[Hoạt động COP] Tọa đàm “Thực hành Điền dã Kỹ thuật số: Các vấn đề về Công nghệ, Đạo đức và Phương pháp” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[Hoạt động COP] Tọa đàm “Thực hành Điền dã Kỹ thuật số: Các vấn đề về Công nghệ, Đạo đức và Phương pháp”

Chiều ngày 19/3/2022, Cộng đồng chuyên môn (COP) Văn hóa và Truyền thông Xuyên quốc gia và Bộ môn Quốc tế học (Khoa NN&VH CNN tiếng Anh) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Thực hành Điền dã Kỹ thuật số: Các vấn đề về Công nghệ, Đạo đức và Phương pháp” (Practicing Digital Ethnography: Ethical, Technological, and Methodological Considerations). 

Chủ trì tọa đàm là TS. Nguyễn Thanh Hà, Trưởng bộ môn Quốc tế học, và khách mời là ThS. Võ Tuấn Sơn, một người trẻ tuổi lớn lên với đời sống số, học ngành Nhân học kỹ thuật số (Digital anthropology) ở University College London theo học bổng Chevening. Buổi tọa đàm đã thu hút hơn 250 lượt đăng ký và 150 người tham dự đến từ nhiều tổ chức, lĩnh vực khác nhau.

Trong những năm gần đây, khi công nghệ kỹ thuật số trở nên phổ biến và đời sống trên không gian mạng gia tăng, điền dã kỹ thuật số (digital ethnography) đã trở thành một thực hành quan trọng trong nghiên cứu văn hóa-xã hội. Ở Tổ Quốc tế học, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa các nước nói tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHNN), Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), sinh viên và giảng viên đang cùng nhau làm những đề tài nghiên cứu các cộng đồng mạng.

Điền dã kỹ thuật số là gì? Môi trường, chủ thể, thực hành kỹ thuật số đã thay đổi phương pháp nghiên cứu điền dã như thế nào? Áp dụng phương pháp này với công nghệ kỹ thuật số (máy tính, điện thoại, app, trò chơi, môi trường thực tế ảo, dữ liệu và thuật toán, công nghệ mới, v.v.) như thế nào? Những công nghệ kỹ thuật số trên đã mở rộng và cho ta những suy tư gì về phương pháp điền dã? Đó là những câu hỏi tọa đàm mong muốn giải đáp cho những người tham dự.

Các loại hình điền dã kỹ thuật số theo sử dụng các thiết bị công nghệ

Trang web chia sẻ các vấn đề về điền dã kỹ thuật số trong đại dịch COVID-19

Những vấn đề đạo đức mới từ phương pháp trực tuyến

Lý thuyết và ví dụ về thực hành nghiên cứu điền dã kỹ thuật số

Tại tọa đàm, diễn giả Võ Tuấn Sơn đã chia sẻ các khái niệm liên quan đến phương pháp điền dã kỹ thuật số, những chủ đề xoay quanh công nghệ và phương pháp điền dã, các vấn đề về đạo đức nghiên cứu, và một số ví dụ áp dụng phương pháp này trong các dự án nghiên cứu mình tham gia. Sơn phân biệt điền dã kỹ thuật số (digital ethnography) và điền dã điền dã trên mạng (online ethnography), nêu lên những thành phần và tính vật chất của của công nghệ số, bàn về cách dịch thuật ngữ “ethnography” (“dân tộc ký”, “dân tộc chí”, và lý do lựa chọn cách dịch “điền dã”), nhấn mạnh tầm quan trọng của tính phản tư (reflexivity) trong nghiên cứu điền dã.

Ba khu vực ảnh hưởng của công nghệ số đến điền dã bao gồm: dùng công nghệ để thực hiện nghiên cứu (vd: thu thập dữ liệu qua app chạy bộ), nghiên cứu về thực hành kỹ thuật số (vd: online dating), và trình bày kết quả nghiên cứu (vd: dùng hashtag trên instagram để sắp xếp và trình bày dữ liệu). Người nghiên cứu cần quan tâm tới cách thức tiếp cận cộng đồng, tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến người tham gia, hiểu các vấn đề đạo đức liên quan tới dữ liệu hay thuật toán (dữ liệu thu được có thể được tiến hành qua các tiêu chí có tính thiên lệch, mang định kiến xã hội). Khi tiến hành điền dã trên mạng, người nghiên cứu lưu ý về sự hiện diện của mình trong cộng đồng nghiên cứu và có thể cần di chuyển qua các nền tảng khác nhau.

Diễn giả đưa ra các ví dụ từ kinh nghiệm nghiên cứu thực hành “đẩy thuyền” (shipping), công nghệ, và cộng đồng hủ (những người yêu thích thể loại đam mỹ) ở Việt Nam và nghiên cứu quản trị điện tử– tăng cường tình tiếp cận của người dân với các dịch vụ hành chính công. Những ví dụ này khiến khán giả có thể hình dung những vấn đề cụ thể khi thực hành điền dã kỹ thuật số; chúng cũng như đem tới những cái nhìn mới mẻ về văn hóa đại chúng, sự hiểu biết và trân trọng kinh nghiệm của các nhóm người khác nhau.

TS. Nguyễn Thanh Hà đã chia sẻ một số đề tài nghiên cứu về cộng đồng mạng sinh viên đang thực hiện cùng tổ Quốc tế học và giới thiệu công cụ nghiên cứu phân tích mạng xã hội (social network analysis) https://netlytic.org/

Hình hóa dữ liệu từ netlytic cho thấy những người ủng hộ Clinton và ủng hộ Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 ít kết nối với nhau trên Twitter

Cuối chương trình là phần trao đổi giữa diễn giả với khán giả. Diễn giả cũng bày tỏ tiếc nuối bởi do hạn chế về thời gian nên đã không kịp chia sẻ về nghiên cứu “Hàng xóm láng giềng kỹ thuật số – cộng đồng người Việt ở London” và “Giải nghĩa căn tính Châu Á trong các nội dung xoay quay hashtag #StopAsianHate” như dự định.

Tọa đàm đã nhận được phản hồi tích cực từ các đại biểu tham dự.

CoP Văn hóa & Truyền thông Xuyên quốc gia