Những môn học không bị tác động bởi Covid-19 tại ULIS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Những môn học không bị tác động bởi Covid-19 tại ULIS

Trong khi không ít môn học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do chuyển đổi hình thức học trên lớp sang học trực tuyến, có những môn học rất ít bị tác động. Đây đều là những môn học được giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến trong nhiều năm qua tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sinh viên học trực tuyến

Ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ

Đây là môn học dành cho sinh viên ngành Sư phạm tiếng Anh, cung cấp kiến thức và những kỹ năng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ. Là một giáo viên, thành thạo các phần mềm, công cụ trực tuyến để áp dụng vào dạy học là một điều rất cần thiết.

Giao diện khóa học trên nền tảng trực tuyến

“Là một môn học chú trọng tính CNTT, Ứng dụng CNTT trong dạy học ngoại ngữ thường xuyên yêu cầu giảng viên và sinh viên giao tiếp, tương tác trên môi trường trực tuyến. Do đó, trong giai đoạn dịch Covid-19, môn học này hầu như không bị tác động. Chúng tôi vẫn dạy và học trực tuyến qua hệ thống LMS của Nhà trường, các phần mềm khác như Zoom, Kahoots, …”, thầy Khoa Anh Việt cho biết.

Công nghệ thông tin – Truyền thông

Đây là môn học bắt đầu được giảng dạy từ năm học 2019-2020 thay thế cho môn Tin học cơ sở. Kế thừa môn Tin học cơ sở, Công nghệ thông tin – Truyền thông được thiết kế đào tạo theo hình thức trực tuyến. Sinh viên tiếp cận tài liệu học, ôn bài, làm bài tập trắc nghiệm, làm các project theo nhóm và nộp sản phẩm trên trang LMS với những tiêu chí đánh giá rõ ràng.

Giao diện website sinh viên tham gia khóa học trực tuyến

Công nghệ thông tin – Truyền thông cung cấp cho sinh viên những kiến thức và ứng dụng của công nghệ thông tin cơ bản, xây dựng thương hiệu, các kênh và phương pháp truyền thông hiện đại,…

Ví dụ về một chuyên đề của môn CNTT-TT

Trong giai đoạn dịch Covid-19, sinh viên tham gia học phần này hầu như không bị ảnh hưởng. Các buổi gặp mặt chuyên đề được thay thế bằng các bài giảng trực tuyến trên Zoom. Tương tác giữa giảng viên và sinh viên diễn ra thường xuyên trên Group môn học. Các bài tập như: tạo email công việc, tạo tài khoản Facebook, kết bạn Facebook, thành lập nhóm Facebook, viết bài truyền thông,… đã được sinh viên hưởng ứng nhiệt tình.

Bài giảng chuyên đề môn CNTT-TT do chuyên gia Google thuyết giảng trên Youtube thay vì gặp trực tiếp trên lớp

Cơ sở văn hóa Việt Nam

Cơ sở văn hóa Việt Nam giới thiệu các khái niệm cơ bản về văn hóa, các thiết chế, chức năng, cấu trúc của văn hóa, diễn trình của lịch sử văn hóa Việt Nam, không gian văn hóa Việt Nam.

Các bài giảng môn CSVHVN được thực hiện theo hình thức Livestream trên Facebook và đăng tải lại trên Youtube

Cũng như môn CNTT-TT, môn học này tổ chức đào tạo chủ yếu theo hình thức trực tuyến. Trong thời gian dịch Covid-19, những bài giảng chuyên đề trực tuyến được thay bằng các bài giảng livestream trên Fanpage ULIS. Nhờ đó, sinh viên vẫn có thể tương tác (điểm danh, bình luận, đặt câu hỏi) với giảng viên và làm bài tập bình thường.

Quản lý Hành chính nhà nước và Quản lý giáo dục

Môn học cung cấp những lý luận chung về Nhà nước và QLHCNN ở Việt Nam; các khái niệm cơ bản quản lí, quản lý hành chính nhà nước, quản lý nhà nước về giáo dục; Luật giáo dục và Luật công chức,… và cách áp dụng những kiến thức này vào thực tế.

Sinh viên có thể xem lại bài giảng trên Fanpage hoặc Youtube ULIS

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ đã được học và thi môn này theo hình thức trực tuyến trong nhiều năm qua. Do đó, trong thời gian dịch Covid-19, môn học tiếp tục được triển khai đào tạo trên phần mềm E-Learning với những bài giảng livestream của giảng viên trên Fanpage ULIS.

Giao diện của trang E-Learning ULIS

Sinh viên ULIS sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ II năm học 2019-2020

Nhìn chung, hoạt động dạy và học thời gian qua tại ULIS cũng như các trường học nói chung trên cả nước đã có những tác động nhất định bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự tích cực vào cuộc của Ban Giám hiệu, thầy cô và sinh viên, công tác đào tạo phần lớn đã đem lại hiệu quả và không bị ảnh hưởng quá nhiều.

ULIS Media