Hành trình “định giá thanh xuân” ở Ai Cập của Quỳnh Chi
Bốn năm đại học là khoảng thời gian thanh xuân đáng quý của mỗi người. Và thanh xuân ấy có rực rỡ hay ý nghĩa hay không tùy thuộc vào bản thân từng người. Biết vậy, Ngô Thị Quỳnh Chi, sinh viên khóa QH.2017 của Bộ môn NN&VH Ả Rập, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã tích cực tìm kiếm các cơ hội học bổng và trao đổi để “ngao du” và “định giá thanh xuân”. Cùng đọc xem những trải nghiệm của bạn trong chuyến đi đến Ai Cập nhé!
1. “Tớ là một người trẻ tuổi, cuộc đời của tớ phải là những cuộc ngao du”
Tớ từng rất ấn tượng với nhan đề của một cuốn sách đã được các bạn trẻ săn đón gần đây, đó là “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”. Đôi khi tớ cũng hay tự vấn rằng, những năm tháng thanh xuân của mình có giá trị như thế nào. Người ta “định giá” tuổi trẻ theo nhiều cách, nhưng cá nhân tớ “định giá” tuổi trẻ bằng những chuyến đi và những trải nghiệm. Cố gắng lục lọi hết các ngóc ngách trong đầu, tính ra số lần tớ xách ba lô lên để đi khám phá còn chưa đếm nổi hết một nửa bàn tay. Là con người sĩ diện không chấp nhận rằng tuổi trẻ của mình “rẻ mạt”, đồng thời cũng muốn những chuyến vi vu của mình chẳng đơn giản là rong chơi, tớ đã có một quyết định táo bạo trong cuộc đời: “Tớ phải đi du học”.
Tớ lớn lên bằng những bản nhạc Kpop ngọt ngào, bằng những bộ phim Trung Quốc đầy sướt mướt, bằng những bộ manga Nhật đầy sống động nhưng ngành tớ theo học lại liên quan đến một thế giới hoàn toàn khác:”Thế giới Ả Rập”. Nhắc tới Ả Rập, chắc hẳn trong đầu “chúng cậu” sẽ hình dung ra những điều kì bí và đáng sợ, nhưng tin tớ đi, khi đã tìm hiểu rõ ràng về một vấn đề gì, “chúng cậu” sẽ tự tin và chẳng còn sợ sệt hay lo lắng nữa. Sau một thời gian tiếp xúc với ngôn ngữ Ả Rập, tớ thấy yêu và bị thu hút bởi ngôn ngữ này, cộng thêm việc môi trường học tập thân thiện với những người bạn dễ mến và những thầy cô giáo siêu cấp đáng yêu, tớ nghĩ rằng Bộ môn NN&VH Ả Rập sẽ là nơi tớ gửi gắm 4 năm thanh xuân sinh viên xa nhà của mình. Vừa hay Bộ môn tớ hàng năm được rót về kha khá học bổng dài hạn hay ngắn hạn đi du học ở nước ngoài, đúng những gì tớ mong ước lâu nay, thế nên tớ đã quyết định dành một năm đầu chạy đà cho chuyến cất cánh đầu tiên…
Ai Cập sẽ là nơi tớ bắt đầu cuộc hành trình “định giá thanh xuân” của mình
2. “Ước mơ vừa đủ, mơ ước sẽ thành”
Tớ từng không biết quá nhiều về chuyện học bổng của Bộ môn mình theo học cho đến khi bạn bè xung quanh luôn miệng nói về nó. Thú thực tớ tự biết năng lực bản thân không phải quá xuất sắc, nên cũng chỉ đặt ra mục tiêu nhỏ bé là chăm chỉ học hành để thứ mình theo học không làm mình “vật vã”. Nhưng như một cơ duyên, ngày cô giáo tớ gửi danh sách sinh viên nhận học bổng đi Ai Cập, ngạc nhiên chưa, tên tớ nằm ở ngay cuối cùng! Tớ nhận ra rằng có thể tớ không xuất sắc nhất, tớ không có quyết tâm cao nhất, không cố gắng cạnh tranh gay gắt nhất, nhưng tớ vẫn có được điều tớ muốn. Bởi vì tớ biết tớ cần gì, biết rõ rằng “những thứ thuộc về mình thì chẳng cần tranh giành, còn những thứ phải tranh giành ắt chẳng phải của mình rồi”. Tin tớ đi, hãy cứ nhìn thẳng về phía trước, hãy cứ nỗ lực bằng một “trái tim trần trụi”, rồi một ngày “chúng cậu” sẽ có được thứ mà “chúng cậu” muốn. Giống như thành tích trong thi chạy điền kinh hồi tớ còn học trung học, thầy giáo tớ đã nói với tớ rằng: “Đừng quan tâm người chạy bên em là ai, đừng quan tâm em là người đến đích trước hay đến đích sau, bởi giới hạn hay tốc độ của mỗi người mỗi khác. Em chỉ cần tập trung vào đường đua của mình, và đối thủ của em chỉ có một, đó là thời gian…”
3. “Kiên trì và niềm tin – món quà quý giá của thanh xuân”
Tiếp tục về chuyện học bổng,mọi chuyện không quá suôn sẻ như những gì tớ muốn, bởi bằng một lí do nào đó, công văn chính thức từ bên Ai Cập mãi không về tới Việt Nam. Các bạn tớ đã nhận học bổng từ Kuwait và bay từ hồi tháng 9, mà hết tháng 12 chúng tớ vẫn thẫn thờ ngồi đợi tin. Thầy cô tớ thấy sinh viên buồn cũng động viên nhiều lắm, và thầy cô cũng cố gắng để hỏi giúp chúng tớ. Rồi sau vài tháng chờ đợi, có những lúc tớ tưởng như mình sẽ từ bỏ, thì giấc mơ của xứ sở các kim tự tháp lại một lần nữa được thắp lên. Sau đúng 1 tuần chuẩn bị và thu xếp công việc, ngày 26 tháng 01 năm 2019, tớ chính thức có chuyến đi xa đầu đời, tạm bỏ lại phía sau sự quyến luyến nhớ thương gia đình cũng như bạn bè.
Ngày 26 tháng 01 năm 2019, tớ chính thức có chuyến đi xa đầu đời tới Ai Cập
4. “Một cánh cửa mới mở ra một chân trời mới”
Hơn 2h sáng tớ có mặt tại Ai Cập sau một chuyến bay dài 15 tiếng đồng hồ. Trong đêm tối, trong sự mệt mỏi đến kiệt sức sau chuyến bay dài cùng 2 chiếc vali nặng gần 40kg, tớ như rưng rưng khi giữa một nơi xa lạ, tớ đã được thấy đồng bào mình.
Sau một giấc ngủ để lấy lại sức, ngay sáng hôm sau đó bọn tớ được dẫn đi nhập kí túc xá, mua sắm vài vật dụng cá nhân cần thiết, mua sim điện thoại và đổi tiền mặt. À, lại nói về chuyện tiền nong thì chúng cậu nếu xác định sẵn tinh thần đi du học, hãy làm ngay một chiếc thẻ visa debit để thanh toán quốc tế. Vì là đi gấp gáp nên tớ buộc lòng phải mang tiền mặt sang, trộm cắp thì không sợ mà chỉ sợ tiêu lẹm hết tiền về .
Nói đến những cảm nhận đầu tiên của tớ khi vừa bước chân tới Cairo, rằng xung quanh tất cả mọi thứ đều xinh đẹp và phẳng lặng cơ hồ như mặt nước sông Nile ngày đêm lặng lẽ chảy trong lòng thành phố. Con người nơi đây rất thân thiện, họ luôn mỉm cười khi chúng tớ nói với họ câu chào bằng tiếng Ả Rập “Assalamu Alaykum” hay tíu tít chạy lại xin chụp cùng bọn tớ vài kiểu ảnh. Điều tuyệt vời nhất là rau củ và trái cây nơi đây rất đa dạng và rẻ, thứ gì cũng “siêu to khổng lồ” như chính dáng vẻ của con người làm ra chúng vậy.
Một thoáng hoàng hôn trên sông Nile tại Luxor
Rồi thấm thoát cũng qua vài tuần đầu tiên ở Cairo, tớ hơi thấy khó chịu vì nhịp sống nơi này. Giao thông lộn xộn, xe cộ đi nghênh ngang đôi khi chẳng theo một làn nào cả. Tớ và đồng bọn từng khóc thét khi trót lạc vào khu chợ Attaba hôm thứ 6- ngày nghỉ đầu tiên trong tuần của người Islam và họ thường đến thánh đường để cầu nguyện. Ngày hôm đó giao thông thật khủng khiếp, chúng tớ đi lẫn vào dòng người mà đôi khi bị đẩy đi chứ chân không hề chạm đất. Rồi đi metro thì phải chen chúc trong chiếc toa tàu quá tải, nếu ngày thường tớ phải bám vào thanh vịn cho khỏi ngã lúc tàu khởi hành thì ngày này, tớ có nghiêng một góc 45 độ cũng không thể ngã bởi bao quanh là những quý cô to béo sừng sững như những bức tường thành chẳng bao giờ đổ. Không chỉ về giao thông, đôi lần tớ thấy khó chịu vì một vài người ở Ai Cập không mấy lịch thiệp, kiểu như những người đàn ông cao to không hề ngại ngần khi tranh giành chỗ ngồi với các chị em phụ nữ, hay thậm chí là người già và trẻ nhỏ. Khi tớ gặp những tình huống như thế, tớ liền đứng dậy nhường chỗ, mọi người đều khen tớ thật tốt. Và mọi người hỏi tớ đến từ đâu, tớ sẽ dõng dạc mà trả lời “Anna min Vietnam” (Tôi đến từ Việt Nam- tiếng Ả Rập).
Nếu ai hỏi điều tớ luyến tiếc nhất sau khi trở về từ Ai Cập là gì, thì tớ sẽ trả lời ngay là những kỉ niệm đẹp bên những người tuyệt vời đã bên cạnh tớ trong suốt 5 tháng ấy. Đầu tiên phải kể đến “Lạc đà team”- những sinh viên cùng tớ sang Ai Cập lần này: Jamal Bắc Nguyễn, Osama Quang Trịnh, chị Bahja Thu Thu và chị Zahra Đào Đào. Phải thú thực rằng dù tớ đang ở một nơi ngập tràn những điều lí thú chờ tớ khám phá nhưng nếu xung quanh tớ không có những người bạn đồng hành này, tớ sẽ không thể vượt qua nổi những tháng ngày yếu lòng nhớ nhà hay những hôm sức khỏe tớ bị nắng gió Ai Cập quật ngã. 4 con người ấy đã đồng hành bên tớ, đem đến cho tớ tiếng cười, động viên tớ vượt qua những bỡ ngỡ ngày đầu xa nhà, và cho tớ cảm giác tớ đang có một gia đình thật sự ở nơi đất khách quê người.
Tớ cùng “đồng bọn” trong chuyến đi chơi tới thành phố xinh đẹp Alexandria
Bên cạnh những người bạn, tớ còn nhận được sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Ai Cập. Vào mỗi dịp lễ tết, chúng tớ thường tới Đại sứ quán cùng chung vui và giao lưu với mọi người, qua đó tớ có cơ hội để tự thoát ra khỏi cái kén nhút nhát của bản thân. Cuối cùng, tớ rất rất biết ơn những cô giáo ở trung tâm Wafedin mà tớ theo học, bởi các cô luôn yêu thương và nhẹ nhàng giảng cho tớ những kiến thức mà tớ chưa rõ. Không chỉ thế, các cô còn luôn sẵn sàng giúp đỡ tớ trong mọi vấn đề về cuộc sống hằng ngày ở Ai Cập. Tớ nhận ra một chân lí vô cùng bình dị: ”Hạnh phúc luôn khởi phát từ những điều nhỏ bé nhất. Điều khiến bạn cảm động không đơn thuần là hôm nay bạn được ăn những món ngon gì, được đi qua những nơi chốn xa hoa lộng lẫy đến đâu, mà là hôm nay bạn đã được yêu thương thế nào, đã được đối xử dịu dàng ra sao…”
Lời cuối, viết cho Ai Cập- đất nước mà tớ xem như mái nhà thứ hai của mình: “Một đất nước đẹp đến hoàn mĩ khiến cho tớ say mê, tức là đất nước đó chiếm được thiện cảm của tớ. Một đất nước đẹp nhưng ẩn sâu trong nó là biết bao góc khuất “không mấy đẹp” khiến cho tớ say mê, tức là đất nước đó đã chiếm được cả linh hồn của tớ. Tớ không phải con người có tình yêu mù quáng, “yêu nhau yêu cả đường đi”. Tớ nhìn nhận những thứ tớ yêu khách quan, và dù có những khoảnh khắc Ai Cập của tớ chẳng hoàn hảo, tớ vẫn yêu Ai Cập của tớ như thuở ban đầu. Dù là một ngày gió đông lạnh cắt da cắt thịt, hay một ngày nắng hạ oi bức ngột ngạt, tớ vẫn muốn trở về Ai Cập, một lần nữa.
Một số hình ảnh khác của tớ tại Ai Cập:
Tớ như một quý cô Hồi giáo đích thực trong bộ Abaya và chiếc Hijab đen huyền bí tại nhà thờ Al Mostafa (Sharm el Sheikh)
Hành trình săn mây của tớ tại ốc đảo Siwa- một trong những ốc đảo xinh đẹp nhưng có ít dân cư nhất ở Ai Cập
Biển Địa Trung Hải trong vắt tại Marsa Matruh
Ai nói Ai Cập chỉ có sa mạc và cát? Ai Cập còn có biển Đỏ nữa nhé!
Đến Ai Cập nhất định phải thử lái xe địa hình trên sa mạc
(tớ trong chuyến đi đến Hurghada).