“Điều đặc biệt” từ môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

“Điều đặc biệt” từ môn học Tìm hiểu cộng đồng châu Á


Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại trường vào năm 2016 và 2017, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội đã chính thức thông qua đề cương học phần “Tìm hiểu về cộng đồng châu Á” như là môn học tự chọn từ năm 2018. Học phần được giảng dạy với 12 chuyên đề do các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà ngoại giao trong và ngoài nước trực tiếp giảng dạy và Bộ môn NN&VH Việt Nam phụ trách.

​​Chương trình học kỳ I năm học 2021-2022 của môn học vừa khép lại với cuộc thi rất sôi nổi. Hãy cùng trò chuyện và chia sẻ cảm nghĩ với Phạm Thu Trang, một bạn sinh viên vừa hoàn thành xong môn học!

PV: Chào Trang, trước tiên bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân được không?
Xin chào, mình là Phạm Thu Trang, sinh viên lớp 19K4, hiện mình là sinh viên năm ba Khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc. Học kỳ vừa rồi mình đã có cơ hội được tham gia lớp học Tìm hiểu cộng đồng châu Á. Rất vui hôm nay được có cơ hội chia sẻ với mọi người những suy nghĩ của mình về môn học.

PV: Tại sao Trang lại lựa chọn đăng ký môn học này trong học kỳ vừa rồi?
Cũng không có lý do gì đặc biệt đâu ^^. Mình đã tham khảo ý kiến của một số anh chị đã từng học môn này. Mới đầu mình chỉ nghĩ nếu học môn này chắc mình sẽ học được nhiều kiến thức chuyên đề bổ ích và còn được học với các chuyên gia người nước ngoài. Nhưng điều đặc biệt là mình đã nhận được nhiều hơn thế.

PV: Bạn có thể chia sẻ thêm về “điều đặc biệt” đó được không?
Trước hết, chắc các bạn khác cùng tham gia môn học cũng cảm thấy giống như mình. Đó là chúng mình đã được tiếp cận với rất nhiều thông tin về nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, văn hoá, xã hội về các nước trong khu vực châu Á. Thầy Trần Hữu Trí đã cung cấp cho chúng mình những tài liệu hữu ích cho môn học và mời rất nhiều các chuyên gia trong nước và nước ngoài đến thuyết giảng. Đặc biệt ở môn học này, cuối mỗi buổi học đều có phần thời gian cho sinh viên đặt câu hỏi và được thầy giải đáp rất nhiệt tình. Điều đó tạo cho chúng mình có cơ hội chủ động tiếp cận kiến thức và tạo sự tương tác lớn cho lớp học.
Chúng mình có một bài báo cáo cuối kỳ với chủ đề đã được chọn từ trước, trong quá trình làm báo cáo, thầy giáo Trần Hữu Trí đã hướng dẫn chúng mình rất tỉ mỉ và cụ thể từ việc xây dựng dàn bài, cách tìm tài liệu tham khảo, trình bày ra sao, ghi nguồn như thế nào,… Những điều này đều là bài học quý giá giúp sinh viên trong quá trình làm nghiên cứu khoa học hay khóa luận tốt nghiệp sau này. Bài báo cáo này sinh viên sẽ được thầy nhận xét để sửa lại trước hạn nộp bài chính thức, mình nhớ lần thầy gửi lại cho mình bài nhận xét, lúc đó đã là 1 giờ sáng rồi.
Được thầy căn dặn từng chút và sửa bài cho đến tận khuya như vậy khiến mình có một cái nhìn khác rất nhiều về môi trường đại học. Trước đây mình luôn nghĩ là, thầy cô ở trường đại học sẽ không cầm tay chỉ bảo cho học sinh từng li từng tí một như lúc học phổ thông nữa. Nhưng chúng mình vẫn được thầy quan tâm và chỉ dạy tận tình như vậy. Điều đó làm mình rất biết ơn thầy và cảm thấy may mắn vì được học lớp học này của thầy.
Mình rất sẵn sàng giới thiệu cho các hậu bối của mình về môn học này. Mong rằng các bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời như mình không chỉ ở môn học này của thầy Trí mà còn ở những môn học khác tại ULIS.
PV: Cảm ơn Trang vì những chia sẻ hữu ích và chân thực về học phần “Tìm hiểu cộng đồng châu Á”. Chúc bạn học tập tốt và có thêm thật nhiều trải nghiệm đáng nhớ như vậy trong thời gian học tập tới tại ULIS!
Một số hình ảnh của lớp học “Tìm hiểu cộng đồng châu Á” trong học kì 1 năm học 2021-2022:

ULIS Media