Hội nghị cấp quốc gia “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hội nghị cấp quốc gia “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới”

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh áp dụng từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, đến trung học phổ thông.

Năm 2017, Đề án đã giao nhiệm vụ cho Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN thực hiện chuẩn bị bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên cấp tiểu học, THCS và THPT sử dụng bộ SGK tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới (kết hợp trực tiếp và trực tuyến). Qua một thời gian triển khai nghiên cứu bộ SGK tiếng Anh mới và xây dựng chương trình bồi dưỡng, ngày 25/08/2017, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức Hội nghị cấp quốc gia “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới (kết hợp trực tiếp và trực tuyến)” nhằm thông báo, báo cáo và trưng bày bộ sản phẩm này tới đông đảo các thầy cô giáo và các đại biểu quan tâm trong cả nước.

2017-08-26_20-12-02

Hội nghị có sự tham gia của gần 250 đại diện đến từ Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020; Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN; các Vụ và Sở giáo dục và Đào tạo; các cán bộ quản lý và giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT và các đại biểu từ 25 tỉnh và thành phố trong cả nước quan tâm tới bộ SGK tiếng Anh mới.

Phát biểu trong buổi lễ, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết bộ SGK tiếng Anh mới và bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên là thành quả, công sức phát triển của nhóm tác giả rất tài năng. Bộ sách và bộ tài liệu chắc chắn sẽ đạt được nhiều thành công khi được áp dụng trên thực tế.

2017-08-26_20-12-13

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh phát biểu khai mạc hội nghị

Ông Nguyễn Tô Chung – Phó Trưởng Ban Quản lý Đề án NNQG 2020 cũng đánh giá cao tâm huyết, tài năng mà các tác giả gửi gắm trong bộ SGK tiếng Anh mới và bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên. Ông hy vọng hội nghị sẽ thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp để giúp hoàn thiện hai ấn phẩm quan trọng này.

Trong phần báo cáo tổng thuật, GS. TS. Hoàng Văn Vân – Tổng chủ biên bộ SGK tiếng Anh mới và TS. Vũ Hải Hà – Chủ biên bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên đã thay mặt nhóm tác giả trình bày khái quát về hai bộ sách và tài liệu này. Theo đó, với tổng thời lượng 400 giờ cho mỗi cấp, toàn bộ chương trình được triển khai theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới, ở đó các học viên sẽ được thụ  hưởng sự kết hợp của 3 hình thức đào tạo: trực tiếp, trực tuyến và thông qua thực hành/ thực địa.

Dù ở hình thức nào, các hoạt động đều nhấn mạnh quá trình học qua thực hành, trải nghiệm và các mối tương tác trong cộng đồng học tập nhằm qua đó mang lại những kiến thức và kỹ năng phổ dụng để học viên có thể áp dụng ngay trong công việc và duy trì được bầu không khí vui tươi, cởi mở, thân thiện của một chương trình bồi dưỡng giáo viên hiện đại.

2017-08-26_20-12-30 2017-08-26_20-12-40

Phần trình bày báo cáo về bộ sách/bộ tài liệu của GS. TS. Hoàng Văn Vân và TS. Vũ Hải Hà

Hội nghị cũng đã nghe hơn 20 báo cáo, bài tham luận, đồng thời diễn ra các lớp học thử và lớp học mô phỏng được trình bày trong các phiên song song theo 03 nội dung/hình thức (tự chọn) khác nhau như: Giới thiệu các nội dung, đường hướng và phương pháp áp dụng trong cuốn tài liệu và khóa bồi dưỡng giáo viên sử dụng bộ SGK tiếng Anh mới; Các bài giảng mẫu trong khóa bồi dưỡng để các Sở GD&ĐT, các giáo viên có thể tham khảo cho quá trình quản lý, giảng dạy và bồi dưỡng của mình; Các bài giảng mẫu một số nội dung trong sách giáo khoa tiếng Anh mới; Các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới công tác bồi dưỡng giáo viên tại Việt Nam.

2017-08-26_20-12-48 2017-08-26_20-12-56 2017-08-26_20-13-05 2017-08-26_20-13-15

Sau thời gian làm việc sôi nổi, Hội nghị cấp quốc gia “Giới thiệu bộ tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK tiếng Anh mới theo mô hình bồi dưỡng tiếng Anh mới” đã kết thúc tốt đẹp. Kết quả khảo sát, điều tra tại tất cả các tiểu ban cho thấy 96% người được hỏi ấn tượng với nội dung của hội nghị, và 91% đại biểu hài lòng với hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp phương thức trình bày truyền thống với phương thức trình bày hiện đại (bằng thực nghiệm, trải nghiệm). Hàng trăm lượt đăng ký bồi dưỡng đã được ghi nhận ở các tiểu ban. Tất cả những kết quả khả quan đó đã hứa hẹn những thành công khi áp dụng bộ tài liệu bồi dưỡng trong thực tế.

ULIS Media