Cô giáo người Dao “truyền lửa” đam mê cho học trò nghèo
Chúng tôi đến Trường PTDT bán trú THCS Y Tý (huyện Bát Xát) vào một ngày đầu đông. Nói về những kết quả nổi bật trong công tác giáo dục của trường, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thanh khoe: Là trường học vùng cao xa xôi nhất tỉnh, điều kiện còn khó khăn, nhưng mấy năm qua trường luôn có học sinh đoạt giải thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, thi đỗ vào những trường tốp đầu của tỉnh như Trường THPT Chuyên, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Người luôn tận tâm, nhiệt huyết, “truyền lửa” đam mê cho học sinh là cô giáo người Dao Tẩn Mùi Phin.
Cô giáo Tẩn Mùi Phin bồi dưỡng học sinh ôn thi học sinh giỏi môn tiếng Trung Quốc. |
Cô giáo người Dao dạy học trò giỏi ngoại ngữ
Chiều muộn, sương mù bao phủ khắp nơi kèm theo cái lạnh tê tái của vùng sơn cước như ôm lấy ngôi trường nhỏ nằm ở trung tâm xã Y Tý, nơi có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển. Các lớp học đã tan từ lâu nhưng vẫn còn một phòng học nhỏ sáng ánh điện. Trong lớp, một cô giáo dáng người nhỏ bé mặc chiếc áo khoác dày đang miệt mài hướng dẫn hơn chục học sinh học bài. Mải mê bên trang sách và những đề thi môn tiếng Trung Quốc, cả cô và trò dường như quên mất sương mù đang len lỏi theo khe cửa vào tận trong phòng và một ngày sắp hết.
Em Tẩn Sài Mẩy, dân tộc Dao, học sinh lớp 9A cho biết: Nhà em ở thôn Sim San, cách trường hơn 10 km nên em được ở bán trú tại trường. Trong các môn học, em thích học môn tiếng Trung Quốc nhất. Em rất vui vì được cô giáo Tẩn Mùi Phin chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Trung Quốc và luôn chỉ bảo tận tình. Năm học trước em đoạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi huyện Bát Xát môn tiếng Trung Quốc.
Em Sùng Thị Hoa, dân tộc Mông, học sinh lớp 8C, cũng là thành viên đội tuyển học sinh giỏi tiếng Trung Quốc của trường bộc bạch: Cô giáo Phin thường xuyên giao bài tập và các đề thi nâng cao cho chúng em làm. Cô luôn nhẹ nhàng, gần gũi với chúng em như người trong gia đình, bài nào khó em đều nhờ cô hướng dẫn thêm cho hiểu. Em rất vui khi tham gia cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện môn tiếng Trung Quốc và đã đoạt giải Ba.
Trong những năm qua, không chỉ em Mẩy, em Hoa, mà qua sự chỉ dạy của cô giáo Tẩn Mùi Phin, nhiều học sinh ở các khóa học trước của ngôi trường cũng trở thành những học sinh giỏi môn tiếng Trung Quốc, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và thi đỗ vào những trường THPT hàng đầu của tỉnh. Tiêu biểu như năm học 2017 – 2018, các em: Lý Thó Gơ, Ly Xá Gơ, dân tộc Hà Nhì đoạt giải Nhì, giải Ba thi học sinh giỏi tiếng Trung Quốc cấp huyện. Năm học 2018 – 2019, em Ly Xá Gơ đoạt giải Ba, em Ly Thó Gơ đoạt giải Khuyến khích cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Riêng em Ly Thó Gơ thi đỗ vào lớp chuyên tiếng Trung Quốc, Trường THPT Chuyên Lào Cai, còn em Ly Xá Gơ thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Năm học 2021 – 2022, em Giàng Thị Giống, dân tộc Mông, thi đỗ lớp chuyên tiếng Trung Quốc, Trường THPT Chuyên Lào Cai.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thanh cho biết: Mỗi năm nhà trường có hơn 100 học sinh học môn tiếng Trung Quốc và cô giáo Tẩn Mùi Phin là giáo viên dạy tiếng Trung Quốc duy nhất của trường. So với những môn học khác thì tiếng Trung Quốc là môn học khó, nhưng nhờ cô giáo Phin mà Trường PTDT bán trú THCS Y Tý nằm trong số ít trường có những học sinh dân tộc thiểu số học giỏi môn này. Đây là niềm tự hào, vinh dự lớn của trường.
“Truyền lửa” đam mê cho học trò nghèo
Lần đầu gặp cô giáo Tẩn Mùi Phin, ấn tượng của chúng tôi là sự gần gũi và cởi mở của một cô giáo người dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ngoài những thành tích mà cô đạt được trong bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi càng thêm trân trọng khi biết những nỗ lực vượt khó của cô ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Những giờ dạy môn tiếng Trung Quốc của cô giáo Phin luôn hấp dẫn học sinh. |
Cô giáo Tẩn Mùi Phin tâm sự: Tôi sinh ra ở làng người Dao đỏ thôn Bản Pho, xã Bản Qua (Bát Xát), trước đây đường lên thôn rất gian nan. Nhà tôi có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ rất vất vả nuôi 3 anh chị em tôi ăn học. Từ nhà tới trường phải đi bộ 7 km, hồi đó đa số nữ sinh của thôn học hết lớp 9 là ở nhà lấy chồng, giúp bố mẹ lao động. Điều đó càng thôi thúc tôi quyết tâm học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo. Học hết THCS, tôi thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, sau đó được cử đi học lớp Đại học tiếng Trung Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tốt nghiệp đại học năm 2011, cô giáo Phin được phân công về công tác tại Trường PTDT bán trú THCS Y Tý. Nhìn học trò của trường chủ yếu là con em hộ nghèo người Mông, người Dao, người Hà Nhì, cô lại nhớ những năm tháng tuổi thơ gian khó của mình.
Ở vùng đất quanh năm mù sương này, các em chỉ có con đường học thật giỏi mới có thể thoát khỏi đói nghèo, có tương lai tươi sáng. Đó cũng là động lực để cô bám trụ ở Y Tý hơn 10 năm qua, “truyền lửa” đam mê cho học trò.
Theo cô giáo Tẩn Mùi Phin, để dạy học sinh vùng cao giỏi ngoại ngữ không hề dễ. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số, giao tiếp hạn chế, dạy các em giỏi tiếng Việt đã khó, dạy Ngoại ngữ càng khó gấp nhiều lần. Giải pháp của cô giáo Phin là tăng cường dạy từ vựng và ngữ pháp để học sinh có vốn từ phong phú, nắm chắc cách viết câu, viết đoạn văn. “Học sinh người dân tộc thiểu số tuy hạn chế về môi trường học tập nhưng thuận lợi trong học ngoại ngữ là có nhiều âm trong ngôn ngữ bản địa gần giống với tiếng Trung Quốc. Vì thế, tôi động viên các em tích cực giao tiếp với nhau bằng ngoại ngữ. Ngoài ra, tôi thường xuyên tìm các đề thi, bài tập nâng cao để các em luyện giải, nâng cao kỹ năng, kiến thức. Trong những giờ ôn tập cho học sinh, tôi chia thành từng nhóm đối tượng để giao bài phù hợp với năng lực của các em”, cô giáo Phin chia sẻ.
Sau hơn 10 năm gắn bó với vùng cao Y Tý, giờ đây cô giáo Tẩn Mùi Phin đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc ở chính nơi này. Chồng cô là người Hà Nhì, là cán bộ văn hóa xã Y Tý, luôn chia sẻ, động viên và ủng hộ cô cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Dù công việc bận rộn, nhưng mỗi năm học có thêm nhiều học sinh đam mê học ngoại ngữ và đạt thành tích cao trong học tập chính là phần thưởng và niềm động viên lớn nhất đối với cô.
Theo Báo Lào Cai