biệt, các chuyên gia đều đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, tính ứng dụng của các đề thi và mong đợi vào sản phẩm cuối cùng.
Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về định dạng 03 đề thi Đánh giá năng lực tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn bậc 3-5 khép lại sau thời gian làm việc hiệu quả và tích cực.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media