Hoàn cảnh ra đời, đặc điểm, mục tiêu hành động của Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Hoàn cảnh ra đời, đặc điểm, mục tiêu hành động của Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN

Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (ĐHSPNNHN) nay là Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHNN – ĐHQGHN) gắn liền với lịch sử phát triển của ngành Ngoại ngữ và sự lớn mạnh không ngừng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong suốt hơn nửa thế kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nhà trường.

Trên cơ sở phân tích vị trí, vai trò của cách mạng nước ta trong phong trào cách mạng thế giới, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã thấy rõ tầm quan trọng của việc trang bị tiếng nước ngoài cho thế hệ trẻ.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1947 tại chiến khu Việt Bắc, Đảng và Chính Phủ đã cho thành lập một cơ sở Ngoại ngữ dạy tiếng Trung Quốc, tiếng Nga và tiếng Anh. Đó là cơ sở dạy và học ngoại ngữ đầu tiên của nước ta do chính quyền cách mạng xây dựng.

Năm 1955, một năm sau khi hoà bình lập lại, trước nhu cầu của việc dạy và học Ngoại ngữ – phục vụ cho công cuộc xây dựng miền Bắc XHCN và đấu tranh thống nhất nước nhà, Nhà nước đã quyết định mở lớp đào tạo phiên dịch tiếng Nga và tiếng Trung Quốc đặt tại khu học xá Đông Dương (phường Bách Khoa hiện nay) và sau đó chuyển thành Trường Ngoại ngữ Bạch Mai. Năm 1958 Trường Ngoại ngữ Bạch Mai được sáp nhập vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành Khoa Ngoại ngữ nhằm đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ cho các trường phổ thông ở miền Bắc Việt Nam. Lúc đầu mới thành lập, Khoa Ngoại ngữ gồm 3 phân khoa: Tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, năm 1962 mở phân Khoa tiếng Pháp.

Năm 1963, 4 phân khoa trở thành 4 khoa: Khoa Nga văn, Khoa Anh văn, Khoa Trung văn và Khoa Pháp văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hồ Chủ tịch đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên,sinh viên Trường (03/1960)

Thời kỳ này việc đào tạo giáo viên ngoại ngữ tuy đã có điều kiện phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của xã hội và ngành giáo dục. Trước tình hình đó việc thành lập một Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ đã trở thành tất yếu khách quan, một đòi hỏi cấp bách của xã hội.

Ngày 10 tháng 7 năm 1967, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trực tiếp gặp các cán bộ lãnh đạo và một số cán bộ giảng dạy ngoại ngữ. Trong buổi gặp này, Thủ tướng đã chỉ thị rõ: “Trong trình độ phổ thông của giáo dục phải có trình độ phổ thông về Ngoại ngữ’, đồng thời nhấn mạnh “Vì vị trí nước ta, vị trí quốc tế của nước ta đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều người thực sự giỏi tiếng nước ngoài”. Như vậy, mục tiêu chiến lược lâu dài của Đảng bộ và Nhà trường đã được Nhà nước ta chính thức xác định.

Tiếp theo đó, ngày 14 tháng 8 năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 128/CP thành lập Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội trên cơ sở 4 Khoa: Nga văn, Anh văn, Trung văn và Pháp văn được tách ra từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Văn Huyên thăm cơ sở vật chất ban đầu khi Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội mới được thành lập, tháng 8 năm 1967.

Nhiệm vụ chính trị của Nhà trường được Thủ tướng Chính Phủ giao cho là đào tạo giáo viên ngoại ngữ cho các trường phổ thông cấp II. III của cả nước.

Việc thành lập Trường ĐHSPNNHN là bước phát triển tất yếu của ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu cấp bách về ngoại ngữ của xã hội, đã tạo những tiền đề vật chất và tổ chức quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ trọng yếu là đào tạo giáo viên ngoại ngữ, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Đó là một thuận lợi đặc biệt, một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự trưởng thành nhanh chóng của Nhà trường, khẳng định vị trí của ngành Ngoại ngữ trong xã hội hiện đại. Cùng với sự ra đời của Trường ĐHSPNNHN, Đảng bộ được thành lập để thực hiện sứ mệnh lãnh đạo Nhà trường thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao phó, từ đây từng bước đi lên của Nhà trường luôn gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của Đảng bộ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng làm việc với các cán bộ lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và một số cán bộ giảng dạy ngoại ngữ ngày 10/7/1967.

Giảng viên và sinh viên Trường đào giao thông hào bên cạnh các lán học tập để tránh bom đạn trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của máy Bay Mỹ, trong những năm mới thành lập Trường