Đào tạo Biên Phiên dịch trên thế giới và những gợi ý cho Việt Nam
Ngày 19/2/2022, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà nội đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đào tạo Biên Phiên dịch trên thế giới và những gợi ý cho Việt Nam”.
Tham dự tọa đàm có lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ. Đồng thời, tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực biên phiên dịch tham dự và trao đổi (đặc biệt là đại diện đến từ Đại học Hà Nội và Học viện Ngoại giao) cùng với nhiều đại biểu quan tâm trong nước và quốc tế.
Mở đầu chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã có bài phát biểu đề dẫn. Trải qua quá trình phát triển, ngành dịch thuật đã có được những sự thay đổi và thích ứng phù hợp với thời đại. Tọa đàm lần này tiếp nối tọa đàm “Những điều nhạy cảm và ứng phó của Biên/Phiên dịch” trước đó và chắc sẽ bổ sung nhiều kiến thức thú vị, ý nghĩa cho đại biểu tham dự.
Trong hơn 2 giờ làm việc đã có nhiều báo cáo được trình bày. Trong báo cáo đầu tiên với tiêu đề “Tổng quan về các đường hướng sư phạm dịch thuật trên thế giới và một số gợi ý cho đào tạo BPD ở Việt Nam”, PGS. TS. Lê Hùng Tiến đã trình bày khái lược lý luận nền tảng của Sư phạm dịch thuật và sự phát triển của sư phạm dịch thuật từ nửa cuối TK 20 đến nay thông qua những đường hướng, phương thức khác nhau để đào tạo biên phiên dịch trên thế giới. Đồng thời, diễn giả cũng vạch rõ ra những thách thức mà nghiên cứu – giáo dục biên phiên dịch đang gặp phải và đưa ra một vài gợi ý cho Việt Nam.
Trong phần tiếp theo, GS. TS. Vũ Văn Đại (Trường Đại học Hà Nội) đã trình bày báo cáo về chủ đề “Tiêu chí đánh giá năng lực dịch thuật gắn với đào tạo biên phiên dịch”. Sau khi trình bày về bối cảnh, mục tiêu và đối tượng nghiên cứu, diễn giả đã đi tới kết luận với một vài tiêu chí đánh giá năng lực dịch thuật, trong đó nhấn mạnh tiêu chí truyền thống vẫn phổ biến rộng rãi: Tín, Đạt, Nhã. Đặc biệt, những phương pháp đánh giá quá trình trong dịch thuật cũng được diễn giả nhắc đến và nhấn mạnh.
Sau hai báo cáo chính là những báo cáo tóm tắt của các chuyên gia đến từ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Hà Nội và Học viện Ngoại giao, bao gồm:
– Chương trình và phương pháp đào tạo biên phiên dịch ở các nước nói tiếng Pháp (ESIT và Hiệp hội CIUTI).
– Những đường hướng đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp ở các nước nói tiếng Đức.
– Quá trình đào tạo dịch thuật ở Trung Quốc.
– Lịch sử dịch thuật và thực trạng đào tạo biên phiên dịch tại Nhật Bản.
– Đào tạo biên phiên dịch tại Hàn Quốc. Dịch văn học và đào tạo dịch văn học tại Nga.
– Đào tạo biên phiên dịch ở Nga.
…
Bên cạnh các phần trình bày báo cáo là hoạt động hỏi đáp, thảo luận sôi nổi diễn ra trực tuyến trên Zoom. Đã có hơn 130 câu hỏi được đặt ra và giải đáp tại tọa đàm.
Tọa đàm “Đào tạo Biên Phiên dịch trên thế giới và những gợi ý cho Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng làm nghề biên phiên dịch và giảng dạy biên phiên dịch tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Trường Đại học Ngoại ngữ sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động về chủ đề này.
Một số hình ảnh khác:
Thanh Tú-ULIS Media