GS. Nguyễn Khánh Toàn – nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

GS. Nguyễn Khánh Toàn – nhà kiến trúc sư trong giai đoạn đầu của nền giáo dục cách mạng

nguyenkhanhtoan_bw

Một buổi sáng mùa đông Hà Nội, đối lập hoàn toàn với không khí nhộn nhịp của phố phường, trong căn phòng nhỏ ấm cúng của số nhà 42 Tăng Bạt Hổ, tôi cùng phu nhân cố GS.VS Nguyễn Khánh Toàn – bà Đào Bích Ngọc, bồi hồi ôn lại những kỷ niệm về ông. Căn phòng nhỏ 15m2 này là nơi cố giáo sư đã nhiều năm sống và làm việc. Bước vào căn phòng này, dù anh không biết chủ nhân của nó là ai, anh vẫn cảm nhận được một không gian rộng mở của tri thức và sự giản dị của chủ nhân bởi một tủ sách lớn với rất nhiều chủng loại, một bàn làm việc đơn sơ, một chiếc giường nhỏ, tất cả đều đã cũ nhưng vô cùng ngăn nắp. Đặc biệt là một kho tư liệu ảnh vô giá bao gồm hàng nghìn tấm ảnh đầy ắp sự kiện hoạt động, sáng tạo của cố GS.VS Nguyễn Khánh Toàn mà người vợ thân yêu của ông đã nhiều năm nay dày công sưu tầm và sắp xếp theo đúng thứ tự thời gian và theo từng chủ điểm riêng. Để xem hết số ảnh ấy phải mất nửa ngày nhưng anh sẽ hiểu tháng năm chỉ có thể lấy đi sức khỏe sinh học của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn nhưng không thể lấy đi sức sáng tạo, tình yêu khoa học, tình yêu cuộc sống đã gắn bó với ông trong suốt gần một thế kỷ của cuộc đời. Ngược lại dấu ấn thời đại lịch sử mà ông cùng thế hệ của mình đi qua cũng in đậm trong cuộc đời, sự nghiệp của ông.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, sau khi đặt ách xâm lược trên toàn bộ đất nước ta, thực dân Pháp đi vào thời kỳ bình định, một thời kỳ kéo dài đến 30 năm và chúng phải đương đầu với những phong trào đấu tranh yêu nước mới của nhân dân Việt Nam. Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ này đã gia nhập cao trào “phương Đông thức tỉnh” với một xã hội đổi mới và một phong trào cách mạng mang nội dung mới. Đó là sự kết hợp đấu tranh giải phóng dân tộc với đấu tranh giành quyền dân chủ. Song song với phong trào đấu tranh vũ trang còn tiếp diễn như phong trào Yên Thế, đã có những cuộc vận động cách mạng có tính chất dân chủ tư sản như phong trào Đông Du (1904 – 1908), Đông Kinh Nghĩa Thục (1907), Duy Tân (1906 – 1908). Ngày 1.8.1905, tại thành phố Vinh, Nghệ An, trong một gia đình nhà nho nghèo, Nguyễn Khánh Toàn cất tiếng chào đời. Vào khoảng 1914 – 1915, khi mới lên 10 tuổi, Nguyễn Khánh Toàn đã trông thấy cảnh nhà tan cửa nát, cha ở tù, nợ chồng chất Nhà nghèo nên anh lớn phải bỏ học đi làm, mẹ dắt mấy anh em về Huế (là quê nội), anh hai bị kết án 9 tháng tù vì tham gia bãi khóa. Người dân Huế với những cuộc đấu tranh anh dũng là những người thầy đầu tiên dạy Nguyễn Khánh Toàn tập đọc cuốn sách cuộc đời đau khổ của một dân tộc nô lệ. Và cũng từ đó Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu biết yêu và biết ghét.

Nếu như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nói về Luận cương của Lênin đối với vấn đề thuộc địa đã khiến Người sung sướng đến chừng nào vì đã tìm thấy “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”, thì Nguyễn Khánh Toàn cũng có những tình cảm tương tự khi được đọc những tờ báo “Le Paria” và “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc được bí mật đưa vào Việt Nam. Năm 1926, vì những hoạt động chống Pháp, mặc dù học rất giỏi nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông không được bổ nhiệm làm việc ở bất cứ một trường công nào. Từ đó Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng theo con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã mở ra cho cách mạng Việt Nam gần hai thập kỷ trước đó, con đường đi từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản. Rời Hà Nội vào Sài Gòn, được một số anh em trí thức trong đó có Hà Huy Tập động viên, cổ vũ, ông đứng ra chủ trì một cơ quan ngôn luận làm diễn đàn cho lớp thanh niên cách mạng, vừa làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ “Le Nhà quê”. Mới ra được số đầu, do có nội dung tuyên bố kịch liệt lên án Pháp, đặc biệt là việc bắt và đưa Phan Bội Châu vào án trú tại Huế dưới sự giám sát của triều đình Huế, thì bị thống đốc Nam Kỳ ra lệnh đình chỉ và bắt giam Nguyễn Khánh Toàn. Đến đầu năm 1927, ông bị xử án treo. Trong thời gian bị tạm giam tại khám lớn Sài Gòn, ông đã trở thành bạn chiến đấu thân thiết với Nguyễn An Ninh. Ngay sau đó luật sư Phan Văn Trường mời ông làm chủ bút báo L’Annam. Đây là tờ báo có ảnh hưởng cả miền Trung, miền Bắc và Pháp. Tờ báo công khai tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, nói về tình hình Liên Xô, đăng toàn bộ tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Mác và Ăngghen, ca ngợi công xã Quảng Châu, lên án cuộc chính biến Tưởng Giới Thạch và cùng với Hà Huy Tập, Trần Huy Liệu tổ chức lễ truy điệu Lương Văn Can. Một lần nữa, Nguyễn Khánh Toàn lại bị giặc Pháp bắt và xử 2 năm tù án treo. Sau sự việc này ông bị trục xuất Huế nhưng Thống đốc Trung Kỳ cũng không muốn nhận ông. Năm 1928, Nguyễn Khánh Toàn đệ đơn xin đi Pháp. Như nhổ được cái gai trong mắt, Thống đốc Nam Kỳ chấp nhận ngay.

Năm 1929, Nguyễn Khánh Toàn sang học tại Trường Đảng Liên Xô theo giới thiệu của Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1930, Quốc tế Cộng sản giới thiệu ông làm nghiên cứu sinh sử học và nhận học vị tiến sĩ tại Khoa Sử, Đại học Phương Đông (Liên Xô), quê hương của Cách mạng tháng Mười. Tại đây, ông được đào tạo một cách cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin và tham gia Quốc tế Công hội đỏ và Quốc tế Cộng sản về các vấn đề Đông phương. Ông đã dịch một số sách của Lênin sang tiếng Việt và dịch tài liệu của ta sang tiếng Nga, tham gia soạn sách giáo khoa cho học sinh của ta từ Việt Nam sang học. Bên cạnh đó ông đã tham gia đấu tranh quyết liệt đòi thả Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản Đimitơrôp; đề nghị Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ để bọn thực dân Pháp không xử tử các tù chính trị của ta đang bị chúng giam giữ ở Côn Đảo. Do có những đóng góp tích cực, Nguyễn Khánh Toàn đã được Quốc tế Cộng sản giao trọng trách là Phó Ban Đông Dương. Cũng tại đây, Nguyễn Khánh Toàn có dịp được gần gũi Nguyễn Ái Quốc, được Người dìu dắt, bồi dưỡng. Năm 1931, ông gia nhập Đảng Cộng sản và trở thành một trong những học trò ưu tú của của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1939, ông được điều động về Trung Quốc hoạt động với nhóm Cộng sản Việt Nam ở Diên An. Tại đây ông tham gia giảng dạy Khoa Lịch sử cách mạng thế giới và Khoa tiếng Nga với bí danh Hoàng Chính Quang. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Khánh Toàn trở về nước và được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ giảng dạy Triết học và Chủ nghĩa Mác – Lênin tại các lớp huấn luyện cán bộ. Năm 1946, Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, kiêm Bí thư Đảng – Đoàn. Năm 1960, ông được cử làm Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Năm 1962, ông tiếp tục giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Từ năm 1965 đến năm 1982, sau khi Ban Khoa học Xã hội tách khỏi Uỷ ban Khoa học Nhà nước để đổi thành Viện Khoa học Xã hội rồi Uỷ ban Khoa học Xã hội (nay là Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia), Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm cơ quan nghiên cứu khoa học này cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (1960 – 1976), đại biểu Quốc hội các khóa II và III (1960 – 1971).

Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, ở Nguyễn Khánh Toàn hai yếu tố khoa học và cách mạng hòa quyện vào nhau và gắn bó chặt chẽ. Do yêu cầu cách mạng, do cương vị công tác, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã tham gia vào nhiều lĩnh vực. Cuộc đời hoạt động của ông từ khi về nước sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến khi vĩnh biệt chúng ta là cả một sự nghiệp khoa học to lớn phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân trong đó nổi bật lên sự nghiệp giáo dục và sự nghiệp khoa học xã hội – nhân văn.

Với tầm nhìn xa trông rộng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, sau Cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng lại nền giáo dục Việt Nam. 95% dân số bị mù chữ, mỗi huyện một trường cấp I, vài tỉnh chung nhau một trường cấp II, cả nước có vài trường cấp III toàn cấp, cả Đông Dương chung nhau một trường đại học gồm vài ba trăm sinh viên, phần lớn là ngành Luật và ngành Y. Thực trạng giáo dục của nước ta lúc đó quả là một bài toán cực kỳ khó khăn cho những ai có trách nhiệm đưa nền giáo dục cách mạng từ một xuất phát điểm như vậy tiến lên nhanh, phục vụ đắc lực cho kháng chiến và kiến quốc. Người được giao đảm trách nhiệm vụ nặng nề ấy không ai khác chính là Nguyễn Khánh Toàn. Thực tế đã cho thấy ông hoàn toàn xứng đáng với lòng tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1950, với tinh thần trách nhiệm cao, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã cùng các đồng chí của mình thiết kế cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất có tính chất toàn diện. Ngoài ngành giáo dục phổ thông còn có hệ thống bổ túc văn hóa và hệ thống giáo dục cao đẳng. Bổ túc văn hóa tiến hành song song với việc tiếp tục thanh toán nạn mù chữ. Để đáp ứng được nhu cầu về số lượng, hệ thống giáo dục phổ thông chuyển sang giáo dục phổ thông 9 năm, tạm thời lùi một bước cho gọn nhẹ. Với phương châm “học đi đôi với hành”, nâng cao trình độ văn hóa kết hợp với lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, tất cả các môn học ở các cấp tiểu học, trung học, đại học đều được giảng dạy bằng tiếng Việt, ngay trong khói lửa chiến tranh, cuộc cải cách giáo dục đã đạt được những kết quả to lớn. Đó là sự vận dụng sáng tạo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng của Đảng trong Đề cương văn hóa năm 1943 vào việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đòi hỏi phải đưa nền giáo dục nước nhà lên một trình độ phát triển mới, cả về nội dung và tổ chức, kịp thời đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Năm 1960, cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai được tiến hành. Nội dung cuộc cải cách lần thứ hai là sự sáp nhập hệ thống giáo dục ở vùng giải phóng vào hệ thống giáo dục của ta và nâng thời gian học ở bậc phổ thông lên 10 năm. Chương trình học các cấp được cải tiến, sách giáo khoa được soạn lại cho phù hợp. Bên cạnh đó bãi bỏ chế độ trường tư thục, biến trường tư thục thành trường dân lập. Cuộc cải cách lần này được thực hiện nhanh gọn, không gây một xáo trộn lớn nào trong ngành giáo dục. Qua đó GS. Nguyễn Khánh Toàn đã thể hiện những chủ trương hết sức mềm dẻo, uyển chuyển, luôn luôn làm sao cho chủ quan phù hợp với khách quan, biến nền giáo dục thực dân, phong kiến còm cõi trở thành một nền giáo dục cách mạng, sớm được xã hội thừa nhận là một bông hoa của chế độ. Đúng như GS.TS Nguyễn Cảnh Toàn nhận xét: “GS.VS Nguyễn Khánh Toàn là linh hồn của cải cách giáo dục lần thứ nhất (1950) và cải cách giáo dục lần thứ hai (1960)…, kiến trúc sư những thắng lợi trong giai đoạn đầu của sự nghiệp giáo dục cách mạng ở nước ta”.

Cũng trong thời gian đó, vào năm 1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Đảng ta đã chủ trương thành lập Trường Ngoại ngữ nhằm đào tạo cán bộ ngoại ngữ, trước hết là đội ngũ biên, phiên dịch, phục vụ các chuyên gia nước ngoài sang giúp Việt Nam tái thiết đất nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn chính là Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Dưới sự chỉ đạo của ông, mặc dù với cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ cán bộ chủ yếu dựa vào số chuyên gia ít ỏi và trợ giảng là sinh viên vừa tốt nghiệp từ Trung Quốc về, nhà trường đã chèo chống vượt qua những năm tháng khó khăn nhất. Sau hai năm, những cán bộ biên, phiên dịch tiếng Nga, tiếng Trung đầu tiên của ta đã tỏa đi mọi miền Tổ quốc, góp phần không nhỏ vào công cuộc khôi phục nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Đến năm 1958, Trường Ngoại ngữ đã sáp nhập và trở thành Khoa Ngoại ngữ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1967, trước nhu cầu cán bộ giảng dạy ngoại ngữ ngày càng cao, Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ đã được thành lập trên cơ sở 4 khoa ngoại ngữ của Đại học Sư phạm Hà Nội và ngày nay chính là Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN.

Sau khi chuyển sang nghiên cứu khoa học xã hội, ông trở thành một trong những người góp phần khai sinh ra các bộ môn khoa học xã hội, đề xuất nhiều chủ trương trong nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu khoa học theo hướng phục vụ cách mạng. Là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam đầu tiên và suốt 17 năm giữ cương vị này (1965 – 1982), ông đã cống hiến hết sức mình cho việc lãnh đạo khoa học xã hội cả về tổ chức và học thuật. Những kế hoạch nghiên cứu ngắn hạn và lâu dài được xét duyệt và phân công thực hiện. Những công trình quan trọng nhất của ủy ban lúc đó đều được GS.VS Nguyễn Khánh Toàn chỉ đạo và thường được ông dự thảo đề cương biên soạn rất công phu, có đề cương dài trên 100 trang. Những công trình nghiên cứu của ông, dù thuộc môn khoa học xã hội nhân văn nào, cũng đều thấm đượm tính Đảng, tính khoa học, đều mang dấu ấn của một tư duy mác xít sâu sắc. Theo GS.VS Nguyễn Duy Quý: “Phương pháp luận nghiên cứu mác xít của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn đã trở thành một mẫu mực để các nhà nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn ở nước ta thuộc các thế hệ học tập, noi theo. Tuy nhiên, 17 năm đứng đầu một cơ quan khoa học lớn cũng là khoảng thời gian không ít thăng trầm. Thời kỳ này trong đời sống chính trị – xã hội cũng như học thuật của nước ta, bên cạnh dòng chủ lưu là cách mạng và tiến bộ, còn có không ít dòng nước níu kéo sự phát triển đi lên của đất nước, tạo ra tình trạng trì trệ kéo dài và chỉ chấm dứt khi chiến lược đổi mới toàn diện của Đại hội Đảng VI được đưa ra. Trong bối cảnh ấy, cả học thuyết chính trị và niềm tin, cả lý luận khoa học và con đường phát triển của dân tộc đều đứng trước những thử thách. Đội ngũ cán bộ của Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã mạnh hơn lên qua thời kỳ này. Dưới sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Nguyễn Khánh Toàn, đội ngũ cán bộ của Ủy ban đã nhanh chóng hòa mình vào trào lưu đổi mới. Ông đã nêu tấm gương sáng về tư duy độc lập, không phụ thuộc vào lý thuyết, sách vở, luôn gắn lý luận với thực tiễn khi đi tìm lời giải cho các vấn đề khoa học. Với tầm nhìn xa trông rộng, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã kiến nghị thành lập cơ quan khoa học nghiên cứu về Đông Nam Á, chủ trương nên lập viện Nghiên cứu Trung Quốc học có nhiệm vụ nghiên cứu toàn diện về Trung Quốc, trong khi vẫn có ý kiến cho rằng việc nghiên cứu Đông Nam Á là việc của các cơ quan chính trị, ngoại giao và chỉ cần nghiên cứu Trung Quốc để tìm hiểu chính sách của nước này với thế giới và với nước ta. Ông đã từng đấu tranh nhiều năm để bảo vệ các chủ trương đúng đắn của mình và thúc đẩy thành lập thêm một số viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.

Sự nghiệp khoa học của GS.VS Nguyễn Khánh Toàn không thể tóm tắt trong một vài trang ngắn gọn. Ông là một học giả uyên thâm, một nhà bác học với kiến thức vừa bao quát, vừa chuyên sâu trong các lĩnh vực Sử học, Văn học, Triết học, Ngôn ngữ học, Dân tộc học, Luật học, Giáo dục học, và có vốn hiểu biết phong phú về văn hóa phương Đông cũng như phương Tây. Ông đã chỉ đạo biên soạn đề cương bộ: “Lịch sử Việt Nam” (2 tập, 1971), “Lịch sử văn học Việt Nam” (tập I, 1970, 1971, 1976 và 2004), “Tổng tập văn học” (trọn bộ 42 tập, 2000), “Từ điển tiếng Việt”, “Ngữ pháp tiếng Việt” (1983). Trong đó, cần nhấn mạnh thêm rằng cuốn “Lịch sử Việt Nam” tập I gồm 8 chương giới thiệu lịch sử Việt Nam từ nhà nước Văn Lang đến giai đoạn suy sụp các chế độ phong kiến thế kỷ XVIII, nửa đầu XIX, phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc đã được những người yêu sử nồng nhiệt đón nhận bởi các luận chứng lịch sử được chứng minh một cách sinh động, phong phú bằng khảo cổ học. Đặc điểm nổi bật trong những công trình nghiên cứu của ông là tình cảm đậm đà, vốn hiểu biết sâu rộng thể hiện qua sự phân tích sâu sắc truyền thống, bản sắc, các nhân vật anh hùng, tài năng văn hóa của đất nước, những giá trị nhân văn của Việt Nam. Ông đã truyền cảm lòng yêu lịch sử dân tộc, yêu nhân dân thắm thiết cho các thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn viết nhiều công trình nghiên cứu riêng tập trung vào một số lĩnh vực mà ông am hiểu hơn cả là lịch sử và văn hóa như: “Vài nhận xét về thời kỳ từ cuối Lê đến đầu nhà Nguyễn Gia Long” (1954), “Đại cương về văn học sử Việt Nam” (1954), “Vấn đề dân tộc trong cách mạng vô sản” (1960),“Xung quanh một số vấn đề về văn học và giáo dục” (1972) và một số bài viết, bài phát biểu về các tác giả lớn của văn học dân tộc như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh…

Đặc biệt, GS. Nguyễn Khánh Toàn là một trong những người đầu tiên đề xuất nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần năm 1969, trong Dự thảo phương hướng nghiên cứu khoa học gửi lên Trung ương Đảng, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã đề nghị cần xúc tiến nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, xem đó là cơ sở cho sự phát triển lý luận Mác – Lênin và sự sáng tạo của đường lối cách mạng Việt Nam.

Nói, viết thông thạo các thứ tiếng Pháp, Nga, Anh, Trung, GS. Nguyễn Khánh Toàn là một tấm gương sáng cho cán bộ khoa học trong việc học tập ngoại ngữ và sử dụng ngoại ngữ như một điều kiện thiết yếu để mở rộng tầm hiểu biết trong nghiên cứu khoa học. Đồng thời, ông cũng là một tấm gương sáng về tinh thần lao động, sáng tạo không mệt mỏi cho đến tận những năm cuối cuộc đời. Tính từ năm 1926, năm bài báo đầu tiên của ông xuất hiện, cho đến khi qua đời, GS. Nguyễn Khánh Toàn đã có trên 500 bài viết bằng nhiều thứ tiếng được đăng tải trên các báo trong và ngoài nước, trong đó nhiều bài mang tính định hướng đăng trên các tạp chí của Đảng và các tập san ngành.

Ông là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và Viện Hàn lâm Khoa học CHDC Đức. Với phẩm chất của một chiến sĩ cách mạng, sự uyên thâm của một học giả có uy tín, sự nhạy bén trong quan hệ ngoại giao, ông đã tạo được những mối quan hệ tốt đẹp về khoa học xã hội giữa Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa.

GS.VS Nguyễn Khánh Toàn không còn nữa nhưng hình ảnh của ông còn sống mãi bởi tầm vóc, trí tuệ của một nhà trí thức mà lẽ sống của cuộc cuộc đời hoạt động cách mạng và khoa học hơn 60 năm luôn hướng tới lý tưởng vì mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân./.

Nguyễn Thanh Tú [100 Years-VietNam National University,HaNoi]