Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 21/12/2019, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hoạt động tham quan Khu di tích K9 Đá Chông nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019) và kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2019).

Tham dự sự kiện có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh; Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long; Chủ tịch HĐTV HT&PT Nguyễn Lân Trung; đại diện lãnh đạo các đơn vị và đặc biệt là các cựu quân nhân, thanh niên xung phong và các đồng chí dân quân tự vệ.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Trường Đại học Ngoại ngữ luôn coi sự kiện kỷ niệm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là một ngày lễ quan trọng. Những cựu quân nhân, các dân quân tự vệ đã và đang có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Nhà trường cũng như của xã hội.

Năm 1957 trong một lần thăm sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây.

Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969 công trình gìn giữ thi hài Bác Hồ tại K9 đã hoàn thành. Về cơ bản từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông (có thời gian không dài ở K2) cho đến ngày 18/7/1975 mới chuyển về Lăng Bác. Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9. Tại đây, hàng năm du khách thường lui đến để thắp hương Nhà thờ Bác Hồ, tham quan khu vực bảo quản thi hài Bác vẫn được giữ nguyên trạng gắn với nhà kính, nhà hầm và các phương tiện kỹ thuật máy móc. 

Trong chương trình, đoàn đã đi tham quan Khu di tích K9 Đá Chông và dâng hương viếng Bác Hồ. Những kỷ vật và các câu chuyện lịch sử, phong cảnh nơi đây đã giúp đoàn hiểu rõ hơn về những năm tháng chiến đấu xưa kia của dân tộc và Bác Hồ, vị cha già vĩ đại mà cả dân tộc Việt Nam luôn cố gắng học tập và noi gương theo. Trước khi kết thúc chuyến đi, đoàn đã dự bữa liên hoan thân mật và cùng chia sẻ những câu chuyện về một thời quân ngũ của các cựu quân nhân. 

Cũng trong dịp này, đại diện Nhà trường đã đến thăm và tặng hoa chúc mừng các đối tác là các đơn vị quân đội như: Ban chỉ huy quân sự Quận Cầu Giấy, Trung tâm giáo dục Quốc phòng An ninh – ĐHQGHN, Học viện Khoa học Quân sự, Tổng công ty 319 – Bộ Quốc Phòng, Nhà máy Z157,…

Thăm và chúc mừng Tổng công ty 319

Trung tâm giáo dục Quốc phòng An ninh – ĐHQGHN

Nhà máy Z157

Học viện Khoa học Quân sự

Năm 2019, Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ công tác Quốc phòng, quân sự địa phương. Tổng quân số biên chế là 26 đồng chí (Ban chỉ huy có 04 đồng chí). Trung đội cơ động tác chiến gồm 22 đồng chí. Công tác tham mưu lãnh đạo và chỉ đạo công tác quân sự – quốc phòng địa phương, Công tác tham mưu tác chiến, Công tác xây dựng lực lượng, Công tác huấn luyện, Công tác Đảng – Công tác Chính trị, Công tác hậu cần – kỹ thuật đều đã được tích cực triển khai và hoàn thành theo kế hoạch. 

Một số hình ảnh khác:

ULIS Media