1.000 giáo viên tham gia Tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″ – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

1.000 giáo viên tham gia Tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″

Ngày 2/6/2024, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″. Diễn ra với hình thức trực tuyến qua Zoom Meeting, chương trình đã thu hút sự tham gia của 1000 giáo viên tiếng Anh bậc THPT trên toàn quốc, trong đó đông đảo nhất là giáo viên khối 12.

Tọa đàm có sự tham góp mặt của Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn, Ban Tổ chức và triển khai Kênh ULIS CONNECT và khoảng 1.000 thầy cô giáo giảng dạy tiếng Anh bậc THPT trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng trường Đỗ Tuấn Minh gửi lời cảm ơn tới sự quan tâm của các thầy cô giáo phổ thông toàn quốc đã dành thời gian tham dự tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″.  Thời gian vừa qua, Kênh hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông toàn quốc của Đại học Quốc gia Hà Nội” (ULIS CONNECT) đã được ra mắt với kỳ vọng lớn tạo nhiều cơ hội cho thầy cô giáo nói chung và giáo viên dạy ngoại ngữ nói riêng được chia sẻ thông tin, tiếp cận nguồn tài liệu tin cậy, tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông tại Việt Nam. Trên tinh thần đó, trong thời điểm nước rút ôn thi của toàn thể học sinh lớp 12 đang đến gần, Trường Đại học Ngoại ngữ đã tổ chức buổi tọa đàm này để cùng các thầy, các cô bàn về câu chuyện xây dựng và biên soạn đề cương ôn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024. “Về lĩnh vực chuyên môn, khâu kiểm tra, đánh giá là một thước đo vô cùng quan trọng nhằm phục vụ mục những mục tiêu khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là “kiểm đếm” lại việc dạy và học của thầy trò, cùng những tác động trong suốt quá trình giảng dạy. Câu chuyện tổ chức dạy học đã là một bài toán khó, vậy mà việc biên soạn bộ đề cương ôn thi sao cho phù hợp còn là một thách thức khó giải đáp hơn với thầy cô, trong khi lớp học luôn tồn tại sự đa dạng về trình độ nhận thức của mỗi học sinh. Tất nhiên, việc ôn tập bài học còn hướng tới mục đích xa hơn. Đó là việc xây dựng kho học liệu phục vụ lâu dài và bền vững cho kỳ kiểm tra, kỳ thi tốt nghiệp”, TS. Đỗ Tuấn Minh chia sẻ.

Tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″ là cơ hội để thầy cô giảng dạy môn tiếng Anh bậc THPT trên cả nước tìm hiểu và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhằm hỗ trợ học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Chương trình tọa đàm diễn ra với hai bài báo cáo đến từ ThS. Phạm Thị Mai Hương, Tổ phó Tổ tiếng Anh Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ. Cô là tác giả một số sách tham khảo tiếng Anh và đã có kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình hỗ trợ dạy học môn tiếng Anh bậc THPT của Bộ GD&ĐT.

Báo cáo đầu tiên với nội dung “Gợi ý cách thiết kế câu hỏi thi có sự phân hoá theo trình độ người học” đã chỉ ra hình thức thiết kế câu hỏi cho kỳ thi THPT năm 2024. Báo cáo viên nhấn mạnh về việc xây dựng nội dung các câu hỏi trong bài thi cần đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp và phân hóa một cách rõ ràng, nhằm đánh giá đúng năng lực của học sinh. Hơn nữa, giáo viên cũng cần soạn câu hỏi ôn tập theo mức độ dễ đến khó, giúp học sinh tự tin và phát huy tối đa khả năng của mình.

Tiếp theo, báo cáo thứ hai “Gợi ý cách phát triển nguồn học liệu phù hợp với trình độ của người học” đã cung cấp bí kíp và kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nguồn học liệu. Diễn giả Phạm Thị Mai Hương nhấn mạnh rằng giáo viên cần đưa ra cân nhắc phù hợp trong việc chọn lựa và phát triển tài liệu học tập, nhằm tối ưu hóa hiệu quả cho kỳ thi. Từ đó, tài liệu ôn tập hàng ngày không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn tạo động lực và nâng cao chất lượng ôn thi. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số phát triển, thầy cô hoàn toàn có thể tham khảo các nguồn soạn tài liệu từ trí tuệ nhân tạo AI như Google Gemini, Claude AI,… để giúp đỡ trong việc xây dựng đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024.  

Phát biểu bế mạc chương trình, Phó Hiệu trưởng Hoa Ngọc Sơn đã đại diện Kênh “Hỗ trợ giáo dục ngoại ngữ bậc phổ thông trong toàn quốc (ULIS CONNECT)” bày tỏ tin tưởng rằng buổi tọa đàm hôm nay phần nào đã giúp thầy cô giáo biết định hướng và thiết lập những nguyên tắc phục vụ cho việc thiết kế đề thi tốt nghiệp môn tiếng Anh sao cho hiệu quả. Hơn nữa, Phó Hiệu trưởng cũng bật mí về chương trình sắp được triển khai gồm 15 khóa học do các thầy cô THPT Chuyên Ngoại ngữ và THCS Ngoại ngữ thực hiện xoay quanh phương pháp dạy học và xây dựng thiết kế mục tiêu bài giảng. TS. Hoa Ngọc Sơn kỳ vọng khóa học sẽ là cầu nối, là diễn đàn để giáo viên toàn quốc trao đổi về việc kiểm tra đánh giá, phát triển tài liệu ôn thi, xây dựng hệ sinh thái và môi trường ngoại ngữ chuyên nghiệp, phát triển thông qua hoạt động như thành lập CLB, tổ chức các hội thi, kỳ thi liên quan tới nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh THPT,…

Như vậy, thông qua tọa đàm lần này, 1.000 giáo viên đã được cập nhật những kỹ năng và kiến thức quý báu trong việc biên soạn và phát triển đề ôn tập, từ đó có thể giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, buổi tọa đàm “Các nguyên tắc và kỹ thuật biên soạn đề ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm 2024″ đã giúp các thầy cô nâng cao năng lực chuyên môn, và tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trên toàn quốc.

Một số hình ảnh khác:

Hương Giang/ULIS Media