Từ tình yêu nước Pháp đến giải thưởng cuộc thi viết về Di sản văn hóa châu Âu – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ tình yêu nước Pháp đến giải thưởng cuộc thi viết về Di sản văn hóa châu Âu

Trong Lễ trao giải cuộc thi viết về Liên minh châu Âu năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa Châu Âu – Một giá trị toàn cầu cho tất cả mọi người”, em Nguyễn Ngọc Thanh Phương – Sinh viên ULIS đã xuất sắc giành 1 trong 5 giải chính của cuộc thi là một chuyến tham quan châu Âu 7 ngày.

ULIS Media đã có cuộc phỏng vấn với Thanh Phương về quá trình giành giải thưởng ý nghĩa này.

PV: Chào Thanh Phương. Trước tiên em có thể giới thiệu một vài điều về bản thân được không?

Tên đầy đủ của em là Nguyễn Ngọc Thanh Phương, hiện em là sinh viên năm 3 lớp CLC của khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp. Em cũng mới chỉ học tiếng Pháp từ khi bắt đầu vào đại học thôi vì quá yêu thích tiếng Pháp mà ngày xưa bố mẹ không có điều kiện cho đi học thêm. Khi được học tại khoa Pháp trường mình, tình yêu tiếng Pháp của em lại càng nhiều thêm và em có thêm động lực cố gắng học tiếng Pháp.

Thanh Phương nhận giải thưởng trong lễ trao giải diễn ra vào cuối tháng 3/2019

PV: Em có thể chia sẻ thông tin về cuộc thi mình được giải thưởng được không?

Hưởng ứng Năm Di sản văn hóa châu Âu, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và báo Sinh Viên Việt Nam đã phối hợp tổ chức cuộc thi viết với chủ đề: “Bạn biết và hiểu gì về một trong những loại hình di sản văn hóa châu Âu (EU), hãy viết ra và dành một chuyến thăm châu Âu”. Cuộc thi thường niên này dành cho thanh niên Việt Nam từ 18 đến 35 tuổi đang sống, học tập, công tác ở trong nước. Trường Đại học Ngoại ngữ là đơn vị phối hợp tổ chức trao giải cho chương trình này. Được phát động từ tháng 11/2018, cuộc thi đã nhận được sự tham gia đông đảo của 1.000 thí sinh trên toàn quốc.

PV: Bài dự thi của em khiến chị rất ấn tượng bởi nội dung cũng như cách suy nghĩ sâu sắc về nghệ thuật. Em có thể chia sẻ ngắn gọn về nội dung bài viết của mình được không?

Bài viết của em thiên nhiều về chia sẻ cảm xúc cá nhân của mình về di sản văn hóa của Pháp là Khải Hoàn Môn. Công trình này được tạo nên với rất nhiều tầng ý nghĩa, về mặt kiến trúc với các mảng tượng điêu khắc (như tượng Marianne, với ý nghĩa biểu tượng cho sự tự do, bác ái của Pháp), về mặt lịch sử (với ngôi mộ của những người chiến sĩ vô danh, những ngọn nến người dân Pháp luôn thắp sáng đèn và hoa dể tưởng nhớ). Em có tình yêu rất lớn với nước Pháp và đặc biệt là công trình kiến trúc này, và đó cũng là động lực để em từ bỏ học bổng du học Mỹ, quyết tâm thi vào khoa Pháp đại học Ngoại ngữ để được học tiếng Pháp và đi học tại nơi mình vẫn hằng mơ ước.

Thanh Phương và các thí sinh đạt giải, ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm

PV: Vượt qua nhiều thí sinh như vậy quả không phải là chuyện dễ dàng gì. Quá trình biết thông tin và hoàn thành bài dự thi của em có khó khăn/thuận lợi gì không?

Thực ra lúc đầu em đã định không nộp bài, vì nghĩ chắc không được giải đâu (cười). Vậy nên khi em nghe tin được giải, em cũng rất bất ngờ. Về tình yêu với Pháp và các giá trị văn hóa, các di sản của Pháp thì em có, nhưng cách thể hiện bằng ngôn từ thì em không hoàn toàn tự tin. Em nghĩ việc em đạt được giải thưởng cũng một phần không nhỏ do may mắn

PV: Đã lựa chọn ULIS thay vì cơ hội du học Mỹ, vậy qua 3 năm học tập tại trường em cảm thấy bản thân mình đã có thêm được những gì?

Trước hết, được theo học tiếng Pháp đã là niềm mơ ước từ khi còn bé của em, nên khi được theo học ngôn ngữ mình thích, em cảm thấy rất hứng thú và có động lực. Tuy nhiên, sau 1 thời gian thì ngon lửa của em… hơi chùng xuống, vì thật sự tiếng Pháp quá sức khó và phức tạp. Cấu trúc ngữ pháp và cách dùng của ngôn ngữ này khiến em nhiều lúc rất chật vật và nản chí. Nhưng rồi, khi được theo học dưới khoa Pháp, các thầy cô đã tiếp lửa cho em thêm rất nhiều. Được tham gia các hoạt động vừa học vừa chơi do các thầy cô dẫn dắt, và nhất là khi học năm thứ 2, lớp em được cô phó khoa Đặng Thị Thanh Thúy trực tiếp giảng dạy, em mới thật sự chỉn chu trong cách học và thấy thêm yêu tiếng Pháp hơn. Các thầy cô trong ban chủ nhiệm khoa cũng tích cức đẩy mạnh các hoạt động, mở rộng các quan hệ trao đổi, hợp tác với các trường bên Pháp và các Đại sứ quán, vậy nên tinh thần của sinh viên khoa Pháp nói chung và em nói riêng càng được nâng cao hơn.

Thanh Phương được Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh khen thưởng trong hội nghị giao ban quý I/2019

PV: Thanh Phương mong đợi gì nhất từ chuyến tham quan châu Âu sắp tới?

Tất nhiên là em sẽ muốn được thăm Khải Hoàn Môn đầu tiên khi được đặt chân tới Pháp, đặt một bó hoa trên ngôi mộ của của những người lính đã ngã xuống. Đại sứ quán Pháp cũng rất quan tâm đến người đoạt giải, tài trợ cho em những chuyến đi như vé thăm bảo tang, đi công viên Asterix, nên em cũng rất mong chờ chuyến đi thú vị này.

PV: Em có lời khuyên nào cho các bạn sinh viên cũng muốn tham gia cuộc thi viết về Liên minh châu Âu không?

Nếu có lời khuyên nào dành cho các bạn thì có lẽ là các bạn cứ nộp đi, mình chắc cú 99% là trượt sau khi nghe nói là có hơn 1000 bài dự thi gửi đến, vậy mà cuối cùng lại được J Quan trọng là quá trình bạn tạo ra thành phẩm, viết về điều bạn yêu quý và bạn cảm thấy vui, hạnh phúc về điều đó, thì dù có đạt giải hay không bạn cũng sẽ không hối hận đâu.

PV: Cảm ơn Phương về cuộc trò chuyện!

Theo Bản tin ĐHQGHN