Gặp gỡ chàng trai Đức “nhiều lần dời lịch” để đến được ULIS
Một trong những điều làm cho ULIS thu hút trong mắt bạn bè quốc tế là chương trình học trao đổi dành cho sinh viên nước ngoài. Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Nhà trường vẫn nỗ lực triển khai chương trình và chào đón những sinh viên ngoại quốc tới trao đổi và học tập tại trường.
Hôm nay, hãy cùng trò chuyện và làm quen với một sinh viên người Đức, một anh chàng đã phải chờ dời lịch nhiều lần để đến được với ULIS.
PV: Chào Jannik, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình được không?
Jannik: Chào tất cả các bạn, mình tên là Jannik Scheuermann, một sinh viên 24 tuổi đến từ Đức. Mình học Ngành ngôn ngữ học Ứng dụng tại Trường Đại học Kỹ thuật Dortmund. Tới hiện tại thì đây là kỳ học thứ 7 của mình, nhưng mà là ở ULIS, Hà Nội.
PV: Từ đâu mà bạn biết tới chương trình trao đổi tại ULIS?
Jannik: Chương trình học đại học của mình ở Đức bắt buộc phải có một kỳ trao đổi tại một đơn vị khác. Ban đầu mình có dự định sẽ học tại Châu Âu thôi, và cũng đã điền đơn đăng ký rồi ấy chứ. Thật ra trong quá trình tìm hiểu các trường đối tác, mình có vô tình nhìn thấy giới thiệu về 2 trường Đại học ở Việt Nam. Sau một hồi tìm hiểu thì mình đã thay đổi 180 độ và thực sự yêu thích đất nước này, khao khát được học trao đổi tại Hà Nội. May mắn đến với mình đơn đăng ký của mình được chấp nhận vào cuối năm 2019, khi đó chưa có dịch Covid.
Mình dự tính sẽ bay tới Việt Nam vào mùa xuân năm 2021 rồi, nhưng vì 4 đợt bùng dịch mà mình phải rời chuyến bay lại tới tháng 7 năm nay. Và thực sự đây là một trải nghiệm mới, một cơ hội tốt đối với mình để trải nghiệm sống, học tập và làm việc tại một đất nước thân thiện như Việt Nam.
PV: Bạn có ấn tượng gì sau một thời gian sống ở đây không?
Jannik: Một từ thôi, “tuyệt vời”. Ôi mình thực sự yêu cuộc sống Hà Nội, yêu từ đồ ăn cho tới những âm thanh đường phố nơi đây. Ở Đức cũng có đấy, nhưng không rộn ràng và náo nhiệt như ở Việt Nam. Mình mong rằng dịch sẽ bớt phức tạp để mình có thể thoải mái ra ngoài đường và trải nghiệm thật nhiều hơn nữa hương vị Hà Nội.
PV: Thế còn về ngôi nhà chung của chúng ta thì sao? Bạn có cảm nhận như thế nào khi trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ?
Jannik: Mình rất kính trọng và yêu mến những giảng viên ở đây, họ rất trách nhiệm, không nghiêm khắc quá mà còn rất chào đón mình nữa. Tuy có hơi khó khăn do hình thức học online suốt, nhưng các giảng viên ULIS luôn cố gắng khuấy động lớp học bằng nhiều cách khác nhau để buổi học thêm sinh động và không nhàm chán. Jannik muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những thầy cô đã chào đón mình tới môi trường mới này. Các thầy cô thực sự quan tâm mình rất nhiều, luôn lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ mỗi khi mình gặp khó khăn trong cuộc sống, cũng như trong học tập tại đây.
Tình cảm và lòng hiếu khách của mọi người khiến mình cảm thấy ULIS dần trở thành ngôi nhà thứ hai của mình rồi.
PV: Mình nghe nhiều bạn nói rằng tiếng Đức khó lắm, không biết Jannik có thể cho những sinh viên Việt Nam chúng mình động lực để học tiếng Đức và có thể đi khám phá đất nước của những tòa lâu đài này được không?
Jannik: Tiếng Đức thật sự rất chi là thú vị. Chắc các bạn sinh nào học tiếng Đức rồi cũng sẽ biết rằng tiếng Đức là thứ ngôn ngữ có thể dễ dàng ghép, tách rời ra và tạo thành một ngôn ngữ khác ngay. Ngoài ra tiếng Đức không chỉ sử dụng ở Đức, mà còn được sử dụng tại Áo, một số vùng tại Thụy Sỹ nữa. Nên là biết tiếng Đức là một lợi thế cho những bạn nào có ý định đi du học, hoặc đơn thuần là đi du lịch tới Đức, ngắm núi non ở Tây Đức, đi tắm biển ở phía Bắc, hay đi tham quan những tòa lâu đài cổ kính ở Đông Đức. Hơn thế nữa, nước Đức có thể gọi với tên khác là thế giới của những lễ hội như chợ Giáng Sinh, lễ hội rượu bia, lễ Carnival… Đi tham quan viện bảo tàng cũng là một lựa chọn sáng suốt đấy. Ấy vậy mà người Đức cũng nói được tiếng Anh, nên nếu bạn không biết tiếng Đức cũng không sao nha.
PV: Mình tò mò muốn biết là sinh viên ở Đức, các bạn đã có những phương pháp học tập như thế nào để có thể thích ứng tốt được với tình hình dịch bệnh?
Jannik: Ừm đúng là tình hình này thật sự khiến mình nói riêng và các bạn sinh viên Đức nói chung rất mệt và khó khăn khi làm việc, học tập làm sao để năng suất và tập trung nhất được. Thiếu đi tương tác thực, nên động lực là một điều rất quan trọng để học online. Bởi thế bên cạnh thời gian nhìn màn hình máy tính quá lâu, mình sẽ đi tập thể thao, giao lưu với bạn bè bên ngoài. Việc quyết định học trao đổi tại Việt Nam cũng đã là một nguồn động lực to lớn giúp khơi dậy tinh thần học tập của mình tới tận bây giờ.
PV: Cảm ơn Jannik đã dành thời gian quý báu của mình để trò chuyện và làm quen với các bạn sinh viên ULIS. Chúc Jannik sẽ có một khoảng thời gian trao đổi thật ý nghĩa và đáng nhớ. Và đừng quên giữ gìn sức khỏe nhé.
Vũ Hoàng Nam