Chương trình Tiếp nhận góc sách Ba Lan và tọa đàm “Cuộc đối thoại ngôn ngữ: Dịch giả Việt Nam và văn học Ba Lan”
Ngày 28/11/2023, tại tầng 3 nhà A9, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiếp đón Đại sứ quán Ba Lan đến trao tặng góc sách và tổ chức tọa đàm “Cuộc đối thoại ngôn ngữ: Dịch giả Việt Nam và văn học Ba Lan”. Chương trình đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên quan tâm.
Tham dự chương trình, về phía Đại sứ quán Ba Lan có sự góp mặt của Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Justyna Pabian, Trưởng phòng Ngoại giao công chúng Victoria Huyền Nguyễn, Đại diện phòng Kinh tế – Chính trị Nguyễn Mai Quyên. Về phía Nhà trường có sự tham gia của Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông, đại diện các phòng ban, cùng giảng viên và sinh viên quan tâm.
Mở đầu chương trình Tiếp nhận góc sách Ba Lan, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Justyna Pabian đã bày tỏ sự vui mừng khi thấy rất đông sinh viên ULIS có mặt cũng như các dịch giả – những người bạn thân yêu của Ba Lan, các sinh viên tốt nghiệp ngoại ngữ Ba Lan và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Nhà trường đã tổ chức sự kiện này.
Bà Justyna Pabian mong rằng với việc là một trong ba trường đại học thuộc dự án Tiếp nhận góc sách từ phía Đại sứ quán Ba Lan, Trường Đại học Ngoại ngữ có thể truyền tải văn học Ba Lan đến độc giả Việt Nam nói chung và trong trường nói riêng một cách mạnh mẽ. Bà cũng hy vọng cuộc thi Book Review do Đại sứ quán Ba Lan tổ chức có thể nhận được sự quan tâm đông đảo hơn nữa để các bạn học sinh, sinh viên không chỉ tiếp nhận được giá trị và cơ hội mà văn học, cũng như ngôn ngữ Ba Lan đem lại, có thể kể đến là việc được học tập và sinh sống tại Ba Lan với 20 suất học bổng thường niên được Chính phủ Ba Lan hỗ trợ.
Tiếp nối chương trình, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp đoàn đại biểu Ba Lan cùng các em sinh viên quan tâm tới sách ngày hôm nay và gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán vì đã cung cấp một số lượng sách rất hữu ích về văn học thế giới cho Nhà trường.
Phó Hiệu trưởng đã có những chia sẻ rất hay về văn học Ba Lan, về “những cuốn sách đã khiến thầy mất ngủ nhiều đêm để đọc xong lúc còn nhỏ” và mong muốn cuộc thi Book Review sẽ là một sân chơi có ý nghĩa, vun đắp cho các em học sinh sinh viên những kiến thức ý nghĩa về văn học và dịch thuật. Ngoài ra, thầy giới thiệu đôi lời về dịch thuật, về những tác phẩm mà bản thân đã từng hiệu đính và tự tay chắp bút, giúp các bạn sinh viên tham gia chương trình phần nào hiểu thêm về dịch thuật. Phó Hiệu trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ quán Ba Lan vì chương trình trao tặng sách vô cùng ý nghĩa và hy vọng các sinh viên sẽ trân trọng những món quà quý giá này.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ra mắt góc sách và tặng sách/quà lưu niệm
Tiếp nối chương trình Tiếp nhận góc sách Ba Lan là tọa đàm “Cuộc đối thoại ngôn ngữ: Dịch giả Việt Nam và văn học Ba Lan” với sự góp mặt của ba dịch giả Ba Lan nổi tiếng: PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng, dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, Giáo sư Nguyễn Trí Thuật. Cả ba thầy cô đều là những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch thuật và đạt được nhiều giải thưởng, huân chương danh giá trong và ngoài nước, đặc biệt là những giải thưởng do Chính phủ Ba Lan trao tặng.
Mở đầu tọa đàm là những lời chia sẻ truyền cảm hứng đến từ phía ba dịch giả để trả lời cho câu hỏi: “Điều gì đã truyền cảm hứng cho thầy cô trở thành dịch giả, đặc biệt là dịch giả tiếng Ba Lan?”
Cô Nguyễn Thị Thanh Thư chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã sống trong thế giới của sách và hình thành thói quen đọc sách, một ngày không đọc thì thấy khó chịu lắm. Khi tôi sang Ba Lan, hầu như bên đó không có sách Việt Nam, thế nên tôi đọc sách Ba Lan. Tôi thường lên thư viện để đọc, ngày nào cũng thế và cảm thấy thích lắm. Lúc đó tôi đã nghĩ là mình nhất định phải dịch sách Ba Lan để mọi người cùng đọc. Thế nên tôi nghĩ rằng chính niềm say mê đọc sách đã trở thành động lực để tôi trở thành dịch giả.”
Tiếp nối cho lời chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thanh Thư, thầy Nguyễn Trí Thuật cũng có những tâm sự rất hay về lí do “bén duyên” với dịch thuật Ba Lan. Thầy chia sẻ rằng mình “‘bị’ Đại sự quán phân công đi học văn học Ba Lan, dù thấy tủi thân nhưng không thể làm gì khác được”, nhưng cũng chính nhờ sự phân công đó mà thầy đã thầm khẳng định rằng tiếng Ba Lan là của mình, thuộc về mình và cũng chính khoảnh khắc đó, thầy xác định cả cuộc đời sẽ gắn bó với dịch thuật văn học Ba Lan.
Thầy Nguyễn Hữu Dũng cũng có những lời chia sẻ rất hóm hỉnh: “Tôi không may mắn như thầy Thuật hay cô Thư, hai thầy cô đều học ngôn ngữ và tới Ba Lan để học Đại học, còn tôi chỉ là một cậu trai học kỹ thuật trong nước, tôi học về động cơ đốt trong và khi học Tiến sĩ thì tôi cũng học về quá trình cháy của động cơ đốt trong, hoàn toàn không liên quan gì đến văn học Ba Lan cả. Thế nên để trả lời cho câu hỏi vừa rồi thì tôi chỉ có một từ thôi: Tình yêu. Chính tình yêu và vẻ đẹp của ngôn ngữ Ba Lan đã mang tôi đến, chứ trong thế giới động cơ đốt trong của tôi không hề có tình yêu hay vẻ đẹp, vì cháy hết rồi mà. Thế nhưng tình yêu trong ngôn ngữ Ba Lan, trong văn học Ba Lan thì lớn lắm, lớn và gần gũi với tôi vô cùng. Khoảnh khắc tôi đặt chân xuống Ba Lan lần đầu tiên, tôi cảm thấy có điều gì gần gũi lắm. Chắc kiếp trước tôi là người Ba Lan nên kiếp này tôi học tiếng Ba Lan mới dễ dàng như thế.”
Những lời tâm sự, chia sẻ cho câu hỏi đầu tiên đã làm không khí của buổi tọa đàm trở nên vui vẻ và gần gũi hơn rất nhiều. Tiếp đó, các dịch giả lần lượt chia sẻ về những kinh nghiệm, thách thức mà bản thân gặp phải khi dịch tiếng Ba Lan. Những câu trả lời đều vô cùng thực tế, chứa đựng những kinh nghiệm vô cùng sâu sắc.
Chính những câu trả lời rất thực tế và gần gũi đó đã đốc thúc các bạn sinh viên đặt câu hỏi với mong muốn nhận về những lời giải đáp thiết thực, bổ ích. Các dịch giả cũng vô cùng tâm huyết khi đưa ra câu trả lời giải đáp thắc mắc cho các bạn sinh viên.
Chương trình tiếp nhận góc sách Ba Lan và tọa đàm “Cuộc đối thoại ngôn ngữ: Dịch giả Việt Nam và văn học Ba Lan” đã diễn ra vô cùng thành công với sự tham gia nhiệt tình của các bạn sinh viên. Mong rằng chương trình đã mang lại cho các bạn sinh viên những kiến thức bổ ích, giúp các bạn hiểu thêm được phần nào về dịch thuật và trở thành một phần hành trang đi theo các bạn trên con đường dịch giả sau này.
Một số hình ảnh khác:
Thu Hường-Minh Quang/ĐSTT