Hướng đến môi trường giáo dục toàn diện – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hướng đến môi trường giáo dục toàn diện

Kết thúc mùa tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, có một ngôi trường giữ vị trí quán quân về tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường chuyên tại Hà Nội (gần 88,8%). Đó là Trường THCS Ngoại ngữ (UMS) trực thuộc Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Học sinh UMS trong một giờ học nhóm.

Chọn lối không áp lực

Được thành lập từ năm 2019, đến nay Trường THCS Ngoại ngữ mới tròn 5 tuổi. Năm học 2023-2024, lứa học sinh thứ hai của UMS ra trường với những kết quả đáng ngưỡng mộ: 87 học sinh đỗ các trường chuyên (chiếm xấp xỉ 88,8%) với tổng cộng 201 lượt đỗ chuyên. Trong đó, có 4 thủ khoa xuất sắc ở các các khối chuyên của các trường: thủ khoa chuyên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, thủ khoa chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, thủ khoa chuyên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ; thủ khoa chuyên Tin của Trường THPT Chuyên Sư phạm.

Với thế mạnh là môn ngoại ngữ, UMS cũng dẫn đầu các trường THCS tại Hà Nội với việc giành 77 suất đỗ vào Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Cô giáo, ThS Phạm Minh Huệ, Tổ trưởng Ngoại ngữ (UMS) chia sẻ: “Qua kỳ tuyển chọn vào trường, học sinh UMS đều có thế mạnh về ngôn ngữ. Ở lứa tuổi THCS cũng là khoảng thời gian vàng để phát triển và tạo môi trường cho việc học ngôn ngữ, nên Tổ Ngoại ngữ nói riêng hay nhà trường nói chung luôn cố gắng giúp đỡ học sinh phát triển kỹ năng. Các em được học từ vựng, ngữ pháp kèm 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tại trường. Ngoài việc giảng dạy, các thầy cô cũng luôn cố gắng làm mới nội dung chương trình, tích hợp những công cụ và công nghệ mới để các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn!”.

Chị Lê Ngọc Dung, phụ huynh học sinh Nguyễn Thanh Thảo (lớp 9A3) vừa có kết quả đỗ khối chuyên Tiếng Anh của ba trường THPT tâm sự: “Một điểm khá ấn tượng về UMS trong tôi là mỗi buổi đến đón con tan học, ngồi dưới sân trường nghe các bạn học sinh của trường và các anh chị sinh viên trò chuyện với nhau bằng đủ các ngôn ngữ Anh, Nhật, Trung, Hàn, Đức… tôi có cảm giác như mình đang ở trong một ngôi trường quốc tế vậy”.

Mặc dù con chị Dung đỗ ba trường chuyên là THPT Ngoại Ngữ, THPT chuyên Đại học Sư phạm và Chu Văn An nhưng con lại không bị áp lực thi cử đè nặng: “Việc các con đặt ra đúng mục tiêu dựa trên điểm mạnh yếu của bản thân là rất quan trọng, chứ không phải học thêm khắp nơi, mỗi môn 1-2 thầy cô nổi tếng. Nhờ định hướng của nhà trường và kế hoạch học tập trên lớp phù hợp nên cho dù các con đều có mục tiêu thi các trường chuyên nhưng khi đến trường, đến lớp đều rất hăng hái, vui vẻ và không quá bị áp lực với các kỳ thi”.

Cũng xác định đúng mục tiêu học tập của mình, thủ khoa Văn Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, em Vũ Hà Vy, học sinh lớp 9A3 UMS chia sẻ: “Em đã lên kế hoạch chi tiết về thời gian học, nghỉ ngơi và tư duy về kiến thức đã được học. Em tự tìm điểm yếu nhất của em để bổ sung. Với môn Văn, em lập dàn ý để học theo tư duy cho nhanh chứ không học dàn trải”.

Còn thủ khoa Tiếng Anh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, em Hoàng Lâm Nhi, lớp 9A1 UMS nói: “Vì xác định mục tiêu từ sớm nên chặng đường ôn tập của em được chia nhỏ thành những mục tiêu ngắn hạn để dễ dàng vượt qua và tránh nản chí. Em tìm cách học phù hợp và khung giờ học để cơ thể thoải mái. Việc nghỉ ngơi đầy đủ để tinh thần luôn được tươi mới cũng rất quan trọng. Những ngày được học tập ở UMS với em rất vui, đặc biệt là năm lớp 9 với nhiều kỷ niệm đáng nhớ về sự gắn bó với bạn bè và thầy cô!”.

Điều gây ấn tượng là ngôi trường vốn là “nôi” đào tạo về ngoại ngữ nhưng mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, đã có 26 học sinh UMS vượt vũ môn thành công vào các khối chuyên Khoa học tự nhiên như: Toán, Tin, Hóa, Lý, Sinh ở Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), THPT Chuyên Đại học Sư phạm và trường chuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Trong đó, em Lê Đức Vượng, học sinh lớp 9A3 là thủ khoa chuyên Tin, THPT Chuyên Đại học Sư phạm.

Vậy đâu là bí quyết để một ngôi trường trẻ, với sĩ số 100 học sinh lớp 9 (chỉ có 10 em không định hướng thi chuyên) có thành tích đáng nể như vậy? Cô giáo, ThS Nguyễn Huyền Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Ngoại ngữ cho biết: “Đối với học sinh cuối cấp, từ đầu năm học lớp 8, các em đã được tìm hiểu về các trường học THPT, quan tâm tới việc định hướng nghề nghiệp để lựa chọn mục tiêu cho mình trong việc ôn tập thi vào 10. Bằng biện pháp cá thể hóa tới từng học sinh, nhà trường đã xây dựng lộ trình cho từng học sinh trong việc ôn tập, hướng tới việc thi vào 10. Hiểu được những lo lắng của học sinh cuối cấp, các thầy, cô giáo luôn hướng tới việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh một cách linh hoạt, xen kẽ các hoạt động giao lưu, nghỉ ngơi hợp lý. Khối 9 thay vì việc ngày nào cũng luyện đề, học ôn… thì các bạn có những khoảng thời gian để học khiêu vũ, chụp ảnh kỷ yếu… hay tham gia cùng các em học sinh khối dưới trong các hoạt động chung của nhà trường”.

Xây dựng “Lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc”

Một khảo sát mới nhất của Bệnh viện Nhi T.Ư về sức khỏe tâm thần được thực hiện ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ sàng lọc trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên là 26%, stress căng thẳng là 33% và rối loại lo âu tới 38%. Chính vì thế, việc thực hiện khẩu hiệu: “Lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc” ở cấp THCS càng đòi hỏi phải thực tế hơn nữa.

Tại UMS, những gốc cây, ghế đá sân trường cũng có thể trở thành những tiết học Toán thú vị. Đó là những trò chơi trí tuệ, thực hiện thử thách Toán hoặc học cách chế tạo các vật thể hình học. Đó là từng nhóm học sinh cùng nhau xây dựng mã QR code bằng cách dịch thông tin chữ sang những chấm trắng, đen xen kẽ và lắp ráp thành mã code khổng lồ. Gần đây, học sinh UMS cũng có buổi thực hành đo chiều cao các vật thể lớn như tòa nhà, ngọn cây… bằng những phương pháp tính toán gián tiếp. Các em học sinh vốn giỏi ngôn ngữ, e dè với Toán học đã hào hứng học môn Toán như vậy.

ThS Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên môn Toán tại UMS chia sẻ: “Ở UMS, mọi ý tưởng đổi mới đều được hoan nghênh. Đó là một may mắn lớn cho những người làm giáo viên như tôi. UMS là không gian để học sinh tự do khám phá môn Toán, mà không bị ràng buộc bởi khung chương trình chung hay tiến độ của những đợt kiểm tra. Ở đây, học sinh được tìm hiểu cách Toán giúp chúng ta giải trí, giúp chúng ta giải quyết vấn đề thực tiễn, hoặc cũng là học Toán nhưng được thể hiện với phong cách vui nhộn hơn”.

“Xác định định hướng giáo dục toàn diện và phát triển cá nhân là hai từ khóa để tổ chức các hoạt động giáo dục xuyên suốt 4 năm học. Việc xây dựng một chân dung học sinh Trường THCS Ngoại ngữ với đầy đủ các phẩm chất, kỹ năng, năng lực; trong đó đề cao năng lực thích ứng, ứng phó với hoàn cảnh được coi như một “chuẩn đầu ra” của chương trình giáo dục trong nhà trường”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Huyền Trang nói.

Đến UMS, trong giờ học còn nghe tiếng sáo lảnh lót của tiết học nhạc cụ truyền thống dân tộc. Trong 3 năm liên tiếp, học sinh UMS đã tham gia nhiều lễ hội âm nhạc trong, ngoài nước và giành được thành tựu đáng tự hào. Gần đây nhất, trong năm 2024, học sinh UMS giành Giải Vàng tập thể tham dự Lễ hội Âm nhạc châu Á – Thái Bình Dương được tổ chức tại Hàn Quốc.

Nói về ngôi trường con mình theo học, chị Lê Ngọc Dung say sưa: “Đó là ngôi trường hạnh phúc đúng nghĩa, lớp 6, 7 chơi “thả phanh”, không có “học thêm học nếm gì”. Ở UMS các con được nghỉ đủ 3 tháng hè, thêm 2 tuần nghỉ Tết. Khi đi học là những buổi trải nghiệm văn hóa, lịch sử, khoa học, địa lý… diễn ra hằng tuần, hằng tháng. Đó còn là những buổi học kỹ năng về giáo dục giới tính, an toàn trên không gian mạng… Nhờ phương pháp giáo dục tiên tiến, học sinh ở UMS rất cá tính, độc lập và tự tin”.

“Với chúng tôi, một nhà trường hạnh phúc là khi chính thầy, trò đều được hạnh phúc và vui vẻ mỗi khi đến trường. Trong giờ sinh hoạt lớp của khối lớp 8, 9; các thầy, cô giáo chủ nhiệm cùng học sinh viết nhật ký biết ơn hằng ngày, để chia sẻ với nhau cách nói lời cảm ơn, tri ân. Hằng năm, phụ huynh và các con được “hẹn hò” với nhau một ngày qua chương trình “Vòng tay yêu thương” để thật sự được kết nối. Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh đọc sách nhiều hơn, để không chỉ tăng năng lực biểu đạt mà còn tăng khả năng thấu hiểu cảm xúc của từng nhân vật qua những trang sách. Bằng những hoạt động đan xen vào các hoạt động dạy học rất bình dị như vậy, UMS trở thành ngôi trường nhiều tiếng cười của những cô bé, cậu bé không chỉ có chỉ số thông minh cao mà còn giàu chỉ số cảm xúc”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Huyền Trang tâm huyết nói.