Thông báo về Hội thảo Khoa học Quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ 3: Kế thừa trong hội nhập – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thông báo về Hội thảo Khoa học Quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ 3: Kế thừa trong hội nhập

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ

“GIẢNG DẠY TIẾNG HÁN KHU VỰC VĂN HÓA CHỮ HÁN”

LẦN THỨ 3

____KẾ THỪA TRONG HỘI NHẬP

Từ ngày 7-8/12/2018, Hội thảo Khoa học Quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu giảng dạy tiếng Hán trong và ngoài nước. Hội thảo do Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Sunwah và Tổ chức Hanban Trung Quốc.

Trong lịch sử, nền văn minh Hoa Hạ xuất hiện sớm và phát triển rực rỡ, trong đó chữ Hán đã ra đời và góp phần to lớn vào quá trình phát triển của nền văn minh này. Từ lưu vực sông Hoàng Hà, chữ Hán đã phát triển mạnh mẽ, mở rộng địa bàn sử dụng theo cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, tạo ra một Khu vực Văn hóa chữ Hán rộng lớn.

Đến nay, khu vực Văn hóa Chữ Hán (汉字文化圈) chỉ những quốc gia đã từng sử dụng chữ Hán trong lịch sử phát triển đất nước với ba đại diện tiêu biểu là Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngôn ngữ của những quốc gia trên chịu ảnh hưởng tương đối sâu sắc từ tiếng Hán trên hầu hết các bình diện của ngôn ngữ. Nghiên cứu tìm ra những lợi thế và những ảnh hưởng tiêu cực giúp nhanh chóng chiếm lĩnh ngôn ngữ Hán, có những hiểu biết sâu về nền văn hóa cũng như đất nước, con người Trung Quốc cũng như các nước trong Khu vực, để mỗi quốc gia có thể hội nhập thuận lợi và sâu rộng hơn.

Với sự thành công và lan toả của hai lần hội thảo trước, Hội thảo quốc tế “Giảng dạy tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán” lần thứ 3 ngay sau khi phát đi thông báo thứ nhất đã nhận được sự ủng hộ và nhiệt tình đăng kí tham gia của đông đảo học giả trong và ngoài nước. Trước thềm khai mạc, Ban tổ chức đã nhận được 132 bài viết tâm huyết và kĩ lưỡng của 150 đại biểu đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các chủ đề mà học giả quan tâm bao gồm: Lịch sử giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán, thực tiễn và hướng phát triển giảng dạy tiếng Hán, chính sách giảng dạy tiếng Hán, sự tương đồng và khác biệt trong giảng dạy tiếng Hán, giảng dạy chữ Hán, biên soạn giáo trình và phương pháp giảng dạy tiếng Hán, giảng dạy tiếng Hán với nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa và hợp tác quốc tế trong giảng dạy và nghiên cứu tiếng Hán Khu vực Văn hóa Chữ Hán….

Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn, biên tập những bài viết tốt và đưa vào cuốn kỉ yếu xuất bản ngay trước ngày khai mạc Hội thảo. Cuốn sách dự kiến sẽ là nguồn tư liệu tham khảo tốt cho những độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như sự phát triển của tiếng Hán với vai trò là ngoại ngữ đang được sử dụng rộng rãi trong khu vực.

Chúng ta cùng chờ đợi sự chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi học thuật của các học giả – những người quan tâm vun đắp cho sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ văn hoá Trung Quốc. Thành công của hội thảo chắc chắn sẽ đóng góp tích cực cho việc tăng cường mối quan hệ giao lưu hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy tiếng Hán và tìm hiểu văn hoá chữ Hán giữa các nước trong khu vực trong thời kì hội nhập. Với chủ đề “Giảng dạy tiếng Hán với sự Phát triển Ngôn ngữ Văn hóa trong Khu vực Văn hóa Chữ Hán”, Hội thảo phát đi thông điệp: Nghiên cứu kế thừa và phát huy các yếu tố ngôn ngữ văn hoá là nền tảng vững chắc cho hội nhập bền vững.

                                                          Thanh Huyền – Nguyễn Minh

                                                Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc