[UNC2022] Hội thảo “Khai thác sách giáo khoa phổ thông mới: Đường hướng giao tiếp lịch sự liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh” – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2022] Hội thảo “Khai thác sách giáo khoa phổ thông mới: Đường hướng giao tiếp lịch sự liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh”

Ngày 26/12/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Khai thác sách giáo khoa phổ thông mới: Đường hướng giao tiếp lịch sự liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh” nhằm giúp các giáo viên nâng cao nhận thức và khả năng giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh cho học sinh phổ thông. 

Tham dự Hội thảo có TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lâm Quang Đông – Phó Hiệu trưởng; lãnh đạo và cán bộ Phòng KHCN, lãnh đạo và giảng viên Khoa NN&VH CNNTA và đông đảo các thầy cô giáo, đại biểu quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh cho biết: “Hội thảo “Khai thác sách giáo khoa phổ thông mới: Đường hướng giao tiếp lịch sự liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh” là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam năm 2022 (UNC 2022). Hội thảo có chủ đề rất thú vị và ý nghĩa thực tiễn cao. Làm sao để khai thác sách giáo khoa một cách hiệu quả và phân tích sách giáo khoa dưới góc nhìn của những lý thuyết về ngôn ngữ học, ngữ dụng học,… là một điều cần thiết và chắc chắn hội thảo sẽ đem lại những kiến thức bổ ích cho các đại biểu tham dự.”

Chương trình có sự tham gia của 3 diễn giả chính, bao gồm: TS. Phạm Thị Hạnh (Giảng viên Khoa NN&VH CNNTA); ThS. Phạm Thị Thanh Thủy (Giảng viên Khoa NN&VH CNNTA); cô Nguyễn Khánh Huyền (cựu sinh viên ULIS – giáo viên Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông).

Đầu tiên, ThS. Phạm Thị Thanh Thủy đã nêu ra một số tình huống thực tế (Cuộc điện thoại từ bên nhờ quảng cáo; Đoạn hội thoại giữa học sinh – giáo viên; Email trong video truyền thông và 2 tình huống đề nghị: Hẹn gặp và Sửa bài) để minh họa đề dẫn cho nội dung hội thảo.

Sau đó, TS. Phạm Thị Hạnh đã giới thiệu lý thuyết về “Politeness”. Báo cáo là sự đúc rút những kiến thức chuyên sâu về chủ đề các nguyên lý lịch sự trong giao tiếp của bản thân diễn giả. Đồng thời, Thạc sĩ cũng chia sẻ về những thông tin vô cùng bổ ích, thú vị xoay quanh vấn đề lịch sự liên văn hoá.

Tiếp nối buổi chia sẻ, cô giáo Nguyễn Khánh Huyền đã cung cấp khái quát những kiến thức về “Lesson Plan” – Lý thuyết những hoạt động trong giờ học bao gồm các dạng câu hỏi có thể dùng trong hoạt động nâng cao nhận thức, thực hành, tự đánh giá và nhận xét.

Phần sau là hoạt động trao đổi, thảo luận. Rất nhiều câu hỏi, trao đổi được đưa ra, gửi về cho thấy sự quan tâm của các đại biểu đến chủ đề hội thảo.

Đặc biệt, cô Nguyễn Thị Thuỷ Minh – Khoa Tiếng Anh và Ngôn ngữ học – Đại học Otago – đồng tác giả của cuốn sách “Teaching Pragmatics in EFL Classrooms” đã có những chia sẻ truyền cảm hứng cảm hứng về nội dung cuốn sách.

Phát biểu bế mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông cho rằng: “Ngôn ngữ và văn hoá là hai khía cạnh luôn có sự tương tác và hoà quyện với nhau. Bởi vậy, việc các thầy cô dạy học sinh không chỉ là dạy từ vựng, ngữ pháp mà quan trọng hơn cả là dạy cách sử dụng, chỉ ra cho học sinh thấy rõ cách nói của người bản ngữ. Thông qua hội thảo, hy vọng rằng các thầy cô đã tích lũy cho mình những kiến thức, phương pháp hữu ích để có thể áp dụng thực tế vào bài giảng khi lên lớp.”

Hội thảo “Khai thác sách giáo khoa phổ thông mới: Đường hướng giao tiếp lịch sự liên văn hóa trong giảng dạy tiếng Anh” thu hút 538 người đăng ký và đã có 204 người tham dự.

N.A