Cô giáo 9x và quyết tâm bảo vệ luận án tiến sĩ trước tuổi 30 – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

Cô giáo 9x và quyết tâm bảo vệ luận án tiến sĩ trước tuổi 30

Xuất sắc bảo vệ luận án tiến sĩ trước thời hạn, nữ giảng viên 9x Triệu Thu Hằng đã được Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội khen thưởng 25 triệu đồng.

PV: Xin chào Hằng. Bạn có thể giới thiệu một vài điều về bản thân mình được không?

Tên mình là Triệu Thu Hằng, vốn là cựu sinh viên lớp chất lượng cao của Khoa Sư phạm Tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, mình có cơ hội được giảng dạy tại Bộ môn Dịch của Khoa Sư phạm Tiếng Anh. Công tác tại khoa cho mình vô vàn điều quý báu về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Vào tháng 5 năm nay, mình đã chuyển sang công tác tại Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài.

Nhìn lại chặng đường mười năm qua của bản thân, mình thấy thật biết ơn và tự hào khi được học tập, trưởng thành từ ULIS.

PV: Bạn có thể chia sẻ về luận án tiến sĩ của mình được không?

Sau khi học xong thạc sĩ, nhận thấy bản thân cần bổ sung nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết nên mình đã tiếp tục thi nghiên cứu sinh. Đỗ ngành Ngôn ngữ Anh, mình tiếp tục học tập tại Khoa Sau Đại học của trường từ năm 2016. Tính từ ngày nhận quyết định công nhận nghiên cứu sinh thì sau hai năm rưỡi mình đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở và ba tháng sau (tháng 4/2019) lại bảo vệ luận án tiến sĩ cấp ĐHQG. Trước đây mình đã quyết tâm có thể hoàn thành chương trình tiến sĩ trước tuổi 30 và thật vui vì đã có thể thực hiện được điều đó.

Luận án tiến sĩ của mình thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ Anh. Nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá dịch Anh-Việt các yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong văn học nhìn từ quan điểm chức năng-dụng học của tác giả House (2015). Sau khi vận hành mô hình của House (2015) trong bối cảnh dịch Anh-Việt, nghiên cứu rút ra những đóng góp về mặt lý thuyết cho mô hình trong bối cảnh dịch Anh-Việt. Nghiên cứu đi sâu đánh giá ba nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá, bao gồm tên riêng, các hình thái quy chiếu về người, và phương ngữ trong một tác phẩm văn học cụ thể. Nghiên cứu đem lại đóng góp về mặt lý thuyết, phương pháp và thực tiễn. Về thực tiễn, nghiên cứu cung cấp cho người dịch nói chung những chiến lược dịch cụ thể để xử lý từng nhóm yếu tố mang đặc trưng văn hoá trong một tác phẩm văn học. Luận án của mình đã được Hội đồng đánh giá là một kênh tham khảo hữu ích cho các dịch giả, nhà xuất bản, những người học để trở thành người dịch chuyên nghiệp.

(Ảnh chụp cùng thầy hướng dẫn PGS. TS. Lê Hùng Tiến tại lễ bảo vệ Luận án cấp ĐHQG)

PV: Kinh nghiệm của Hằng để có thể bảo vệ luận án trước thời hạn?

Trước khi nộp hồ sơ dự tuyển để được công nhận nghiên cứu sinh, mình đã tập trung chuẩn bị đề cương nghiên cứu thông qua việc đọc các tài liệu, tham dự các hội thảo khoa học, và trao đổi với cán bộ hướng dẫn để dự kiến tên đề tài, mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, khung lý thuyết, phương pháp nghiên cứu, v.v Mặc dù trong quá trình đi vào nghiên cứu sẽ có những thay đổi, nhưng bước chuẩn bị tốt đề cương này giúp con đường đi ba năm sau này của mình thuận lợi hơn.

Trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh, mình đã học tập và nghiên cứu thông qua nhiều hình thức khác nhau. Có lẽ cũng giống như mọi nghiên cứu sinh khác, mình dành thời gian và công sức cho việc đọc tài liệu, sách, các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Đọc đến đâu mình đều có một cuốn nhật kí nghiên cứu để ghi chép, tóm tắt những gì mình đã thu được và trình bày quan điểm của mình về những luận điểm, quan điểm khoa học đã đọc được từ các tác giả khác. Đối với những câu hỏi, những vấn đề mà mình đang trăn trở thì mình ghi chép lại để bản thân trở đi trở lại tìm lời giải và cũng là để trao đổi cùng thầy hướng dẫn.

Điểm quan trọng là mình tận dụng mọi cơ hội để thường xuyên gặp, trao đổi tiến độ nghiên cứu với thầy hướng dẫn. Qua mỗi lần trao đổi với thầy hướng dẫn là mình vỡ ra nhiều điều và có thêm động lực để làm tốt các phần công việc tiếp theo.

Ngoài ra, Khoa Sau Đại học của trường có một hoạt động rất hữu ích dành cho nghiên cứu sinh là Câu lạc bộ nghiên cứu sinh. Câu lạc bộ nghiên cứu sinh được tổ chức đều đặn mỗi tháng một lần trong đó khoảng 1-2 nghiên cứu sinh lên trình bày vấn đề nghiên cứu của mình trước hội đồng các thầy cô và các bạn nghiên cứu sinh. Mình cũng tận dụng cơ hội để trình bày vấn đề của mình trước các thầy cô và các bạn nghiên cứu sinh tại Câu lạc bộ. Qua mỗi lần trình bày, mình đã gặt hái được nhiều nhận xét quý báu từ các thầy cô, giúp nghiên cứu của mình đi đúng hướng, đem lại giá trị và hiệu quả.

Đối với mình, trong quá trình nghiên cứu, mình không cảm thấy đơn độc và nhàm chán. Mình thường đi nghe dự các buổi bảo vệ chuyên đề, bảo vệ cấp cơ sở, bảo vệ cấp nhà nước của các nghiên cứu sinh khác để lắng nghe nhận xét từ các thầy cô từ đó học tập, rút kinh nghiệm cho đề tài của mình.

Một kênh học tập nữa là mình thường viết bài và tham dự các hội thảo khoa học. Bài viết của mình có thể mới chỉ là những kết quả nghiên cứu ban đầu. Tuy nhiên, mình thu được rất nhiều điều quý báu sau mỗi hội thảo mà mình tham dự. Trước hội thảo, mình nhận được kết quả thẩm định từ ban tổ chức. Trong hội thảo, mình có dịp trao đổi, trình bày kết quả nghiên cứu của bản thân trước rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực.

Đặc biệt, mình nhận thấy đề tài của mình phát triển đúng hướng cũng nhờ việc thường xuyên gửi bài tới các tạp chí chuyên ngành phù hợp như Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tạp chí Ngôn ngữ, v.v và có được góp ý quý báu từ các chuyên gia phản biện.

(Ảnh chụp tại Hội nghị Công chức, viên chức năm học 2017-2018, trong danh sách 10 cán bộ có điểm NCKH cao nhất trong năm học 2017-2018)

PV: Bản thân Hằng cảm thấy bảo vệ luận án tiến sĩ trước thời hạn có những lợi ích gì?

Trước hết, mình cảm thấy vui vì mình đã hoàn thành một nhiệm vụ đặt ra. Mình được nhà trường hoàn lại toàn bộ tiền học phí của 3 năm học và thưởng thêm 25 triệu đồng ngay sau khi bảo vệ thành công luận án. Số tiền đó tuy không quá lớn, nhưng mình cảm thấy đó là một phần thưởng rất có giá trị động viên và khích lệ người học.

Quan trọng hơn, mình nghĩ rằng hoàn thành luận án Tiến sĩ là bước đầu tiên để mình tiếp tục nghiên cứu, học tập nhiều năm tháng sau này. Hoàn thành luận án trước thời hạn giúp mình có nhiều thời gian hơn để tiếp tục thực hiện những đề tài, những dự án nghiên cứu mới dựa trên nền tảng trước đây của mình.

Hằng được Hiệu trưởng trao giấy khen và tặng thưởng 25 triệu đồng tại Hội nghị giao ban quý 2/2019

PV: Hằng vừa chuyển công tác sang Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài. Bạn có thể giới thiệu một vài điều về tạp chí này được không?

Từ tháng 1 năm 2017, Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN, đã chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động độc lập. Tạp chí thuộc Danh mục tạp chí được tính điểm cao nhất của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành Ngôn ngữ và một số Hội đồng liên quan. Đặc biệt, Tạp chí đã được lọt top 10 xếp hạng chỉ số trích dẫn Tạp chí Khoa học xuất bản trực tuyến của Việt Nam (2014-2018).

Hiện tại, tạp chí xuất bản 6 số/ năm trong đó 4 số tiếng Anh và 2 số tiếng Việt. Tất cả bài viết gửi đến Tạp chí đều được phản biện, biên tập bởi các nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước. Chính vì vậy, đây là một sân chơi bổ ích, các thầy cô ULIS nên nắm bắt cơ hội để đăng bài.

Chuyển công tác sang Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, mình sẽ cố gắng để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao. Hy vọng bản thân mình cũng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để phát huy năng lực và niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Lệ Thủy-Việt Khoa/ULIS Media