Giới thiệu Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Giới thiệu Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc

KHOA NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc (Faculty of Chinese Language and Culture) là một trong những đơn vị đào tạo có lịch sử phát triển lâu đời nhất của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

1.Giới thiệu chung

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa (NN&VH) Trung Quốc (Faculty of Chinese Language and Culture) là một trong những đơn vị đào tạo có lịch sử phát triển lâu đời nhất của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và cũng là một trong những khoa đào tạo tiếng Trung Quốc có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam. Tính từ khi một đơn vị tiền thân bắt đầu đào tạo tiếng Trung Quốc vào năm 1955, Khoa NN&VH Trung Quốc đã có lịch sử 70 năm. Cùng với những thăng trầm lịch sử do những biến động trong quan hệ quốc tế, các thế hệ thầy trò của Khoa đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của một cơ sở đào tạo và nghiên cứu tiếng Trung Quốc hàng đầu trong nước và khu vực. Đến nay với chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn cả trong lĩnh vực đào tạo, NCKHvà hợp tác phát triển.

Lịch sử phát triển của Khoa qua tên gọi các thời kỳ gồm:

1. Ban Hoa văn trường Ngoại ngữ (1955 – 1957);

2. Phân khoa Trung Văn thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1958 – 1963);

3. Khoa Trung Văn thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1963 – 1967);

4. Khoa Trung Văn thuộc trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (1967 – 1982);

5. Khoa Trung văn trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1982 – 1990);

6. Khoa Trung văn trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (1990 – 1993);

7. Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (1993 đến nay).

Khoa NN&VH Trung Quốc hiện có 53 giảng viên cơ hữu, trong đó có 03 Phó Giáo sư Tiến sỹ, 36 Tiến sỹ và 14 Thạc sỹ. Đội ngũ giảng viên của Khoa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực tiếng Trung Quốc tại các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu ở trong nước, ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan và một số nơi khác. Khoa hiện có 4 tổ chuyên môn gồm: Tổ thực hành tiếng Trung Quốc 1, Tổ thực hành tiếng Trung Quốc 2, Tổ Ngôn ngữ và Dịch thuật, Tổ Văn hóa và tiếng Hán chuyên ngành. Ban lãnh đạo Khoa gồm trưởng Khoa PGS. TS Nguyễn Đình Hiền và 2 phó trưởng Khoa, TS Nguyễn Thị Minh và TS Ngô Minh Nguyệt.
Về đào tạo, hiện nay Khoa đang đảm nhiệm công tác giảng dạy chuyên ngành Sư phạm tiếng Trung Quốc (TQ) và 02 định hướng của chuyên ngành Ngôn ngữ TQ (Biên phiên dịch, Tiếng TQ kinh tế) cho sinh viên chính qui bậc đại học. Ngoài ra, Khoa còn phụ trách đào tạo tiếng TQ cho sinh viên bằng kép, sinh viên hệ vừa làm vừa học, sinh viên học ngoại ngữ 2 tiếng TQ của toàn ĐHQGHN và giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên TQ. Ở bậc sau đại học, Khoa đào tạo 2 chuyên ngành là Ngôn ngữ Trung Quốc và Lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng TQ. Các giảng viên của Khoa tham gia giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành tiếng TQ của Trường.
Về nghiên cứu khoa học (NCKH), Khoa là đầu mối tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, hội thảo quốc gia về giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán. Khoa tự hào là thành viên chính thức của Hiệp hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Hán Châu Á – Thái Bình Dương; vinh dự được đón tiếp nhiều nhà nghiên cứu tiếng Hán hàng đầu thế giới đến giảng dạy, trao đổi và giao lưu học thuật. Hàng năm, đội ngũ giảng viên của Khoa công bố nhiều công trình NCKH có giá trị như các đề tài NCKH, sách chuyên khảo, sách tham khảo, các bài viết trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Về hợp tác phát triển, Khoa có nhiều mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt Khoa đã liên kết đào tạo và nghiên cứu với nhiều trường đại học quốc tế như Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, Đại học Giáo dục Hồng Công, Đại học Trung Văn Hồng Công, Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Sư phạm Hoa Đông, Đại học Trung Sơn, Học viện Thai Châu, Học viện Ngô Châu, Đại học Ngoại ngữ Văn Tảo Đài Loan…
Trong thời kì hội nhập và quốc tế hóa hiện nay, Khoa NN&VH Trung Quốc đang mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời khẳng định uy tín và vị thế của Khoa trong nước và quốc tế.
Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN là đơn vị đào tạo tiếng Trung Quốc (tiếng Hán) có quy mô lớn nhất, có vị thế hàng đầu của ngành tiếng Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay. Khoa được giao nhiệm vụ đào tạo bậc đại học và sau đại học, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình, đề thi, định dạng đề thi cho các hệ đào tạo từ phổ thông đến sau đại học. Nhiều cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý chuyên ngành tiếng Trung Quốc ở các trường đại học và phổ thông hiện nay đều tốt nghiệp từ Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Trung Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.

Trong thời kì hội nhập và quốc tế hóa hiện nay, Khoa NN&VH Trung Quốc đang mở rộng quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời khẳng định uy tín và vị thế của Khoa trong nước và quốc tế.

2.Lời ngỏ từ Trưởng khoa

Hãy đến với Khoa NN&VH Trung Quốc để cảm nhận môi trường học thuật nghiêm túc, cảm nhận sự gần gũi, thân thiết và ấp áp tình thầy trò! Nền văn hóa Trung Hoa đa dạng cùng với thứ ngôn ngữ đầy tình cảm đang chờ đón các em khám phá ngay tại ULIS này đây!

Cả tương lai tươi sáng, cả cuộc đời rộng mở phía trước của các em sẽ không phải hối tiếc điều gì khi lựa chọn Khoa NN&VH Trung Quốc làm ngôi nhà thứ hai của mình!” _PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền

 3.Các ngành đào tạo

  • Sư phạm tiếng Trung Quốc
  • Ngôn ngữ Trung Quốc

4.Triển vọng nghề nghiệp

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đảm nhiệm công tác giảng dạy tại hầu hết các bậc học tại các cơ sở đào tạo tiếng Trung trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, với sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc, công tác phiên dịch là một điểm sáng trong vấn đề lựa chọn việc làm trong tương lai. Sinh viên có khả năng đảm nhiệm công tác Biên phiên dịch tại các dự án, công ty nước ngoài; làm biên phiên dịch trong các nhà xuất bản, đài truyền hình, đài phát thanh…

Sinh viên cũng có thể trở thành những cán bộ quản lý trong các cơ quan, tổ chức như: Sứ quán, văn phòng đại diện của các tổ chức  hoặc trong các doanh nghiệp, công ty… Đồng thời, sinh viên cũng có thể đảm nhận công tác đối ngoại trong các bộ ban ngành của chính phủ và cơ quan nhà nước như: Bộ ngoại giao, bộ thương mại, viện Khoa học Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam…

5.“Tâm thư”

Vũ Thu Hà – Sinh viên lớp QH2016.16C1:

“Đến với Khoa Trung, không thể bỏ qua các hoạt động ngoại khóa nơi đây. Sinh viên Khoa Trung luôn là điểm sáng cho sự năng động, sáng tạo, nhiệt huyết. Hơn 2 tháng gắn bó với tiếng Trung, với ULIS là những tháng ngày đầy cảm xúc, bỡ ngỡ lạ lẫm có, buồn có, nhưng mãnh liệt hơn cả là niềm vui, niềm hạnh phúc được hòa mình và cùng chia sẻ. Dẫu biết trước mắt sẽ còn nhiều gian truân, thử thách nhưng chúng tôi vẫn sẽ trân trọng từng khoảnh khắc mình có được ở nơi này. Giờ đây tôi tự hào là sinh viên Khoa NN&VH Trung Quốc – ULIS!”

Lê Ngọc Hà – Cựu sinh viên K36:

“Ba mẹ cho tôi hình hài và nuôi dưỡng nhân cách tôi, trường phổ thông cho tôi một tuổi thơ nghịch ngơm và bình  yên. Còn Khoa Trung cho tôi một gia đình mới, giữa thân thương bạn bè khắp mọi miền quê đến đây, và giữa ấm áp tình thầy cô, tôi đã trưởng thành và khôn lớn!”

Nguyễn Thị Vịnh – Cựu sinh viên:

Ở đây, con đã gặp những NGƯỜI THẦY tuyệt vời đã nâng đỡ con trong những tháng ngày chập chững đầu tiên, và dõi theo con như cái cách mẹ đã và luôn làm như vậy. Con có một NGƯỜI CÔ như thế, mẹ ạ! Một người cho con niềm tin và động lực, cho con tình yêu với tiếng Hán, cho con … gắn bó với khoa Trung. Một người nghiêm khắc với chúng con mỗi buổi lên lớp, nhưng yêu thương mỗi đứa chúng con theo cách ấm áp vô cùng ngoài giờ lên lớp, hỏi thăm từng đứa xem tình hình học tập có quen không, cuộc sống có khó khăn gì không, rồi an ủi, động viên, rồi tận tình khuyên bảo.”

6.Các hình ảnh hoạt động

7.Thông tin liên hệ

Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc
Địa chỉ: Tầng 3 nhà A5, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 024-375495622

*  *  *  *  *  *