CTĐT Chất lượng cao theo Thông tư 23: Ưu việt, tiến bộ và vì người học – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

CTĐT Chất lượng cao theo Thông tư 23: Ưu việt, tiến bộ và vì người học

Ngày 17/8/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt các tân sinh viên của các Chương trình đào tạo Chất lượng cao theo Thông tư 23.

Đến tham dự buổi gặp mặt có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch Hội đồng HTPT Nguyễn Lân Trung, đại diện lãnh đạo và cán bộ các đơn vị trực thuộc trường cùng hơn 300 tân sinh viên K52 theo học 3 CTĐT CLC mới.

Trao thưởng cho 3 Thủ khoa CTĐT CLC

Trong năm học 2018-2019, Nhà trường bắt đầu tuyển sinh 3 CTĐT CLC mới theo Thông tư 23 là CLC Ngôn ngữ Hàn Quốc, CLC Ngôn ngữ Nhật Bản, CLC Ngôn ngữ Hàn Quốc. Đây là các CTĐT thu học phí đảm bảo chất lượng đào tạo với những ưu điểm đặc biệt về chương trình học tập, cơ sở vật chất, chuẩn đầu ra,… Đã có 322 em trúng tuyển và nhập học các ngành này.

Chương trình gặp mặt bắt đầu bằng các trò chơi vui nhộn, tạo nên bầu không khí gần gũi và thân thiết giữa các thầy cô và các em sinh viên. Sau đó, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã trao quyết định khen thưởng với phần thưởng trị giá 10 triệu/sinh viên cho Thủ khoa 3 ngành CLC theo Thông tư 23 là em Nguyễn Thị Mỹ Phượng (CLC Ngôn ngữ Hàn), Mã Lâm Phương (CLC Ngôn ngữ Trung) và Đoàn Thị Uyên (CLC Ngôn ngữ Nhật).

Buổi gặp mặt bắt đầu bằng các trò chơi thú vị

Phát biểu tại buổi gặp mặt, TS. Đỗ Tuấn Minh khẳng định các em rất đặc biệt khi là những sinh viên đầu tiên của các CTĐT CLC theo Thông tư 23 của trường. Hiệu trưởng bày tỏ niềm vui khi điểm chuẩn và sự quan tâm của phụ huynh, thí sinh là các dấu hiệu mở đầu cho một năm học thành công của những CTĐT CLC. Học 3 CTĐT CLC này, các em sinh viên sẽ được trải nghiệm “những điều ưu việt nhất, tiến bộ nhất, vì người học nhất” đã được đưa vào chương trình đào tạo. Nhà trường cam kết sẽ đào tạo để đảm bảo các em có được 6 nhóm năng lực, 6 ưu điểm nổi bật so với các CTĐT chuẩn như đã thông báo.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cũng cho biết dự định của Nhà trường xây dựng một “CLC Kingdom”, một không gian riêng để các tân sinh viên CLC tạo nên một “Vương quốc riêng”. Ngoài ra, Nhà trường cũng sẽ xây dựng và tuyển sinh các CTĐT CLC theo Thông tư 23 các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Đức, Ngôn ngữ Ả Rập trong thời gian tới.

Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh mong rằng các sinh viên sẽ xây dựng nên một “Vương quốc CLC” đặc biệt tại ULIS

Trong phần sau của chương trình, PGS. TS. Hà Lê Kim Anh đã chia sẻ về triết lý của Nhà trường khi mở 3 CTĐT CLC mới là: Tri nhận xã hội, lấy người học làm trung tâm và tự chủ đại học (nâng cao năng lực tự trị của sinh viên). Trưởng phòng Đào tạo cũng nhấn mạnh lại 6 nhóm năng lực của sinh viên các CTĐT này sau khi ra trường (Xem chi tiết tại ĐÂY).

Phó Trưởng phòng CT&CTHSSV/Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Nguyễn Huyền Trang và Bí thư Đoàn Thanh niên Nguyễn Hoàng Giang đã cam kết hỗ trợ các sinh viên 3 CTĐT CLC mới một cách tối đa. “Hồ sơ thực tập” và những hoạt động ngoại khóa CLB, khởi nghiệp, tình nguyện vì cộng đồng,… và đặc biệt là một “vương quốc” riêng sẽ đem đến cho các em sinh viên CLC những lợi ích và trải nghiệm ý nghĩa của thời sinh viên.

Tiếp theo, Trưởng khoa NN&VH Trung Quốc Phạm Minh Tiến, Trưởng khoa NN&VH Nhật Bản Đào Thị Nga My, Trường khoa NN&VH Hàn Quốc Trần Thị Hường đã chia sẻ về chương trình đào tạo của 3 ngành cùng với những cơ hội rộng mở cho các em sinh viên về học bổng, giao lưu với sinh viên quốc tế, thực tập tại doanh nghiệp nước ngoài,…

Trong phần cuối của chương trình, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long và Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã có một số lời khuyên bổ ích cho các tân sinh viên trong vấn đề học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa.

Bao cảm xúc băn khoăn đã chuyển thành những nụ cười vui, tin tưởng

Trong thời gian tới, Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN sẽ thành lập Ban Chỉ đạo các CTĐT CLC theo Thông tư 23 và sẽ thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt sinh viên các ngành CLC để từ đó lắng nghe, tìm hiểu về nhu cầu, góp ý giúp xây dựng chương trình đào tạo ngày càng tốt hơn.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media