CTĐT Chất lượng cao: Đầu tư cao hơn, nỗ lực cao hơn, yêu cầu cao hơn để chất lượng cao hơn – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

CTĐT Chất lượng cao: Đầu tư cao hơn, nỗ lực cao hơn, yêu cầu cao hơn để chất lượng cao hơn

Ngày 4/10/2018, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi gặp mặt các giảng viên giảng dạy cho sinh viên CTĐT Chất lượng cao theo Thông tư 23/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên tinh thần cuộc họp, sắp tới sinh viên CLC sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm học tập, ngoại khóa đa dạng.

Tham dự cuộc gặp có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy, các thành viên Ban Chỉ đạo CTĐT CLC cấp Trường và cấp Khoa, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên tham gia giảng dạy cho sinh viên CTĐT CLC theo Thông tư 23 ở các Khoa NN&VH Trung Quốc, NN&VH Nhật Bản, NN&VH Hàn Quốc.

Mở đầu chương trình, Thư ký Ban Chỉ đạo Nguyễn Đoàn Phượng đã trình bày báo cáo những công việc Ban Chỉ đạo đã thực hiện và báo cáo thông tin chung về sinh viên CTĐT CLC theo Thông tư 23. Theo đó, kể từ khi thành lập, Ban đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng, phát triển, nâng cao CTĐT và chất lượng phục vụ đào tạo sinh viên CLC theo Thông tư 23. Năm nay, Nhà trường đón 1.500 thí sinh nhập học, trong đó có 322 sinh viên thuộc CTĐT CLC theo Thông tư 23 (4 lớp Ngôn ngữ Trung Quốc CLC gồm 101 sinh viên, 4 lớp Ngôn ngữ Hàn Quốc CLC gồm 109 sinh viên, 5 lớp Ngôn ngữ Nhật Bản CLC gồm 112 sinh viên). Điểm chuẩn đầu vào tốt (từ 26-28 điểm) với điểm thủ khoa cao (Ngôn ngữ Trung là 35,08 điểm, Ngôn ngữ Nhật là 34.72 điểm và Ngôn ngữ Hàn là 36,42 điểm) là những minh chứng về chất lượng tuyển sinh tốt của ba ngành đào tạo CLC mới này.

Báo cáo về công tác giảng dạy cho sinh viên CTĐT CLC và kế hoạch triển khai đào tạo trong học kỳ I và II năm học 2018-2019 của 3 Trưởng khoa NN&VH Trung Quốc, NN&VH Nhật Bản, NN&VH Hàn Quốc; Báo cáo của các Ủy viên Ban Chỉ đạo CTĐT CLC theo TT23 phụ trách các lĩnh vực được phân công về công tác đào tạo chung, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin-truyền thông và học liệu, đoàn thanh niên thể hiện rõ sự quan tâm của Nhà trường đến các sinh viên của CTĐT CLC theo Thông tư 23. Nhà trường đã và đang triển khai thêm nhiều hoạt động để tạo điều kiện học tập, sinh hoạt ngoại khóa thuận lợi nhất cho sinh viên: phân công các giảng viên Việt Nam và nước ngoài có trình độ cao, xây dựng kế hoạch ngoại khóa trong và ngoài nước, xây dựng chương trình đào tạo tổng thể, tạo điều kiện đăng ký học bổng cho sinh viên, tổ chức các workshop hướng nghiệp và phát triển kỹ năng, xây dựng khu tự học cho sinh viên,… Phần trao đổi sau đó cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất giá trị của các thầy cô giáo trực tiếp phụ trách giảng dạy sinh viên CLC.

TS. Phạm Minh Tiến cho biết các giảng viên giảng dạy Ngôn ngữ Trung CLC đều có học vị tiến sĩ

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Hiệu trưởng Ngô Minh Thủy nhận định xây dựng các CTĐT CLC theo Thông tư 23 phù hợp với xu hướng tự chủ đại học hiện nay. Chia sẻ các thông tin về CTĐT này nói chung, bà khẳng định Nhà trường quan tâm và có những chính sách ưu tiên phù hợp trên tinh thần chất lượng cao cho các sinh viên CTĐT CLC.

Khép lại buổi gặp mặt, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh bày tỏ sự vui mừng khi nhận thấy rõ tính thần trách nhiệm, quyết tâm cao, sẵn sàng nhập cuộc để nâng cao chất lượng CTĐT CLC của các thành viên ban chỉ đạo và thầy cô giảng dạy. Trích dẫn Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ghi rằng mục đích của CTĐT CLC là “Nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học ở những cơ sở đào tạo có đủ điều kiện nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tính cạnh tranh cao trên thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới” (Xem chi tiết Thông tư 23), Hiệu trưởng khẳng định CTĐT CLC là đầu tư cao hơn, nỗ lực cao hơn, yêu cầu cao hơn để mong muốn có chất lượng cao hơn (Khác các CTĐT CLC khác là tuyển chọn sinh viên giỏi sau khi vào học). Ông ghi nhận nỗ lực của các thành viên trong Ban Chỉ đạo, của các thầy cô giảng dạy và mong rằng các khoa, các thầy cô sẽ tăng tính chủ động để tăng cường các yếu tố chất lượng, giúp các sinh viên CLC cảm nhận rõ sự quan tâm của Nhà trường, yêu mến và trở thành một phần đích thực của ULIS.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media