Đào Thị Hồng Nhung – Con đường nỗ lực từ sinh viên bằng kép trở thành giảng viên ULIS – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Đào Thị Hồng Nhung – Con đường nỗ lực từ sinh viên bằng kép trở thành giảng viên ULIS

Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong các đơn vị triển khai sớm và thành công nhất hệ đào tạo bằng kép trong ĐHQGHN. Trong 10 năm từ 2007 đến 2017, đã có nhiều các gương mặt tốt nghiệp và thành danh. Dù chọn học ngành 1 là Ngôn ngữ học tại Trường ĐH KHXH&NV, Đào Thị Hồng Nhung cũng theo đuổi ngành 2 là Ngôn ngữ Anh tại ULIS để rồi cuối cùng trở thành giảng viên của Khoa SPTA từ tháng 7 vừa qua.

Hãy cùng tìm hiểu về nữ giảng viên trẻ cũng như kinh nghiệm của cô nàng trong quá trình học bằng kép vất vả nhưng cũng giúp Nhung tích lũy được vô vàn kiến thức để thi đỗ và trở thành giảng viên tại ULIS nhé.

PV: Chào Nhung. Trước tiên em có thể giới thiệu một chút về bản thân được không?

Xin chào các thầy cô, các bạn cũng như các em sinh viên. Em tên là Đào Thị Hồng Nhung, quê quán Hải Phòng. Hiện em đang làm Giảng viên Khoa SPTA của Trường ĐHNN và là NCS Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại ĐHKHXH&NV.

Đào Thị Hồng Nhung

PV: Tại sao lựa chọn theo học bằng kép, một chương trình học đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức?

Theo em, bằng kép là cơ hội quý giá với các bạn sinh viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội bởi có thể song hành học 2 ngành một lúc. Em lựa chọn Ngôn ngữ học và tiếp theo là Ngôn ngữ Anh. Lựa chọn Ngôn ngữ Anh bởi trước hết từ nhỏ em đã rất yêu thích môn học này. Ngoài ra, Ngôn ngữ Anh kết hợp với các kiến thức về Ngôn ngữ học sẽ giúp em có những tri thức sâu rộng phục vụ cho công tác giảng dạy cũng như nghiên cứu sau này.

PV: Em có thể chia sẻ các ưu điểm và khó khăn của chương trình bằng kép mà em nhận thấy?

Ưu điểm lớn nhất của học bằng kép đó là học song hành một lúc, tiết kiệm thời gian và cơ hội nghề nghiệp mở ra trong tương lai khá nhiều. Đặc biệt ở môi trường lí tưởng như ở Đại học Quốc gia, sinh viên luôn luôn có thể yên tâm vào chất lượng giáo dục và cơ hội được khám phá chính những năng lực tiềm ẩn trong bản thân mình

Tuy nhiên, quá trình học tập và hoàn thành cả 2 bằng thực sự cần một quyết tâm khá lớn bởi có nhiều khi vô cùng căng thẳng đặc biệt trong các đợt thi giữa kì hay cuối kì. Thời gian, đó là thứ rất nhiều sinh viên bằng kép gặp phải bởi rất nhiều bài tập và yêu cầu cần hoàn thành từ cả 2 chuyên ngành. Thậm chí đôi khi lịch thi có thể gần sát nhau (ví dụ: sáng thi ngành này, chiều thi ngành kia). Lúc đó giải pháp duy nhất là tập trung học cao độ và quyết chiến với kì thi đó thôi ạ.

Khó khăn thứ 2 có lẽ là giữ được “lửa” trong suốt quá trình học tập. Thực ra trong khi học, có nhiều bạn thấy chán, thấy mệt và muốn bỏ. Và vì thế, đam mê học tập sẽ dần dần giảm sút. Theo em, cái này là câu chuyện của cá nhân, dù nhà trường luôn tạo điều kiện tốt nhất nhưng nếu chính sinh viên không tự tìm cho mình đam mê học tập thì sẽ rất khó có thể vượt qua được

PV: Tại sao em lại lựa chọn thi vào làm giảng viên của ULIS dù học ngành 1 là Ngôn ngữ học? Trong quá trình ôn thi em có lo lắng quá không vì đây là Khoa nhiều thầy cô giỏi và tỷ lệ cạnh tranh cao?

Trước khi làm giảng viên bên khoa SPTA, em may mắn được là sinh viên ở đây nên cảm thấy Khoa như ngôi nhà của mình vậy. Như em hay nói đùa là: Ngôn ngữ học là “nhà mẹ đẻ” thì Sư phạm TA là “nhà mẹ chồng”. May mắn nữa là trước khi về “nhà mẹ chồng” thì các thầy cô ở “nhà mẹ đẻ” đã tạo điều kiện giúp đỡ em được giảng dạy và học hỏi tại khoa Ngôn ngữ học. Có lẽ vì thế mà hành trang về ngôi nhà SPTA của em cũng tự tin hơn. Với cá nhân em thì ở ngôi nhà nào thì cũng đều vô cùng quý giá!

Quá trình chuẩn bị dự thi vào Khoa với em tương đối căng thẳng bởi có rất nhiều các anh chị dày dặn kinh nghiệm cũng như kiến thức. Thú thực lúc đó em rất lo vì sau vòng sơ khảo hồ sơ thì vẫn còn 3 vòng nữa. Nhưng nhờ được các thầy cô phổ biến, thông tin rõ ràng về kỳ thi nên tâm lý các ứng viên đều thoải mái trở lại khi bước vào các phần thi, và chúng em đã có cơ hội thể hiện bản thân mình một cách tốt nhất.

PV: Giờ đã trở thành giảng viên Khoa SPTA như mong muốn, em có dự định gì trong tương lai gần không?

Vì em còn trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên dự định gần nhất của em là cố gắng trau dồi kiến thức và học hỏi kinh nghiệm từ các thầy cô đi trước trong khoa và trường để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như đóng góp một phần nhỏ bé cho Khoa SPTA.

PV: Em có lời khuyên nào cho các đàn em đang học bằng kép tại trường?

Em chỉ có một chút chia sẻ thế này với các bạn sinh viên lựa chọn học 2 ngành là: học 2 ngành thực sự cần nhiều cố gắng. Con đường đó không phải chỉ toàn hoa hồng mà còn rất nhiều khó khăn phải trải qua. Và khó khăn lớn nhất có lẽ chính là vượt lên chính bản thân mình. Do đó, ngay từ đầu nên xác định một thái độ học tập nghiêm túc, phong thái làm việc chuyên nghiệp và tinh thần sẵn sàng đối đầu với bất kì khó khăn nào. Bởi ở nơi đây không chỉ có các bạn kì vọng vào chính các bạn, mà còn có rất nhiều kì vọng và tâm sức của rất nhiều các thầy cô giảng viên.

Nhân đây, em xin phép được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thầy cô của Khoa Ngôn ngữ học và Sư phạm tiếng Anh đã luôn tạo điều kiện giúp đỡ em trong quá trình phấn đấu học tập và làm việc!

Cũng trong dịp 20/10 đang đến gần, em xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể phái đẹp trong trường, những bông hoa đang hết mình tỏa hương và khoe sắc vì ngôi nhà ULIS mến thương.

Bảng thành tích “khủng” của Hồng Nhung:

-Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học loại Xuất sắc, Thủ khoa đầu ra lớp Ngôn ngữ QH.2011 (ĐHKHXH&NV); Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh loại Giỏi (ĐHNN) và được chuyển tiếp sinh làm Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ học tại ĐHKHXH&NV

-Giải Nhất học sinh giỏi văn thành phố Hải Phòng năm 2008;

Giải Nhất thi viết luận Tiếng Anh trường Swiss College of Hospitality Management Lenk năm 2012;

Giải Nhất cuộc thi viết luận tiếng Anh của trường Anh ngữ Blue Ocean năm 2013

Giải Nhì cuộc thi hùng biện “Linguistics English contest 2013”;

Giải Nhì nghiên cứu khoa học về đề tài liên quan đến dân tộc thiểu số năm 2014

Giải Khuyến khích nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Khoa Ngôn ngữ (theo nhóm) với đề tài: “Sign language” năm 2013;

Giải Khuyến khích cuộc thi “Olympic Tiếng Anh không chuyên” (theo đội) do Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2013.

-Học bổng 100% khóa luận du học

-Học bổng ChungSoo Hàn Quốc dành cho sinh viên xuất sắc 2 năm liên tiếp 2013,2014

-Học bổng định kì dành cho sinh viên đạt thành tích học tập giỏi của trường ĐHKHXH&NV;

-Học bổng ngắn hạn 100% đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Thai studies tại Đại học Chulalongkorn-Thái Lan

-Đạt danh hiệu “Gương mặt trẻ tiêu biểu” cấp cơ sở 2 năm liên tiếp: 2013 và 2014

-Từng Trợ lý tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân tộc thiểu số-miền núi và lưu vực sông Hồng, Từng giảng dạy không chuyên tại khoa Ngôn ngữ học

– Từng làm việc trong Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng Anh “Anglo the club”

– Tham gia báo cáo tại các hội thảo về giảng dạy đa ngữ, ngoai ngữ trong và ngoài nước

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media