Chùm thơ: “Những người thầy ULIS” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Chùm thơ: “Những người thầy ULIS”

Chùm thơ “Những người thầy ULIS” là sáng tác của một giảng viên Khoa Tiếng Anh của Trường ĐHNN-ĐHQGHN. Chùm thơ ban đầu có 4 bài thơ: Người thầy mới, Người thầy giản dị, Người thầy sáng tạo, Người thầy “làm việc nhỏ với tâm hồn lớn”.

ULIS là ngôi nhà của bao thế hệ giảng viên có tâm và có tầm

Tác giả lấy cảm hứng cũng như chất liệu cho các bài thơ từ thực tế công việc giảng dạy hằng ngày, từ những đồng nghiệp, những người thầy CÓ THẬT tại ULIS. Cô là người quan tâm nhiều đến đổi mới giáo dục (đặc biệt là từ phạm vi lớp học), do vậy thơ của cô mang đến thông điệp từ những nghiên cứu về giảng dạy ngoại ngữ mà cô đã thực hiện. Cô chỉ mới bắt đầu sáng tác, và khả năng này cũng kết trái từ những nỗ lực đổi mới trong nghề nghiệp.

Bài 1: Người thầy mới

(TẬN TÂM, TÔN TRỌNG, TƯƠNG TÁC, TIN TƯỞNG, TÌM TÒI)

TẬN TÂM với nghề giáo
Quà tặng trời ban trao

TÌM TÒI mong đổi mới
Đem tới lớp niềm vui

TƯƠNG TÁC với học trò
Thấu khó khăn, nguyện ước

TIN TƯỞNG mỗi con người
Biển Yêu thương, Trí tuệ (*)

TÔN TRỌNG sự đa dạng
Nuôi nội lực cộng đồng

Chặng đường khó thầm mong
Bạn, tôi cùng dấn bước

(*Chú thích: Thuyết Pygmalion)

 

Bài 2: Người thầy giản dị

Thượng đế biết rằng mình đâu thể ở khắp mọi nơi

Nên mới đào luyện những người thầy giản dị

Giản dị vì cho đi những gì trân quý

Mà chẳng mong về sự báo đáp, ngợi ca

Giản dị vì thấy Ta chẳng là Ta

Chẳng là thủ lĩnh, chẳng là thần tượng

Có một điều làm Ta hân hoan sung sướng

Được “làm diêm, làm muối” giữa cuộc đời (*)

Nhiều lúc nhìn thầy ngỡ sự nghiệp thảnh thơi

Sao mái đầu thoắt chuyển bao sợi bạc

Việc lớn-nhỏ, Đông-Tây, thầy âm thầm gánh vác

Gieo niềm tin, gieo mơ ước thiện lành

Mong ước thầy luôn mạnh khỏe, anh minh

Vẫn nơi ấy, lặng lẽ tỏa hương trí tuệ

Để lớp lớp biết bao thế hệ

Được chăm lo, được dìu dắt trưởng thành

(*Chú thích: Góp phần nhỏ bé để chiếu sáng và tạo gia vị cho đời)

 

 Bài 3: Người thầy sáng tạo

Sáng tạo, đổi mới tự thân

Sự nghiệp cuộc sống chắc phần nở hoa

Làm được, nói được mới là

Hướng trò kiên vững luyện ra Chính Mình (*)

(*Chú thích: Các phẩm chất cao nhất mà con người vươn tới, thể hiện ở tầng Self- Actualization, tháp nhu cầu của nhà tâm lí học Maslow)

 

 Bài 4: Người thầy “làm việc nhỏ với tâm hồn lớn”

Sao nghĩ lớn làm nhỏ?

Vì làm nhỏ muốn tốt

Cần hiểu biết rộng sâu

Nếu nghĩ lớn không làm

Thì khác gì không nghĩ

Làm nhỏ nhưng kiên trì

Sẽ tạo ra thành tích

Sẽ tạo ra động lực

Giúp tiếp tục mục tiêu

Vững lòng khi nản nhọc

Đến một ngày nào đó

Việc nhỏ hóa lợi to

Tác giả: Nguyễn Thị Hằng Nga