Chu Thành Đạt: Tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên để vượt qua giới hạn bản thân
Tham gia hoạt động Nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2021 với đề tài “Dạy – học ngữ pháp Tiếng Anh dưới quan điểm của học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội”, những trải nghiệm thực tế và sự tận tâm trong nghiên cứu đã giúp sinh viên Chu Thành Đạt (Lớp QH2018.E2) giành giải Nhất ở vòng thi cấp trường năm nay.
Cùng gặp gỡ để tìm hiểu về quá trình nghiên cứu và bí quyết của Đạt nhé!
PV: Chào Đạt. Chúc mừng em đã giành giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên. Em có thể chia sẻ đôi điều về nghiên cứu của mình được không!
Chu Thành Đạt: Nghiên cứu của em được thực hiện trên đề tài việc dạy – học ngữ pháp Tiếng Anh dưới quan điểm của học sinh lớp 9 các trường THCS trên địa bàn huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Là một sinh viên chuyên ngành Sư phạm Tiếng Anh, em rất quan tâm về các phương pháp dạy học hiệu quả, đặc biệt là việc dạy các thành tố ngôn ngữ (ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm). Ngoài ra, cơ hội tham gia Đề án Ba Vì của Nhà trường trong năm học này đã mở ra cho em một cơ hội được tiếp xúc, làm việc với những bạn học sinh cấp 2 tại một khu vực còn gặp nhiều khó khăn trong thành phố; chính vì vậy, em đã không mất quá nhiều thời gian để chọn lựa được đối tượng nghiên cứu, cũng như đề tài cho bài nghiên cứu của mình.
Theo em, một trong những ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu trên một nhóm đối tượng lớn các bạn học sinh của huyện Ba Vì trên nhiều khía cạnh của dạy-học ngữ pháp Tiếng Anh (tầm quan trọng của việc dạy ngữ pháp, sửa lỗi ngữ pháp, cách tiếp cận quy nạp, diễn dịch, ngôn ngữ thích hợp sử dụng trong các giờ dạy ngữ pháp…) đó là có thể giúp các bạn giáo sinh của ULIS khi tham gia đề án có cách tiếp cận phù hợp khi lên kế hoạch các bài dạy, ôn tập nội dung kiến thức ngữ pháp phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
PV: Quá trình nghiên cứu của em diễn ra như thế nào? Em có trải nghiệm nào đáng nhớ?
Chu Thành Đạt: Em bắt đầu thực hiện đề tài của mình từ cuối tháng 11 (khi Đề án hợp tác với huyện Ba Vì năm học này bắt đầu được triển khai đợt 1), và hoàn thành vào cuối tháng 2.
Do thực hiện đề tài một mình nên bản thân em phải tự lên checklist các đầu việc cần thực hiện, đặt ra deadline cho các đầu việc và cố gắng ép bản thân theo sát các deadline đó. Một trong những khó khăn ban đầu của em chính là khi bắt tay vào phần Tổng quan lý thuyết, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng em vẫn thực sự bị ngợp bởi lượng tài liệu tham khảo mình cần đọc để nắm vững các thuật ngữ và chắt lọc các kết quả nghiên cứu có liên quan là khá nhiều. Quá trình bắt tay vào viết phần Tổng quan lý thuyết cũng đưa đến cho em không ít khó khăn khi phải chọn ra những ý phù hợp từ các bài nghiên cứu trước đó để so sánh, đối chiếu và tìm ra sự tương đồng, khác biệt giữa các nghiên cứu được thực hiện trên cùng chủ đề. Bên cạnh sự tập trung về mặt nội dung, việc chia đúng thì của động từ, sử dụng đa dạng và hợp lý các cấu trúc câu khi viết nghiên cứu cũng là một điều quan trọng mà em lưu tâm rất nhiều, nhờ ý thức được điều này ngay từ đầu nên em đã không gặp nhiều khó khăn khi sửa bài.
Nói về giai đoạn em cảm thấy đáng nhớ nhất trong quá trình viết nghiên cứu thì có lẽ là đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, đó là khi em bắt đầu viết chương 4 của nghiên cứu (Kết quả nghiên cứu và Thảo luận). Giai đoạn trước Tết với em khá bận rộn do phải hỗ trợ gia đình, chính vì vậy, em đã đặt mục tiêu cần phải đẩy nhanh tiến độ trong Tết và sau kỳ nghỉ Tết, mỗi ngày viết thêm một ít để kịp hoàn thiện các phần còn lại của nghiên cứu; có thể cũng vì lẽ đó mà Tết năm nay của em đặc biệt ở chỗ mùng 1 Tết tranh thủ viết nghiên cứu… Những ngày sau Tết, bằng việc ép deadline để hoàn thành công việc của từng ngày, em đã kịp viết xong và hoàn thiện sửa bài để kịp nộp công trình của mình vào cuối tháng 2.
Một trong những nguồn khích lệ lớn nhất để em có thể hoàn thiện đề tài đó là sự ủng hộ của các thầy cô khi cho phép em “tự lực cánh sinh”, thực hiện đề tài nghiên cứu mà không có GVHD dù ban đầu em tin rằng đây không phải là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, sẽ là một thiếu sót lớn nếu như không kể đến sự hỗ trợ của các bạn giáo sinh tại các trường THCS tham gia đề án năm học này, nhờ các bạn mà em đã có thể thu thập được nhiều thông tin khảo sát từ đối tượng nghiên cứu của đề tài.
PV: Tại sao em tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên? Em có lời khuyên nào dành cho các bạn cũng muốn tham gia hoạt động này không?
Có thể nói nghiên cứu khoa học (NCKH) sinh viên là một trong những mục tiêu lớn của em trong năm học này. Năm học trước, em có tham gia NCKH sinh viên cấp khoa Sư phạm Tiếng Anh, tuy nhiên, đề tài của nhóm em khi đó chỉ đạt được giải Ba cấp Khoa và không được chọn để trình bày trước hội đồng cấp trường. Thêm vào đó, NCKH sinh viên cấp trường cũng là một điều kiện bắt buộc cần đạt trong tiêu chí “Học tập tốt” khi xét danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” các cấp; chính vì vậy, em đã đặt mục tiêu tham gia NCKH sinh viên cấp trường trong năm học này. Để nói về quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu một mình, em nghĩ rằng đây chính là sự tập dượt quan trọng để chuẩn bị tốt nhất cho việc làm khóa luận tốt nghiệp (điều kiện bắt buộc để ra trường đối với sinh viên hệ CLC như chúng em) vào năm học tới.
Em tin rằng các bạn sinh viên ULIS nên tham gia NCKH bởi đây là cơ hội rất tốt để các bạn vượt qua nhiều giới hạn của bản thân và nâng cao các kỹ năng cần thiết như tìm kiếm thông tin, tổng hợp và tóm tắt thông tin, kỹ năng xử lý dữ liệu, kỹ năng viết nghiên cứu khoa học; đồng thời, tham gia nghiên cứu sẽ mở ra cho các bạn nhiều cơ hội tuyệt vời (xét học bổng trong và ngoài ngân sách, cơ hội tham gia các hội thảo khoa học uy tín…)
Về lời khuyên, em không tự tin rằng mình có đủ kinh nghiệm để đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn khi thực hiện nghiên cứu khoa học, nhưng theo em những bạn có đam mê với nghiên cứu khoa học, hoặc có mục tiêu làm khóa luận tốt nghiệp vào năm thứ tư nên tham gia NCKH càng sớm càng tốt (thậm chí là ngay từ năm thứ nhất) để tìm ra những lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với đam mê, sở thích, khả năng của bản thân các bạn, cũng như gia tăng kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết cho các lần thực hiện NCKH sau này.
Nếu các bạn chọn hình thức làm nhóm thì các bạn nên tìm đến những người theo bạn là có chung đam mê nghiên cứu (về cùng một lĩnh vực nhất định), hiểu điểm mạnh và điểm yếu của bản thân bạn, và những người nghiêm túc, không dễ bỏ cuộc (bởi trong quá trình thực hiện đề tài chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn thử thách sự tận tâm của các bạn với đề tài).
Nếu các bạn chọn hình thức cá nhân, các bạn nên xác định mục tiêu, mong muốn khi tham gia NCKH ngay từ đầu, các bạn cũng nên lập kế hoạch và lộ trình các đầu việc càng chi tiết càng tốt. Dù thực hiện theo nhóm hay thực hiện theo hình thức cá nhân, các bạn hãy đừng do dự hỏi giáo viên hướng dẫn (GVHD) về những điểm khúc mắc, khó khăn trong suốt quá trình thực hiện; nếu các bạn gặp khó khăn với việc tìm GVHD thì hãy tìm tới văn phòng khoa, hoặc đề án FIRE, mình tin là các thầy cô sẽ rất sẵn lòng hỗ trợ các bạn.
PV: Cuối cùng, em có thể chia sẻ lý do chọn học ở ULIS và những ấn tượng sau thời gian học tại đây được không?
Chu Thành Đạt: Có hai lý do chính khiến em quyết định chọn ULIS làm nơi gắn bó suốt 4 năm Đại học: định hướng nghề nghiệp trong tương lai và uy tín, chất lượng đào tạo tại trường.
Ngay từ cuối những năm cấp 2, em đã mong muốn sẽ trở thành một giáo viên; và cơ hội được theo học lớp chuyên Anh tại trường Chuyên Trần Phú, Hải Phòng trong 3 năm cấp 3 đã giúp em định hướng rõ ràng hơn về công việc trong tương lai của mình: giáo viên Tiếng Anh. Thông qua lời kể của nhiều thầy cô giáo tại ngôi trường cấp 3 em theo học (cũng đồng thời là cựu sinh viên ULIS), em được biết tới ULIS là một trường Đại học có uy tín, chất lượng, hàng đầu về đào tạo ngoại ngữ trên cả nước; điều này đã truyền nhiều cảm hứng và động lực để em trở thành sinh viên của trường.
Ba năm theo học tại ULIS để lại cho em rất nhiều ấn tượng sâu sắc về trường. Chương trình học tập đáp ứng đúng kỳ vọng của bản thân em với nhiều môn học thú vị, thực tế, giúp sinh viên cải thiện kỹ năng mềm bên cạnh năng lực ngôn ngữ, đồng thời cũng có nhiều môn học mang tính học thuật, hàn lâm cao, giúp sinh viên với đam mê nghiên cứu được tiếp cận với NCKH trên nhiều lĩnh vực liên quan đến ngôn ngữ. Các giảng viên, cán bộ công nhân viên tại ULIS là những người tâm huyết, truyền cảm hứng học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, các thầy cô cũng là những người thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hỗ trợ sinh viên một cách nhiệt tình. Hoạt động ngoại khóa trong trường hết sức phong phú, đa dạng, tạo môi trường lành mạnh để phát triển thái độ, kỹ năng và kiến thức cho sinh viên.
PV: Cám ơn em về cuộc trò chuyện. Chúc em có thêm nhiều thành công hơn nữa trong tương lai!
ULIS Media