[UNC2025] Hội thảo Quốc tế về Điền dã Ngôn ngữ học: phương pháp và lý thuyết – Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội

[UNC2025] Hội thảo Quốc tế về Điền dã Ngôn ngữ học: phương pháp và lý thuyết

Ngày 27/09/2024, tại Hội trường Vũ Đình Liên, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Quốc tế: “Điền dã Ngôn ngữ học: Phương pháp và lý thuyết”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học” (UNC2025”) và sử dụng 3 ngôn ngữ Anh – Việt – Pháp (dịch song song).

Tham dự hội thảo có Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông; các diễn giả đến từ Trường Đại học Rennes 2 (Pháp), Trường Đại học Zurich (Thụy Sĩ), Trường Đại học Phenikaa; các giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành về ngôn ngữ, văn hóa, phương pháp giảng dạy & quốc tế học các khoa đào tạo và bộ môn; học viên Khoa Sau đại học, Nghiên cứu sinh và cán bộ quan tâm.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Lâm Quang Đông đã gửi lời chào mừng đến các đại biểu tham dự và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng ranh giới nghiên cứu ngôn ngữ học. Từ những ngày đầu của cấu trúc luận trong ngôn ngữ học hiện đại, các nhà khoa học đã tập trung vào cấu trúc và khái niệm ngôn ngữ. Tuy nhiên, trong hơn nửa thế kỷ qua, ngôn ngữ đã được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, bao gồm liên ngành, xuyên ngành và giao ngành. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều phân ngành ngôn ngữ học như ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học chức năng và ngôn ngữ học tri nhận. Nhấn mạnh rằng ngôn ngữ là một di thể năng động, Phó Hiệu trưởng cho biết Hội thảo quốc tế với chủ đề “Điền dã Ngôn ngữ học: Phương pháp và lý thuyết” được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu điền dã trong lĩnh vực Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học xã hội. Đồng thời, hội thảo cũng là nơi trao đổi học thuật, gợi mở những hướng nghiên cứu mới về Ngôn ngữ học trong bối cảnh hiện nay, gắn kết giữa các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước quan tâm đến các phương pháp và lý thuyết điền dã Ngôn ngữ học.

Tại hội thảo, GS. Philippe Blanchet đến từ Trường Đại học Rennes 2 (Pháp) đã trình bày báo cáo phiên toàn thể với chủ đề “Cách tiếp cận Ngôn ngữ học xã hội dân tộc theo tư duy phức hợp”. Trong báo cáo, ông đã đề cập đến các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học xã hội dân tộc. Đầu tiên, GS. Philippe Blanchet giải thích lý do tại sao cần nói về “phức hợp” và các nguyên tắc, phương pháp liên quan. Tiếp theo, ông trình bày khung lý thuyết của cách tiếp cận ngôn ngữ học xã hội dân tộc, giải thích rõ ràng khái niệm và tầm quan trọng của nó. Ông cũng nhấn mạnh các nguyên tắc phương pháp chính, đặc biệt là các phương pháp thực nghiệm và cảm ứng. Ngoài ra, GS. Blanchet còn thảo luận về vai trò của lý thuyết hóa trong nghiên cứu và cách thức truyền tải, phổ biến kiến thức thu được từ các nghiên cứu này. Báo cáo của ông đã mang đến những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc, góp phần làm phong phú thêm nội dung của hội thảo và mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trong lĩnh vực ngôn ngữ học xã hội dân tộc.

Sau phần thảo luận ở phiên toàn thể, hội thảo tiếp tục với phần trình bày 8 báo cáo tại 2 tiểu ban song song, mang đến những nghiên cứu và quan điểm mới mẻ về việc nghiên cứu ngôn ngữ. Các báo cáo này không chỉ cung cấp thông tin sâu sắc mà còn mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Tiểu ban 1 bao gồm các báo cáo sau:

  1. “Điền dã ngôn ngữ học: một số vấn đề trong thực tiễn điền dã tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam” – GS. Nguyễn Văn Khang (Trường Đại học Phenikaa, Việt Nam).
  2. “Tiếp cận so sánh với Thụ đắc ngôn ngữ thứ nhất: ghi âm ghi hình cả ngày theo hình thức cắt ngang” – GS. Sabine Stoll (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).
  3. “Ai có tiếng nói? Cách tiếp cận đối với việc lựa chọn người tham gia, tư vấn và cộng tác” – TS. Dagmar Jung (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).
  4. “Phương pháp điền dã và vấn đề đạo đức trong nghiên cứu ngôn ngữ ở miền Bắc Việt Nam” – NCS. Elise Miranda Dickerman (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).

Tiểu ban 2 bao gồm các báo cáo sau:

  1. “Mở rộng giới hạn ngành: tại sao khoa học ngôn ngữ muốn phát triển phải cần phương pháp thu thập dữ liệu đa dạng để nghiên cứu sự đa dạng” – GS. Balthasar Bickel (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).
  2. “Phân bố phương tiện phân tách từ vựng bởi các lớp danh từ theo khu vực và phả hệ” – GS. John Mansfield (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).
  3. “Thực nghiệm xuyên ngôn: tạo lập phòng thí nghiệm tạm thời” – TS. Sandrien van Ommen (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).
  4. “Giảm thiểu nhiễu biến trong điền dã xuyên văn hóa: Điều chỉnh khung thực nghiệm trong tâm lý học phát triển” – NCS. Natalia Mozorova (Trường Đại học Zurich, Thụy Sĩ).

Hội thảo kết thúc với phần thảo luận, nơi các đại biểu có cơ hội trao đổi ý kiến và đặt câu hỏi cho các diễn giả. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và cơ hội hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Các đại biểu đều đánh giá cao chất lượng của các báo cáo và sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức. Hội thảo không chỉ là nơi trao đổi học thuật mà còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu kết nối, xây dựng mạng lưới hợp tác và phát triển các dự án nghiên cứu chung trong tương lai.

Sự kiện đã thể hiện vai trò của Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc thúc đẩy nghiên cứu ngôn ngữ học và tạo điều kiện cho các học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và hợp tác. Hội thảo cũng là dịp để các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tiếp cận với những nghiên cứu mới nhất, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu của mình.

Phương Anh-Thùy Dương/ULIS Media