Phát biểu của PGS. Ngô Minh Thủy tại Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản (11-10-2019) – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Phát biểu của PGS. Ngô Minh Thủy tại Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản (11-10-2019)

ULIS Media xin được gửi đến quý độc giả toàn văn phát biểu của PGS.TS. Ngô Minh Thủy tại Lễ trao bằng khen của Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản.

Xem thêm: Bộ Ngoại giao Nhật Bản vinh danh cô Ngô Minh Thủy – Người nối nhịp cầu văn hóa, giáo dục Việt – Nhật

Đại sứ quán Nhật Bản đưa tin về lễ trao tặng bằng khen vinh danh cô Ngô Minh Thủy

Tin trên website Đại sứ quán Nhật Bản

Kính thưa
– Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cùng phu nhân;
– Ông Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu quốc hội, Nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ;
– Ông Nguyễn Phú Bình, Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản/ Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản;
– Ông Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.


Kính thưa toàn thể Quý vị
Hôm nay, tôi rất hân hạnh và cảm động khi được phát biểu tại Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản dành cho tôi và Bà Katsu Megumi, do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Lời đầu tiên, tôi xin được gửi lời cảm ơn trân trọng tới Đại sứ Umeda Kunio cùng phu nhân và các cán bộ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã dành cho tôi sự ưu ái này, đã dày công chuẩn bị cho buổi Lễ hôm nay. Xin chân thành cảm ơn các vị khách quý Nhật Bản và Việt Nam, các anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp, người thân đã dành thời gian tới dinh thự của Đại sứ Umeda tối nay để chúc mừng và chia vui cùng tôi và bà Katsu Megumi.


Kính thưa các quý vị.
Được nhận bằng khen của Chính phủ Nhật Bản đối với tôi là một vinh dự lớn lao. Nhưng người Việt Nam có câu ca dao:

“Một cây làm chẳng nên non,
ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Tôi nghĩ rằng nếu chỉ có một mình tôi thì dù cố gắng đến đâu cũng không thể có được những thành quả đáng kể. Trong suốt những tháng năm qua, trong mọi công việc, tôi luôn có những người đồng hành, cùng chia sẻ, cùng thực hiện ý tưởng, kế hoạch. Cũng có những lúc khó khăn, có những lúc rất khó khăn, nhưng nhìn chung thì tôi thấy mình may mắn vì luôn được đồng nghiệp và học trò tin tưởng. Tôi thấy mình may mắn vì được nhiều cơ quan Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ, giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tôi cũng thấy mình may mắn vì được cấp trên tin tưởng mà giao cho thực hiện hoặc chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, tôi thấy mình may mắn khi được làm việc và hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến Nhật Bản – một đất nước có ấn tượng tốt đẹp đối với người dân Việt Nam, trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác Nhật – Việt được nhiều người vun đắp. Như vậy có thể nói rằng những thành quả mà tôi có và được khen ngợi hôm nay, bên cạnh một chút cố gắng và nỗ lực của bản thân thì là còn do may mắn.


Tôi luôn cho rằng bất cứ sự nghiệp nào, vai trò của người đứng đầu, người đứng mũi chịu sào là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả điều đó chính là sự đồng lòng hợp sức của những người liên quan. Những thành tích trong giáo dục tiếng Nhật, trong thúc đẩy du học Nhật Bản và trong hợp tác Việt – Nhật mà Đại sứ Umeda Kunio vừa nêu cũng chính là thành tích chung của chúng ta. Bởi vậy, tôi đã rất hào hứng khi được mời đại diện các cơ quan đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi và các cộng sự trong những năm qua, khi được mời các bậc tiền bối, các đồng nghiệp của tôi đến chung vui trong sự kiện hôm nay. Tôi nghĩ rằng, sự ghi nhận của chính phủ Nhật Bản đối với các thành quả đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi, và đó là sự ghi nhận dành cho tất cả những người liên quan.


Trong khán phòng này có rất nhiều người tôi mang ơn; có sự tham dự của các vị đại diện cho các cơ quan như Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản Japan Foundation, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Công ty Mitsui Bussan Việt Nam, Công ty Toshiba, Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật Bản JASSO, hãng Hàng không Nhật Bản ANA và nhiều đơn vị khác – đều là những cơ quan thân thiết, gắn bó và luôn hỗ trợ các hoạt động mà tôi cùng với các đồng nghiệp thực hiện; có đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo – nơi chủ trì các chương trình/ đề án phát triển tiếng Nhật phổ thông, có lãnh đạo ĐHQGHN và đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN- cơ quan chủ quản đã luôn tạo điều kiện cho tôi tham gia các hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội, có anh Nghiêm Vũ Khải là một trong những vị tiền bối có sáng kiến thành lập CLB cựu lưu học sinh VN tại Nhật Bản để chúng tôi có thể tiếp nối hoạt động bây giờ, và anh cũng là chủ tịch đầu tiên của CLB; có lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản là cơ quan chủ quản của CLB Cựu LHSVN tại Nhật Bản. Hôm nay cũng có sự tham gia của các đồng nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng viết sách giáo khoa tiếng Nhật với tôi, có các chuyên gia đã tham gia trong hội đồng thẩm định sách, có lúc tranh luận đến nảy lửa về chuyên môn nhưng đều đồng lòng muốn đưa giáo dục tiếng Nhật ở Việt Nam phát triển, có các đồng nghiệp ở Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, và anh chị em trong BCH Câu lạc bộ CLHSVN tại Nhật Bản. Nhân sự kiện hôm nay, tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, đồng hành của tất cả các quý vị, anh chị em, bạn bè, đồng nghiệp. Đặc biệt, tôi muốn dành sự cảm ơn sâu sắc tới các vị Đại sứ Nhật Bản các thời kỳ nói chung và Đại sứ Umeda Kunio nói riêng vì đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động giáo dục tiếng Nhật và hoạt động của CLB cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Hôm nay, các thành viên trong gia đình tôi chỉ có 1 chị gái đại diện, nhưng tôi cũng muốn cảm ơn các thành viên trong gia đình mình – một gia đình có tình cảm sâu nặng với Nhật Bản. Đặc biệt xin cảm ơn đồng chí phu quân hôm nay không có mặt tại đây vì đi công tác, đã luôn ủng hộ, thông cảm và chia sẻ khi tôi bận bịu với các công việc chung, nhất là chưa từng bao giờ bực bội với tiếng lách cách của bàn phím máy tính khi tôi lọ mọ làm việc vào đêm muộn.


Cái duyên của tôi với nước Nhật bắt đầu vào năm 1990, khi tôi học khóa đào tạo nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Nga tại Maxtcova. Khi đó có một đoàn hơn 20 sinh viên Nhật Bản cũng sang học tiếng Nga tại đó, và tôi đã có những người bạn Nhật thân thiết, thân đến tận bây giờ. Đó là những người Nhật đầu tiên tôi biết. Lúc đó chúng tôi không hề nghĩ rằng có một ngày tôi sẽ trở thành người gắn bó với tiếng Nhật và đất nước Nhật Bản. Thế rồi năm 1996, được sự phân công của Nhà trường, tôi đã dự thi kỳ thi do ĐSQ Nhật Bản tổ chức, được lựa chọn, nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản để sang Nhật học tiếng Nhật và nghiên cứu. Xin cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam đã có chương trình học bổng như thế, để tôi có cơ hội được cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục tiếng Nhật và các hoạt động giao lưu Việt Nhật. Trong xu hướng phát triển ngày càng tốt đẹp của quan hệ Việt Nhật, giáo dục tiếng Nhật tại Việt Nam sẽ còn rất nhiều cơ hội và nhu cầu phát triển, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường đội ngũ giáo viên mà đang còn rất thiếu. Số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản vẫn đang ngày càng tăng là điều rất tốt đẹp đối với hai nước, nhưng cũng kéo theo những vấn đề cần giải quyết, trong đó vai trò của CLB cựu lưu học sinh VN Tại Nhật Bản rất quan trọng. Tôi và các đồng nghiệp của mình dù ở cương vị nào vẫn nguyện luôn bền bỉ, thủy chung với sự nghiệp mình đã chọn và cố gắng đóng góp cho sự phát triển của hai nước. Rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các quý vị.

Cuối cùng, xin kính chúc các quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Umeda Kunio cùng phu nhân và các cán bộ ĐSQ Nhật Bản tại VN đã tổ chức Buổi Lễ ngày hôm nay, và xin cảm ơn tất cả các quý vị về sự có mặt tại sự kiện này.