Lan tỏa tinh thần dạy và học ngoại ngữ tại các trường học ở 5 tỉnh, thành – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Lan tỏa tinh thần dạy và học ngoại ngữ tại các trường học ở 5 tỉnh, thành

Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ các cấp phổ thông về nâng cao năng lực sư phạm thuộc Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022, từ ngày 03/10 đến ngày 28/10/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai hoạt động thực địa bồi dưỡng tại 72 điểm trường các cấp phổ thông dành cho gần 1.300 giáo viên ngoại ngữ bậc Tiểu học, THCS, THPT tại 5 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Hải Dương, Yên Bái, Phú Thọ và Lạng Sơn).

Trước đó, ngay từ những ngày đầu năm học mới 2022-2023, Nhà trường đã phối hợp với các sở Giáo dục và Đào tạo, làm việc trực tiếp với lãnh đạo, tổ bộ môn ngoại ngữ của các trường phổ thông, để xây dựng kế hoạch thực địa bồi dưỡng hiệu quả, đạt mục tiêu khóa học đã đề ra trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát triển khai từ tháng 3 năm 2022 và nội dung bồi dưỡng chính khóa thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2022.

Chương trình “Ngày hội tiếng Anh và các hoạt động trải nghiệm” tại Yên Bái

Với thời lượng thực địa là 03 ngày, các giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã có hoạt động thiết thực, trao đổi và chia sẻ với các đồng nghiệp giáo viên ngoại ngữ ngay chính tại các lớp học ngoại ngữ trong khuôn viên của trường phổ thông ở các địa phương.

Hoạt động thực địa chủ yếu bao gồm 02 nội dung chính: thực hành giảng dạy thực tế khóa bồi dưỡng PPGD đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới môn tiếng Anh về xây dựng giáo án mục tiêu bài giảng và phương pháp dạy học phân hóa (giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ nghe báo cáo tình hình dạy học ngoại ngữ các trường phổ thông, dự giờ, đánh giá nhận xét giáo án và thực hành dạy học của học viên, thảo luận theo nhóm, trao đổi rút kinh nghiệm dạy học…)  tổ chức hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng hệ sinh thái sử dụng và học tập ngoại ngữ tại các trường phổ thông (nội dung hoạt động đa dạng, bao gồm: hoạt động của các câu lạc bộ tiếng Anh, Ngày hội tiếng Anh (Ngày sử dụng tiếng Anh), rung chuông vàng, bích báo hướng đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cuộc thi tiếng Anh (thi hùng biện, thi viết), lễ hội văn hóa Phương Tây…)

Với sự chuẩn bị/khảo sát tiền trạm/trao đổi kỹ lưỡng và công phu giữa giảng viên và giáo viên/học viên, chương trình rất được giáo viên ngoại ngữ và học sinh các trường phổ thông đón nhận tích cực và hào hứng. Đặc biệt, một số phòng giáo dục và đào tạo địa phương đã bày tỏ mong muốn cho các giáo viên tiếng Anh không thuộc đối tượng học viên của khóa bồi dưỡng được cùng tham dự hoạt động thực địa này.

Chương trình thực địa tại các trường học do Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN thực hiện theo Chương trình Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang đem đến những luồng không khí tích cực mới, lan tỏa tinh thần và phương pháp dạy-học ngoại ngữ hiện đại, nhân văn đến các địa phương.

Tổng hợp