Đề án Địa phương: Sơ kết hoạt động thực địa đợt 2 tại Lạng Sơn và Thanh Hóa
Ngày 29/1/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi sơ kết đợt thực địa 2 tại Lạng Sơn, Thanh Hóa và chuẩn bị cho những hoạt động triển khai sắp tới của Đề án Địa phương (Chương trình hợp tác với Sở GD&ĐT Lạng Sơn và Sở GD&ĐT Thanh Hóa để nâng cao năng lực dạy và học ngoại ngữ tại địa phương).
Tham dự có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Chủ tịch HĐ TVHT&PT Nguyễn Lân Trung, Trưởng phòng KHTC Lê Thị Khánh Trang, Trưởng phòng HCTH Nguyễn Đoàn Phượng, Phó Trưởng phòng HCTH Nguyễn Thị Lan Hường, Trưởng khoa ĐT&BDNN Hoa Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh ghi nhân sự chủ động tích cực, tinh thần nhiệt tình của tất cả các cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia Đề án. Đồng thời, Hiệu trưởng cũng đánh giá cao tinh thần hợp tác và công tác phối hợp của hai Sở và các trường địa phương. Do kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các thầy cô tiếp tục nỗ lực triển khai công tác trong giai đoạn cuối để Đề án Địa phương đạt được kết quả cao nhất.
Trong buổi họp, Trưởng khoa ĐT&BDNN Hoa Ngọc Sơn đã báo cáo về công tác tổ chức của hoạt động thực địa đợt 2 tại Lạng Sơn và Thanh Hóa và tổ chức thi thử đợt 1 tại các trường THPT. Theo đó, từ 21-26/01 vừa qua, nhóm giảng viên và sinh viên Nhà trường đã tham gia chương trình thực địa đợt 2 tại 10 trường THPT ở Lạng Sơn và 4 trường THPT ở Thanh Hóa. Các hoạt động của đoàn bao gồm: bồi dưỡng cho giáo viên phương pháp giảng dạy và ôn luyện môn tiếng Anh, tập huấn sử dụng tài liệu ôn tập cho giáo viên, tổ chức các hoạt động trên lớp và ngoại khóa nhằm khơi gợi đam mê học tiếng Anh cho học sinh,… Công tác thực địa và hậu cần đều diễn ra thuận lợi và được đánh giá cao.
Sau đó, ngày 26/1, Nhà trường đã tổ chức thi thử đợt đầu tiên theo đúng quy chế thi THPT quốc gia với những quy định nghiêm ngặt về công tác sao in đề, coi thi tại 14 điểm trường. Tổng cộng đã có 138 phòng thi tại Lạng Sơn, 72 phòng thi tại Thanh Hóa được bố trí tổ chức thi. Kỳ thi đã diễn ra thành công với hơn 4.841 thí sinh dự thi.
Trưởng khoa ĐT&BDNN Hoa Ngọc Sơn báo cáo công tác triển khai nhiệm vụ của Đề án
Trong phần sau của buổi sơ kết, các thành viên đã tiến hành trao đổi và thảo luận về các công tác sắp tới của Đề án. Theo kế hoạch, Nhà trường sẽ tổ chức chấm đợt thi thử và dự kiến có kết quả trước 20/2. Tài liệu hướng dẫn chấm (giấy và video số hóa) sẽ được chuyển ngay tới các giáo viên địa phương. Kết quả phân tích điểm thi cũng sẽ được Nhà trường thực hiện và gửi tới Sở, trường để các đơn vị nắm bắt tình hình và tổ chức triển khai ôn luyện hiệu quả.
Trong tháng 3/2019, Nhà trường sẽ xây dựng đề thi, sao in và phối hợp với các Sở, các trường để tổ chức kỳ thi thử đợt 2. Kỳ thi này do Sở GD&ĐT địa phương đảm nhiệm tổ chức và do các trường tự bố trí thời gian thi thích hợp. Ngày 27/4, kỳ thi thử đợt 3 sẽ diễn ra với sự tham gia tổ chức thi và coi thi của ULIS.
Từ ngày 20-21/4, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động tập huấn tập trung cho giáo viên (28 giáo viên Thanh Hóa và 87 giáo viên Lạng Sơn) lần thứ 2. Sẽ có hai diễn giả tham gia là Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh và một chuyên gia luyện thi để trình bày về các nội dung liên quan đến khai thác tài liệu và ôn luyện cho học sinh.
Từ ngày 22-27/4, đoàn giảng viên và sinh viên ULIS tiếp tục tham gia chương trình thực địa đợt 3. Trong thời gian này, đoàn tập trung ôn luyện và chia sẻ kinh nghiệm cho học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Nhiều ý kiến đóng góp đã được nêu ra trong cuộc họp để chuẩn bị cho các công tác triển khai sắp tới hiệu quả. Khép lại buổi sơ kết, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh vai trò của tất cả các thầy cô và sinh viên ULIS đối với sự thành công của Đề án; sự cần thiết của hai Sở GD&ĐT trong việc chỉ đạo quyết liệt và quan tâm đến công tác triển khai Đề án và sự phối hợp của các trường địa phương.
Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media