Hội nghị Triển khai đề án Đổi mới hoạt động đào tạo sau Đại học
Ngày 02/12/2023, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai đề án Đổi mới hoạt động đào tạo sau Đại học giai đoạn 2023-2028.
Tham dự hội nghị có TS. Đỗ Tuấn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng; TS. Hoa Ngọc Sơn – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo và cán bộ Khoa Sau Đại học; đại diện lãnh đạo các đơn vị: P. ĐT, P. NCKH, P. KHTC, các khoa có chương trình đào tạo Sau Đại học; toàn thể học viên và nghiên cứu sinh.
Trong phần phát biểu khai mạc, Bí thư Đảng ủy/Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh cho biết trong suốt thời gian qua, Trường Đại học Ngoại ngữ vẫn là một địa chỉ tin cậy cho những thí sinh quan tâm đến việc học sau đại học ở các ngành ngôn ngữ. Với sự thay đổi của xã hội và tình hình cạnh tranh ngày một cao, Nhà trường cũng đã có nhiều phương pháp nhằm thích ứng, trong đó đáng chú ý là phải nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kiến thức/phương pháp giảng dạy mới nhất, và hợp tác với các trường đối tác trong và ngoài nước. Đề án Đổi mới hoạt động đào tạo bậc sau Đại học tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN giai đoạn 2023-2028 ra đời trong bối cảnh đó. Đây là một đề án quan trọng, với mục tiêu tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, hỗ trợ người học đạt được những năng lực và phẩm chất cần thiết thông qua các trải nghiệm học tập, rèn luyện và nghiên cứu ở bậc sau đại học tại trường. Với sự nỗ lực từ phía Nhà trường, TS. Đỗ Tuấn Minh cũng hy vọng các học viên cao học, nghiên cứu sinh sẽ ủng hộ và phối hợp triển khai hiệu quả Đề án này.
Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Thị Mai Hương, Giảng viên cao cấp Khoa Sau đại học, đã giới thiệu các nét chính trong Đề án Đổi mới hoạt động đào tạo sau Đại học tại trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN, giai đoạn 2023-2028. (ĐỌC CỤ THỂ TẠI ĐÂY).
Theo đó, Đề án có 9 nhiệm vụ chính là:
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyển sinh
- Rà soát, điều chỉnh, đổi mới nội dung chương trình đào tạo
- Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá
- Nâng cao mức độ chuyển đổi số trong tổ chức đào tạo và quản lý người học
- Tăng cường trải nghiệm thực tế cho cán bộ giảng dạy sau đại học
- Nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế
- Tăng cường hợp tác phát triển với các đối tác uy tín trong và ngoài nước
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hỗ trợ người học trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu
Nhằm giúp đỡ các học viên hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo và đề án đổi mới này, cô cũng nêu ra những khung năng lực phẩm chất; hồ sơ năng lực và phẩm chất quan trọng, thiết yếu đối với các học viên. Báo cáo viên đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia và đóng góp của các giảng viên và học viên trong quá trình học tập và trải nghiệm.
Sau phần giới thiệu chung về Đề án, TS. Huỳnh Anh Tuấn – Trưởng khoa Sau Đại học đã chia sẻ về các hoạt động tiếp theo sẽ được triển khai.
Trong năm học 2023-2024, Khoa Sau đại học sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động xây dựng và hoàn thiện năng lực, phẩm chất người học, bao gồm:
- Các hoạt động đào tạo, như trợ giảng, trực tiếp giảng dạy, và hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho các học viên tiến sĩ, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, và kỹ năng nghiên cứu.
- Các hoạt động nghiên cứu khoa học, như công bố NCKH, tham gia đề tài NCKH, và viết sách, nhằm tạo ra các sản phẩm khoa học có giá trị, đóng góp cho sự phát triển của ngành ngôn ngữ, và nâng cao uy tín của trường.
- Các hoạt động phục vụ cộng đồng, như thiện nguyện, thu thập số liệu, khảo sát, tổ chức workshop, tọa đàm, tham gia hoạt động kết nối cộng đồng, và tham gia hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực sư phạm của giáo viên các trường THPT, nhằm phản ánh và giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến ngôn ngữ, và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ngôn ngữ…
Thầy cũng giới thiệu các hoạt động hỗ trợ cho các hoạt động trên, bao gồm:
- Triển khai giảng dạy các học phần đổi mới trong đề án nhằm hiện thực hóa triết lí, tư tưởng, và mục tiêu của việc đổi mới học phần trong đề án.
- Xây dựng và triển khai mô hình cá thể hóa dạy-học trực tuyến trong đội ngũ cán bộ giảng dạy, nhằm tạo điều kiện cho các học viên tiến sĩ có thể học tập theo nhu cầu, sở thích, và khả năng của bản thân, cũng như tận dụng các nguồn tài nguyên học tập trực tuyến phong phú và đa dạng.
- Nâng cao mức độ chuyển đổi số trong tổ chức đào tạo và quản lý người học, nhằm tăng cường hiệu quả, minh bạch, và tiện lợi của các hoạt động đào tạo và quản lý, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí, và nguồn lực.
- Tạo cơ chế khuyến khích và hỗ trợ giảng viên sử dụng bài giảng trực tuyến cũng như các ứng dụng CNTT khác trong giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy-học, cũng như tạo ra các sản phẩm giảng dạy có thể chia sẻ và tái sử dụng.
- Số hóa hoạt động đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy-học, cũng như tạo ra các cơ sở dữ liệu và kho dữ liệu khoa học có giá trị.
TS. Huỳnh Anh Tuấn kết thúc phần giới thiệu bằng cách kêu gọi các giảng viên và học viên tiến sĩ tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động của Đề án, nhằm đóng góp cho sự phát triển của trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN nói riêng và ngành ngôn ngữ nói chung.
Tiếp nối buổi hội thảo, TS. Đào Thị Diệu Linh – Trưởng Bộ môn Tâm lý-Giáo dục và TS. Nguyễn Thu Lệ Hằng – Trưởng bộ môn Giáo dục khai phóng Khoa SPTA đã giới thiệu những điểm ưu việt của 4 học phần mới trong các chương trình đào tạo bậc sau đại học: (i) Phát triển nghề nghiệp và Đạo đức nhà giáo; (ii) Thiết kế cuộc đời; (iii) Giáo dục cách tân và (iv) Trí tuệ cảm xúc và Giao tiếp xã hội tới người học và các giảng viên tiềm năng của các học phần.
Hai giảng viên cũng đã trả lời các câu hỏi và thắc mắc của các học viên tiến sĩ về các học phần mới, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm và khó khăn trong quá trình giảng dạy và học tập.
Cuối cùng, buổi hội thảo đã chuyển sang phần trao đổi, thảo luận về việc tập hợp và bồi dưỡng xây dựng đội ngũ giảng viên cho các học phần mới trong các chương trình đào tạo bậc sau đại học. Các đại biểu tham gia đã có những ý kiến đóng góp và góp ý về các nội dung của đề án cũng như chương trình giảng dạy.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, PGS.TS. Hà Lê Kim Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của Đề án Đổi mới hoạt động đào tạo sau Đại học tại Trường, đồng thời kêu gọi sự nỗ lực, sáng tạo và hợp tác của toàn thể cán bộ, giảng viên và người học trong việc thực hiện Đề án. Phó Hiệu trưởng hy vọng rằng với Đề án này, Trường ĐHNN-ĐHQGHN sẽ tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển ngôn ngữ, văn hóa và quốc tế học hàng đầu của Việt Nam.
Sau thời gian làm việc tích cực, Hội nghị khép lại với kỳ vọng Đề án sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu về ngôn ngữ tại Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN.
Một số hình ảnh khác: