Thông điệp từ Trưởng khoa về Chương trình đào tạo Chất lượng cao Ngôn ngữ Đức – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thông điệp từ Trưởng khoa về Chương trình đào tạo Chất lượng cao Ngôn ngữ Đức

                                 

THÔNG ĐIỆP CỦA TRƯỞNG KHOA

VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG CAO NGÔN NGỮ ĐỨC

Các em học sinh thân mến!

         Có lẽ các em đang băn khoăn với câu hỏi “Tại sao lại chọn học tiếng Đức tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học quốc gia Hà Nội (ULIS)?”. Hãy cho phép tôi có vài ý giải tỏa phần nào băn khoăn của các em.

  • Vào học tiếng Đức ở Khoa chúng tôi tức là các em sẽ được ở trong vòng tay của những người yêu người và yêu nghề, những người dám dấn thân, những người làm việc vì danh dự của bản thân, vì “màu cờ sắc áo” của Khoa và Nhà trường.
  • Vào học tiếng Đức tức là các em đã chọn lựa tham gia vào cuộc hành trình dài đầy gian khó để tìm hiểu thứ tiếng và nền văn hóa của những bộ óc vĩ đại nhất thế giới ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là Anh-xtanh, cha đẻ của Thuyết Tương đối. Đó là đại thi hào Goethe mà chúng ta quen gọi trong tiếng Việt là Gớt với những tác phẩm bất hủ không chỉ có giá trị nhân văn đối các quốc gia nói tiếng Đức, mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến cả thế giới. Đó là nhà triết học Kant với tư tưởng “giáo dục là mệnh lệnh đối với sự phát triển của nhân loại”. Đó là Karl Marx với công việc yêu thích nhất là “lục tìm trong sách vở”, với những câu châm ngôn ấn tượng “hãy biết hoài nghi tất cả”, “không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi”, v.v. và còn biết bao nhiêu những nhà tư tưởng khác không thể kể hết ở đây được.
  • Học ở đây, các em sẽ có cơ hội và trao cho chúng tôi cơ hội cùng các em khám phá về “cái chất Đức”, về tinh thần Đức, về nền văn hóa của những con người dám vượt qua và vượt qua được những “vết mờ” trong quá khứ để vươn tới những giá trị nhân văn cao cả.
  • Đến với ULIS chúng tôi có nghĩa là các em muốn đồng hành với chúng tôi, nơi mà tất cả mọi người, từ bác lao công đến Hiệu trưởng, bằng tấm lòng của mình, bằng khả năng của mình, bằng cách làm của mình, đang từng ngày, từng giờ nâng niu, vun vén để môi trường học tập nơi đây ngày một tốt hơn. Nhìn vào những dãy ghế dưới bóng cây, những bông hoa sen, hoa đại, hoa phượng, hoa giấy bung nở ở khuôn viên Khoa Pháp, chắc các em cũng thấy sự nỗ lực rất lớn của tất cả cán bộ, công nhân viên Nhà trường. Các em hãy đến đây, dạo một vòng qua ULIS để kiểm chứng những điều tôi nói, để tận mắt chứng kiến môi trường học tập nơi đây và để xem nơi này có đáng cho các em dành những năm tháng thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để “luyện trí thành nhân” hay không?

Vậy “Chương trình đào chất lượng cao Ngôn ngữ Đức” mang lại cho các em những gì? Có thể sơ lược vài nét thế này:

  • Sau khi tốt nghiệp, các em không chỉ thành thạo tiếng Đức, mà còn thành thạo cả tiếng Anh, thứ tiếng được sử dụng tại 66 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tôi tin rằng nếu các em thực sự nỗ lực thì điều này hoàn toàn khả thi. Thành thạo hai thứ tiếng này thì coi như các em đã có “chiếc chìa khóa vàng” để mở ra cánh cửa bước ra với thế giới, với Châu Âu, để các em có thêm cơ hội tự tìm kiếm và kiến tạo cơ hội nhằm thỏa mãn những đam mê của bản thân.
  • Theo học Chương trình này, các em sẽ có nhiều cơ hội học tập theo hình thức trải nghiệm, được thực tập, kiến tập. Chương trình sẽ giúp rèn luyện cho các em những kỹ năng cần thiết nhất cho cuộc đời như kỹ năng hợp tác trên cơ sở trọng mình và trọng người, tin mình và tin người, kỹ năng biết “cạnh tranh” với nhau để vươn lên, biết “cạnh tranh” một cách lành mạnh, một cách “quân tử”, cạnh tranh mà “không tranh”, không nhằm mục đích “hơn thua” mà chỉ nhằm mục đích “cùng nhau tỏa hương thơm ngát cho đời” theo như cách nói của GS. Cao Huy Thuần trong cuốn “Khi tựa gối khi cúi đầu” (2011).
  • Các em sẽ được học những thầy cô và chuyên gia Đức tràn đầy nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn cao của Khoa, những người không chỉ biết truyền đạt kiến thức một cách đơn thuần, mà còn có phương pháp để thắp lên cho các em ngọn lửa đam mê học tập, ý chí phấn đấu, vươn lên, để dạy cho các em cách tự học, tự rèn luyện phục vụ nhu cầu học tập suốt đời bởi vì theo tôi, triết lý giáo dục hiện đại phải là tạo điều kiện để mỗi người có cơ hội tự giáo dục.

   Các em thân mến!

Có lẽ tôi đã nói hơi dài, hy vọng là “trường ngôn” nhưng không “đoản ý”. Mong các em tìm hiểu kỹ về Chương trình, về Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, về ULIS chúng tôi và có những quyết định đúng đắn để chúng ta “cùng nhau kiến tạo cơ hội” như khẩu hiệu và triết lý hành động của Trường bao năm nay.

(TS. Lê Hoài Ân, Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức)