Câu chuyện về “Người gác lửa” cho CNNer tỏa sáng
Với nhiều học sinh Chuyên Ngoại ngữ, hình ảnh một thầy giám thị với khuôn mặt nghiêm nghị, tác phong nghiêm túc đã trở thành một điều quen thuộc, không thể nào quên. Hiếm người biết rằng, trước khi là một giám thị của Trường, thầy Khanh còn là một chiến sĩ, sĩ quan trinh sát chuyên nghiệp. Từ chiến trường về nhà trường, thầy là người lính anh dũng trong chiến đấu, và là “người gác lửa” để các CNNers tỏa sáng. Hãy cùng FLSS Media nói chuyện về người thầy không cầm phấn này nhé!
Chúng tôi có dịp nói chuyện với thầy Khanh vào một chiều mùa đông trong căn phòng nhỏ nơi thầy làm việc. Biết được ý tưởng của cuộc nói chuyện này là để viết về chân dung một người lính của thời bình, thầy đồng ý ngay. Có lẽ, thầy đang kể về mình, nhưng cũng là nói về những người đồng đội đã từng đi qua những cuộc chiến tranh, và lại tiếp tục lặng thầm cống hiến trong cuộc sống yên bình.
Thầy Khanh, tên đầy đủ là Trần Văn Khanh, là một người con của Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Năm 1978, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, thầy lên đường nhập ngũ tại E3F301. Tháng 6/1979, thầy chuyển về công tác tại E789F321, Quân khu Thủ Đô, giữ chức Tiểu đội trưởng thuộc Quân chủng Lục quân. Tháng 6/1980, do có thành tích trong công tác và chiến đấu, thầy được đơn vị cử đi học tại Trường Quân chính Quân Khu, sau đó được phân về huấn luyện sĩ quan dự bị cho các trường đại học tại d12e789f321 (Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 789, Sư đoàn 321) thuộc Bộ Tư lệnh Quân Khu thủ đô. Đến tháng 10/1982, thầy ra quân và trở về quê hương sinh sống. Tháng 6/1995, do nhu cầu công tác, thầy chính thức trở thành giám thị Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ người chiến sĩ anh dũng trên chiến trường
Nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất thời kỳ binh nghiệp, khuôn mặt của thầy Khanh thoáng hiện lên vẻ trầm tư khi hồi tưởng những gì mình đã trải qua trong quá khứ. Thầy kể, trong lần tham gia chiến dịch Biên giới 1979, quân Trung Quốc chia làm 3 thế đội, chúng đẩy dân của mình đi trước làm bia đỡ đạn, còn quân của chúng đi phía sau. Vì thế, đơn vị của thầy phải thay đổi kế hoạch tác chiến để không gây sát thương cho dân, nguy hiểm luôn rình rập. Là một chiến sĩ trinh sát pháo binh có nhiệm vụ trinh sát vị trí của địch báo tọa độ về cho pháo ta bắn, bộ phận của thầy luôn luôn đi trước toàn đơn vị, thấy địch là phải tránh, bởi trinh sát là hoa tiêu, là tai mắt của quân đội, nếu địch phát hiện trinh sát của ta trước thì chiến dịch sẽ thất bại. Rất nhiều lần thầy và đồng đội đã phải đứng trước những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, nhưng toàn đơn vị vẫn không hề nao núng và đấu tranh anh dũng.
Sau khi phục viên, thầy về địa phương sinh sống. Đến năm 1995, do số lượng học sinh Chuyên Ngoại ngữ càng ngày càng tăng, có cả hệ bán công và lớp tăng cường tiếng Pháp ở Đoàn Thị Điểm sau này mà số lượng người phục vụ có hạn, thầy được giới thiệu về Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Đó cũng là thời điểm đánh dấu thầy từ một chiến sĩ trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, thành chiến sĩ – giám thị trên mặt trận giáo dục nước nhà.
Đến người lính trên mặt trận giáo dục
Người lính trở về sau chiến tranh đã là một hình ảnh đẹp, nhưng người lính ấy lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước sau khi đã hòa bình lại càng đẹp hơn nữa. Người lính Trần Văn Khanh năm xưa, nay lại trở thành một giám thị đầy trách nhiệm tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.
Với thầy Khanh, chẳng có gì là khác giữa việc là một người lính thời chiến và một người lính thời bình. Người lính trên bất cứ mặt trận nào đều phải bản lĩnh, trách nhiệm, đặc biệt với người lính trinh sát còn cần phải có trình độ, năng lực chuyên môn cao để đáp ứng mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người lính đều phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiệm vụ đặt nhiệm vụ lên đầu tiên, bởi “Quân lệnh như sơn”, cả thời chiến và thời bình.
Thầy Khanh (thứ 2 từ phải qua trái) cùng Tổ Văn phòng chụp ảnh dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường
Từ một người lính thời chiến đến người lính tham gia nhiệm vụ huấn luyện sĩ quan dự bị động viên khi đất nước đã hòa bình, thầy đã đã bén duyên với giáo dục từ bước chuyển giao đặc biệt ấy. Là một người lính hay là một giám thị, thì công việc của thầy đều liên quan đến yếu tố con người, để đảm bảo con người luôn chấp hành nội quy, kỷ luật. Kỷ luật tạo nên sức mạnh quân đội, và kỷ luật cũng tạo nên môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho học sinh. Nếu ai đã từng quan sát thầy những lần tập trung học sinh, sẽ chẳng thấy khác gì một người sỹ quan đang chỉ huy chiến sĩ với các khẩu lệnh nhanh, gọn, dứt khoát và tác phong nghiêm túc, chuẩn thời gian.
Thầy Khanh đang đi kiểm tra các lớp học
“Người lái đò sông Đà” qua nét vẽ thầy giám thị
Mở cổng, đóng cổng và lặng lẽ quan sát học trò khi đã vào giờ học, và đôi tay, đôi mắt tài hoa vẫn dõi theo từng bài giảng của các thầy cô, để có lúc đi ngang qua “Người lái đò Sông Đà”, người lính ấy nhớ lại những quãng đường hành quân mình đi qua, để bất chợt trong tiết Văn nào đó, bỗng có người họa lại bức tranh sừng sững của sông Đà để học trò thảng thốt. Những lúc rảnh rỗi, thầy lại chăm sóc những cây hoa, chậu cảnh trong khuôn viên trường. Tỉ mẩn, cẩn thận, người lính ấy âm thầm cắt đi những chiếc lá úa, bắt đi những con sâu, và vun tưới những mầm xanh trong khuôn viên bé nhỏ. Rất giản dị và bình yên!
Thầy Khanh, người gác đuốc để thầy trò CNN tỏa sáng
22 năm làm việc tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, gắn bó từ những ngày cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn ở khu UNICEF đến khi trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại ngày nay. Thầy là một trong những người cùng những lứa học sinh khóa 1997-1998 bê từng chiếc bàn, dời từng chiếc ghế từ cơ sở cũ sang cơ sở mới; từng vừa làm giám thị, vừa làm bảo vệ, vừa thay từng chiếc bóng đèn, vừa lo lắng chuyện an toàn của học sinh; đi sớm về khuya, thầy là người mở cổng và cũng là người đóng cổng trường Chuyên ngữ. Nói về học trò CNN, thầy cười trìu mến, bởi thầy cho rằng CNN là một cái duyên, một may mắn trong cuộc đời thầy, khi thầy được gặp và quản lý những học sinh ngoan, thông minh, và chấp hành tốt nội quy của nhà trường. Thầy cũng vui hơn, vì công tác quản lý học sinh của thầy luôn được ủng hộ và có sự phối kết hợp của giáo viên chủ nhiệm, cũng như các giáo viên bộ môn. Nguyễn Thùy Giang (học sinh CNN khóa 33, hiện là giảng viên Học viện Phòng không – Không quân” nói: “Thầy Khanh là một người rất chuẩn mực. Thầy rèn cho học sinh tác phong đi đứng, và trật tự trong mỗi giờ tập trung, và luôn chuẩn giờ giấc. Mỗi lời nói, hành động của thầy đều rất dứt khoát và nghiêm túc, như một chỉ huy quân đội thật sự vậy. Thầy không chỉ là giám thị, mà giống một người thầy đối với chúng tôi. Khi đã công tác tại một trường quân đội, tôi càng hiểu sâu sắc thêm những gì thầy đã làm cho bọn trẻ ngày ấy”. Còn V.H (học sinh khóa 42), sau đó là học viên Học viên An ninh Nhân dân, nhớ: “Đã từng là học sinh CNN, là sinh viên Học viên An ninh, và giờ đang công tác trong lực lượng vũ trang, hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ tính kỷ luật và nề nếp quân ngũ. Bác Khánh của chúng tôi – người mà tôi vẫn hay đùa với chúng bạn là “người đàn ông đa năng của Chuyên Ngữ”, đã cho tôi học được điều ấy từ những năm tháng dưới bầu trời hình chữ nhật. Ấn tượng về bác đối với tôi bây giờ đọng lại là một người ít nói, nhưng luôn đúng giờ và rất kỷ luật, trách nhiệm. Những sự kiện sôi nổi của đám trẻ, luôn có một người đàn ông lặng lẽ đứng sau, trìu mền ngắm những nụ cười học trò ngây ngô và dạy cho chúng những bài học cuộc sống, điều mà sau này ngẫm lại, tôi mới thấy quý giá biết nhường nào”.
Thầy Khanh giản dị trong ống kính học trò
Thực vậy! Thầy Khanh (chú Khanh, bác Khanh – như cách gọi của học sinh) đã trở thành một người không thể thiếu với thầy và trò CNN khi nhắc về Chuyên Ngoại ngữ. Đó cũng chính là lý do mà, mặc dù đã có quyết định nghỉ chế độ từ tháng 7/2017, Nhà trường vẫn tha thiết mời thầy ở lại làm việc. 22 năm nay, thầy là một người lính không cầm súng, và là một người thầy không cầm phấn, để bảo vệ sự yên bình cho góc nhỏ CNN. Và CNN, như tình yêu lớn của cuộc đời thầy, đã đủ lớn để níu kéo người lính ấy ở lại cho đến bây giờ. Nếu CNNers luôn “Cháy lên để mà tỏa sáng” (Gamzatov) thì thầy Khanh bao nhiêu năm nay đã là “người gác lửa” cho bao học trò tỏa sáng, để bay cao, bay xa, và cũng người gác lửa ấy, luôn mở cửa chào đón học sinh trở về.