Tìm hiểu về hoạt động đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN trong thời gian dịch Covid-19
Từ đầu tháng 2, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều hoạt động chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch Covid-19. Ngoài việc hỗ trợ công tác phiên dịch cho ngành Y tế, Nhà trường cũng tự thực hiện rất nhiều biện pháp phòng chống dịch trong trường học. Đồng thời, để đảm bảo kế hoạch đào tạo của năm học 2019-2020, Nhà trường đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện hình thức dạy – học trực tuyến.
Những tiết học trực tuyến đã không trở thành rào cản lớn trong hành trình truyền đạt – tiếp thu kiến thức với các ULIS-er
Tích cực tổ chức đào tạo trực tuyến
Ngay từ những ngày đầu tiên khi nhận được thông báo tạm dừng các hoạt động đào tạo trực tuyến để phòng chống dịch Covid, Nhà trường đã chủ động tìm hiểu và đưa ra các giải pháp như ghi hình livestream bài giảng với các môn chung, mua các tài khoản ứng dụng Zoom, đăng ký gói Office 365 dùng cho giáo dục để hỗ trợ giảng viên tổ chức giảng dạy trực tuyến, tổ chức các hội thảo hướng dẫn sử dụng các ứng dụng giảng dạy trực tuyến để hỗ trợ giảng viên làm quen và tiến tới làm chủ các ứng dụng này. Quan điểm của Nhà trường là không để công tác giảng dạy bị gián đoạn, hỗ trợ tối đa cho thầy và trò trong giai đoạn nghỉ phòng chống dịch.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những lớp học trực tuyến đã bắt đầu với 2 phương pháp chính: Livestream (Ghi hình tại trường quay và phát trực tiếp trên Fanpage) và sử dụng các phần mềm trực tuyến kết hợp (như Zoom, Teams, Google classroom, Facebook group,…). Trong bối cảnh các lớp học trực tiếp tạm nghỉ, hình thức dạy học này được áp dụng để đào tạo từ bậc THCS, THPT, đại học đến sau đại học.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, người học không chỉ được nghe giáo viên giảng bài mà còn có thể tương tác đặt/trả lời câu hỏi, xem video/powerpoint. Bên cạnh những tiết học trực tuyến, người học cũng được tăng cường nâng cao kiến thức qua các bài tập cá nhân/bài tập nhóm mà giáo viên giao kèm.
Theo thống kê, từ 2/3 đến 15/3 đã có 1.397 bài giảng online ở bậc đại học chính quy, 79 bài giảng cho các CTĐT thứ hai (bằng kép). Tất cả 716 học phần đều được đào tạo theo hình thức trực tuyến. Về livestream, tính đến nay đã có 82 bài giảng được ghi hình (15 clip cho học sinh THCS, 27 clip cho học sinh THPT, 35 clip cho sinh viên, 5 clip cho học viên cao học và nghiên cứu sinh). Toàn bộ video clip trên được phát trên kênh Youtube của trường. Nhà trường đã tiến hành mua 40 tài khoản Zoom (1 tài khoản chứa 500 người tham gia, 19 tài khoản chứa 300, 20 tài khoản chứa 100) và hơn 4.000 tài khoản Teams đã được đăng ký để phục vụ công tác dạy học trực tuyến.
Sinh viên ULIS tham gia một tiết học trực tuyến
Không chỉ có các chương trình chính khóa, Nhà trường cũng đã áp dụng phương pháp học trực tuyến cho khóa Nghiệp vụ sư phạm ngoại ngữ cho sinh viên các ngành Ngôn ngữ nước ngoài với hơn 500 sinh viên tham dự trên nền tảng Office 365 và chương trình ôn tập THPT quốc gia 5 môn cho các em học sinh THPT (15 clip) cũng như nhiều bài giảng điện tử chuyên biệt khác.
Nhà trường cũng quyết định tổ chức các hoạt động sinh viên nộp khóa luận và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp theo hình thức trực tuyến. Hình thức kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ trong học kỳ II năm học 2019 – 2020 cũng do đơn vị phụ trách quyết định phù hợp với tình hình dạy – học cho từng học phần. Hệ thống thi trắc nghiệm trực tuyến sẽ được áp dụng hiệu quả trong đợt thi tới.
Hiện tại, Nhà trường đã lên 2 phương án tổ chức thi kết thúc các học phần, bao gồm: Kế hoạch A: Tổ chức thi trực tiếp (áp dụng trong trường hợp đến ngày 15/5/2020 sinh viên được phép đi học tại trường) và Kế hoạch B: Tổ chức thi trực tuyến (áp dụng trong trường hợp đến ngày 15/5/2020 sinh viên chưa được phép đi học tại Trường). Đặc biệt, với kế hoạch B, Nhà trường sẽ sắp xếp 4 ca trong một ngày và sinh viên tham gia thi trên nền tảng Zoom.
Phản hồi của người học
Công tác đào tạo trực tuyến của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người học. Em Nguyễn Thúy Nga (Ngành Ngôn ngữ Anh) nhận thấy cách học này có ưu điểm là thuận tiện, dễ dàng, linh hoạt. Hình thức học mới lạ phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 khiến sinh viên rất thích thú. Em Nguyễn Thanh Hằng, sinh viên năm nhất ngành CLC Ngôn ngữ Anh cũng rất thích hình thức học trực tuyến bởi tính năng động của nó. Học qua livestream giúp em tiết kiệm được thời gian mà vẫn đảm bảo thu nhận đủ kiến thức. Hai em đều đánh giá vấn đề công nghệ ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình học trực tuyến.
Em Ngô Quỳnh Chi, Sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Ả Rập nhận xét việc học trực tuyến khá phù hợp với tình hình dịch đang diễn ra phức tạp. Về chất lượng đào tạo em thấy đảm bảo được khoảng 90% so với giảng dạy trực tiếp (10% do sự cố mạng, phần mềm,…). Việc học trực tuyến sẽ hướng sinh viên chủ động tìm hiểu và nghiên cứu bài. Tuy nhiên, Chi cũng bày tỏ lo lắng đến việc học trực tuyến có thể ảnh hưởng đến kỳ thi cuối kỳ.
Em Đinh Ngọc Minh Anh, học sinh lớp 12T Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ nhận xét học trực tuyến là hình thức học khá hiệu quả. Các giờ học có rõ nét, nội dung bổ ích khiến học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Em đặc biệt đánh giá cao việc có thêm video clip và hiệu ứng đã làm tiết học thú vị hơn so với bình thường.
Dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng đào tạo
Hiểu rằng giảng dạy trực tuyến có những ưu điểm so với hình thức học trên lớp, tuy nhiên việc đảm bảo chất lượng đào tạo cũng là việc làm được Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN hết sức quan tâm.
Chương trình dạy – học trực tuyến dành cho học sinh lớp 6 Trường THCS Ngoại ngữ được phụ huynh học sinh đánh giá cao
Về vấn đề này, Trưởng phòng Đào tạo PGS. TS. Hà Lê Kim Anh cho biết: “Việc giảng dạy trực tuyến được giảng viên và sinh viên ULIS bắt nhịp nhanh chóng, tính đến nay, 100% các môn học trong TKB học kỳ 2 đã được triển khai giảng dạy trực tuyến, đảm bảo tiến độ đến 10/5/2020 kết thúc tổ chức giảng dạy học kỳ 2. Việc dạy học trực tuyến đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nhận được phản hồi tích cực từ giảng viên và sinh viên. Trong tháng 3 Nhà trường đã tiến hành lấy ý kiến phản hồi của giảng viên và sinh viên về công tác dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, Nhà trường đang tiến hành các công tác chuẩn bị để tổ chức thi hết học kỳ 2 theo hình thức trực tuyến.
Có được kết quả bước đầu như vậy là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám hiệu, sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị trong Trường như Phòng Đào tạo, TT CNTT-TT&HL, các khoa đào tạo, đặc biệt là sự thích ứng nhanh chóng của giảng viên và sinh viên. Nhiều giảng viên rất sáng tạo trong việc sử dụng các ứng dụng khác nhau như Kahoot, Padlet, Quiz, Google Forms để thiết kế các hoạt động tổ chức giờ học trực tuyến sao cho hiệu quả, tạo được hứng thú cho người học.”
ThS. Nguyễn Ninh Bắc – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng chia sẻ thêm như sau: “Nhà trường đã tiến hành lấy phản hồi người học và giáo viên về việc dạy và học trực tuyến ở tất cả các hệ đào tạo khác nhau, trong đó có cả Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học, Đại học, Sau đại học, Liên kết quốc tế. Kết quả cho thấy đa số đối tượng khảo sát tương đối hài lòng với công việc dạy và học trực tuyến. Các nỗ lực của Nhà trường cũng được đánh giá cao trong khâu hỗ trợ giáo viên và người học. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho thấy những vấn đề như trục trặc kỹ thuật, đường truyền, thời gian dạy và học, sự thống nhất về các nền tảng dạy và học.”
Dù vậy, Nhà trường vẫn thấu hiểu rõ những khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến. Do đó, “GIẢM TẢI – GIẢM YÊU CẦU – GIẢM KỲ VỌNG” cũng là thông điệp của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh gửi tới các thầy cô trong trường.
Một trang “tâm thư” của Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh gửi các thầy cô giáo về việc giảm tải, giảm yêu cầu, giảm kỳ vọng với sinh viên
Tăng cường CNTT trong quản trị đại học để hỗ trợ dạy học trực tuyến
Bên cạnh công tác đào tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị đại học cũng là việc làm được Nhà trường tích cực triển khai trong thời gian này. Ngày 10/3/2020, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-ĐHNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban thư ký Ứng dụng CNTT trong quản trị đại học và tổ chức đào tạo tại Trường ĐHNN-ĐHQGHN. Rất nhiều công việc đã được triển khai sau đó như: Thỏa thuận với Microsoft Việt Nam để cấp tài khoản sử dụng Office 365 cho cán bộ, giảng viên và người học toàn trường; Tổ chức thành công hội thảo trực tuyến giới thiệu về Office 365 với sự tham gia của 240 cán bộ; Tập huấn sử dụng Microsoft Teams cho đội ngũ lãnh đạo và cán bộ văn phòng, và cán bộ giảng dạy.
Những hoạt động trực tuyến trở thành việc làm thường xuyên với từng đơn vị. Các cuộc họp giao ban tuần, giao ban tháng; các cuộc họp trao đổi công việc trên lịch tuần đã được áp dụng theo hình thức trực tuyến 100%; Tọa đàm “Các giải pháp kiểm tra đánh giá trực tuyến” tại Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN với hơn 250 đại biểu tham dự; Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường và khoa/bộ môn, Hội nghị đánh giá nội dung thực hiện năm thứ nhất Dự án Xây dựng Đại học trọng điểm về Hàn Quốc học tại Việt Nam, các tọa đàm bồi dưỡng chuyên môn là những ví dụ về việc tăng cường ứng dụng CNTT và ưu tiên hình thức trực tuyến trong quản trị đại học của Nhà trường trong thời gian này.
Tọa đàm giới thiệu về các giải pháp kiểm tra đánh giá trực tuyến để chuẩn bị “tâm thế”, kỹ năng cho các thầy cô về các hình thức kiểm tra đánh giá cuối kỳ có thể triển khai
Đóng góp vào công cuộc phát triển giáo dục ngoại ngữ của đất nước
Là một trong những trường có vai trò quan trọng tham gia vào Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN luôn nỗ lực tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, bảo đảm chất lượng giáo dục. Hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá ngoại ngữ trực tuyến, xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến, bồi dưỡng giáo viên các địa phương theo hình thức trực tuyến, ứng dụng phần mềm quản lý sinh viên trực tuyến,… đã được triển khai trong nhiều năm qua.
Hệ thống đào tạo E-learning, Trường quay của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã và đang cho thấy những hiệu quả rõ ràng. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tăng cường đưa các hệ thống này vào ứng dụng trong thực tế nhằm bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ cho giáo viên và sinh viên nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều công việc khác đang được đẩy mạnh thực hiện như: chuẩn hóa giáo trình điện tử, xây dựng nhiều môn học trực tuyến, giới thiệu các ứng dụng dạy và học trực tuyến hiệu quả, khuyến khích giảng viên dạy trực tuyến,…
Ngày 24/4/2020, Hội thảo khoa học quốc gia 2020: “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN chủ trì phối hợp với ĐH Ngoại ngữ – ĐH Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế đã được tổ chức. Đây là hội thảo khoa học quốc gia chuyên ngành về ngoại ngữ trực tuyến đầu tiên và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với hơn 710 đại biểu trong nước và quốc tế (gần 200 đại biểu ngoài trường) quan tâm. Hội thảo là minh chứng cho sự nhanh nhạy trong công tác phòng chống dịch, đề cao ứng dụng CNTT của 3 trường đại học.
Hội thảo khoa học quốc gia 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã để lại ấn tượng rất đặc biệt, dù có dịch nhưng vẫn không ngừng nghiên cứu và giảng dạy
Là một trong các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN và là một trong 03 trường đại học chuyên về ngoại ngữ của cả nước, với triết lý phát triển “Cùng nhau kiến tạo cơ hội”, và sứ mạng “đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội theo chuẩn quốc tế”, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN coi việc phát triển ứng dụng CNTT trong đào tạo ngoại ngữ, khai thác hình thức dạy học trực tuyến là việc làm cần thiết và tối quan trọng. Chỉ có như vậy, Nhà trường mới có thể sản sinh ra các thế hệ giáo viên, cử nhân tài năng, đóng góp lớn vào công cuộc hội nhập, quốc tế hóa, phát triển của đất nước.
Phụ lục: Danh sách các bài giảng điện tử và thông tin liên quan
1.Tin bài đăng trên website trường:
- http://ulis.vnu.edu.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-thoi-covid-19-tai-ulis/
- http://ulis.vnu.edu.vn/day-va-hoc-truc-tuyen-dung-ngai-thay-doi/
- http://ulis.vnu.edu.vn/nhung-mon-hoc-khong-bi-tac-dong-boi-covid-19-tai-ulis/
- http://ulis.vnu.edu.vn/hoc-truc-tuyen-e-learning-tai-ulis-thoi-ncov/
- http://ulis.vnu.edu.vn/sinh-vien-ulis-lam-gi-khi-o-nha-vi-dich-covid-19/
- http://ums.vnu.edu.vn/mua-dich-umser-lam-gi/
- http://ulis.vnu.edu.vn/hieu-truong-gui-tam-thu-de-giang-vien-giam-tai-giam-yeu-cau-giam-ky-vong-voi-sinh-vien/
2.Tin bài trên báo chí:
- https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/dung-ngai-thay-doi-1634833.tpo?
- http://ulis.vnu.edu.vn/video-cong-tac-day-hoc-truc-tuyen-cua-ulis-len-song-truyen-hinh/
- https://svvn.tienphong.vn/svvn-giao-duc/hieu-truong-gui-tam-thu-de-giang-vien-giam-tai-giam-yeu-cau-giam-ky-vong-voi-sinh-vien-1639988.tpo
- http://toquoc.vn/hieu-truong-viet-tam-thu-khi-thay-giao-vien-vat-va-tro-ue-oai-hoc-online-giam-tai-giam-yeu-cau-giam-ky-vong-22020114154349189.htm
- http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/hieu-truong-dh-ngoai-ngu-viet-tam-thu-luc-2h-sang-de-vuot-qua-dai-dich-nay-thay-co-hay-giam-tai-giam-yeu-cau-giam-hy-vong-o-sv.html
- https://vnexpress.net/hieu-truong-viet-thu-mong-giam-tai-cho-sinh-vien-4083341.html
3.Các bài giảng trực tuyến lưu trữ trên Youtube:
Playlist các môn tổng hợp: 82 clip
https://www.youtube.com/playlist?list=PLocBNmJx5nHxefdKI8p9djCs89LdD7uvJ
- a)Cho học sinh THCS: 15 clip
- b)Cho học sinh THPT: 27 clip
- c)Cho sinh viên: 35 clip
- d)Cho học viên cao học và nghiên cứu sinh: 5 clip
4.Khác
- – Giới thiệu và hướng dẫn cách khai thác nguồn học liệu VNU-LIC
- – Hướng dẫn Zoom: clip lưu trữ trên Youtube: 13 clip
- – Playlist về chương trình bồi dưỡng kiến thức cho học sinh thi THPT Quốc gia 2020: 15 clip
- – Playlist về các hội thảo được thực hiện trực tuyến: 38 clip
ULIS Media